Từ thú chơi mỹ nghệ đến nghệ thuật điêu khắc gốm

Ở Quảng Ninh hiện nay, trong khi nhiều cơ sở sản xuất hướng đến tạo ra từ đất nung những sản phẩm lưu niệm hấp dẫn du khách bởi tính nhỏ gọn, nhẹ, đẹp mà bền, dễ vận chuyển thì nhiều người cất công sưu tập, chế tác, nâng tầm gốm từ mỹ nghệ trở thành nghệ thuật điêu khắc gốm.

Nghệ nhân vẽ gốm tại Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh.

Nghệ nhân vẽ gốm tại Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh.

Nghề gốm sứ mỹ nghệ ở Quảng Ninh tập trung chủ yếu ở Đông Triều, dựa trên nguồn nguyên liệu đất sét phong phú, giàu khoáng chất. Gốm Đông Triều có từ lâu đời nhưng hưng thịnh nhất vào những năm 80 của thế kỷ trước với hai HTX là Ánh Hồng và Đông Thành, chuyên sản xuất gốm sứ xuất khẩu sang thị trường Liên xô (cũ) và Đông Âu. Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm cùng loại, các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ vẫn tồn tại được nhờ đã biết kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại với bàn tay khéo léo của những người thợ để tạo ra dòng sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao.

Theo Nghệ nhân Ưu tú - nhà điêu khắc Lê Trọng Mỹ, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Gốm sứ Đông Thành (phường Đức Chính) thì dòng gốm sứ Đông Triều độc đáo ở tính chất gốm nặng lửa, nghĩa là có khả năng chịu nhiệt cao lên đến 1.280 độC. Sản phẩm làm ra có độ bền cao, khả năng chịu va đập tốt, khi vận chuyển có thể chồng lên nhau không cần lót mà vẫn không vỡ. Có được điều đó là nhờ Quảng Ninh nói chung và Đông Triều nói riêng có nguồn đất sét với hàm lượng nhôm cao và nhiều nguyên liệu để chế tạo ra loại men phù hợp.

Một bức phù điêu gốm của nghệ nhân Lê Trọng Mỹ.

Theo cố họa sĩ Trần Khánh Chương, gốm Đông Triều có sự đa dạng trong mẫu mã sản phẩm, loại men. Tuy nhiên, nét đặc trưng dễ nhận ra nhất của gốm Đông Triều là nét chìm; tức là nghệ nhân thường vẽ hoa văn lên sản phẩm, sau đó mới phủ men và xếp vào lò nung. Kiểu hoa văn trên được gọi là hoa văn chìm dưới men, thường có một lớp chì và được nung ở nhiệt độ rất cao, từ 1.200-1.300 độ C. Do đó, sản phẩm có độ bền cao, khó bị nứt vỡ, hoa văn không phai màu. Trong khi đó, sản phẩm của các làng gốm sứ khác chủ yếu chỉ được nung ở nhiệt độ 800 độ C, hoa văn nằm trên men, theo thời gian dễ bị phai màu.

Xưa kia, những nghệ nhân làng gốm ở Đông Triều đi tìm đất bùn ở cửa sông về phơi khô cộng với bột đá để chế ra men gốm. Đến tận bây giờ, gốm mỹ nghệ Đông Triều vẫn có những bí quyết độc đáo ở màu men. Gốm nơi đây nổi tiếng có nước men sáng đẹp, nhiều màu, các màu được ưa chuộng là men ngọc, men da lươn, men vàng nhẹ, men chảy. Một trong những người nắm giữ bí quyết chế men gốm là Nghệ nhân Ưu tú Đặng Đức Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Ánh Hồng (phường Mạo Khê). Kế thừa kinh nghiệm làm nghề của nhiều lão nghệ nhân đi trước, ông Thạch đã pha chế 16 bài men nghệ thuật các loại, như: Men đen, men trắng, men nâu, men xanh các loại, men rạn, men sao, men rêu, phục chế men thời Lý, men ngọc thời Lý, thời Trần và các bài men chảy tổng hợp.

Tác phẩm "Mẹ con" của cố nghệ sĩ Lý Xuân Trường.

Men ngọc vốn có từ xa xưa và chính ông Thạch đã cho thêm vào một số phụ gia để thành men ngọc Đông Triều có độ chịu nhiệt rất cao, xanh như màu ngọc bích, rất đẹp. Men chảy khi nung ra, bề ngoài sản phẩm tráng lớp men như chảy từng dòng từ trên xuống rất sinh động... Các mẫu sản phẩm của ông Thạch đã đạt trình độ nghệ thuật cao và có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao.

Sau khi phun men, chuốt cho sản phẩm những đường cong mềm mại, người nghệ nhân sẽ vẽ hình cho sản phẩm. Vì làm thủ công nên cùng một khuôn mẫu nhưng với mỗi sản phẩm, người thợ tài hoa lại thể hiện những nét vẽ núi non, cảnh vật, con người, hoa văn khác nhau. Đây chính là những tác phẩm nghệ thuật được tạo tác từ hòn đất sét ở vùng trầm tích Đông Triều.

Tuy nhiên, do đúc từ cùng một khuôn nên những sản phẩm này dù đặc sắc đến đâu thì vẫn là hàng hóa được sản xuất hàng loạt. Một số người có thú chơi hàng độc đã nâng cấp gốm sứ lên đến tầm nghệ thuật, đó là những tác phẩm điêu khắc. Điêu khắc gốm là quá trình người nghệ sĩ chọn đất nặn thành tượng, phù điêu hoặc rót đổ vào khuôn rồi đem nung để tạo thành tác phẩm.

Mẹ con - Tác phẩm của nghệ nhân Lê Trọng Mỹ.

Ở Quảng Ninh, những người làm điêu khắc gốm không nhiều nhưng cũng đã có được những thành tựu đáng nể. Người đi tiên phong và đến giờ vẫn còn đeo đuổi thú chơi này là nhà điêu khắc Lê Trọng Mỹ. Bắt đầu từ năm 1959, ông học nghề gốm từ nghệ nhân Cao Cáp Hỏa, một giáo viên Trường kỹ nghệ của Pháp ở Mạo Khê (Đông Triều). Tận dụng nguồn đất sét tốt, cùng hệ thống lò nung nhiệt độ cao của gia đình, ông Lê Trọng Mỹ dành nhiều thời gian cho việc sáng tạo tượng gốm.

Nghệ nhân Lê Trọng Mỹ đã có nhiều tác phẩm điêu khắc được trao giải thưởng các loại, như các tượng “Mẹ con”, “Ký ức chiến tranh”, “Mũ rơm đi học”, “Sau giờ trực chiến” v.v.. Ông có 3 tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là bộ bát điếu, bộ đồ đựng rượu và bộ đồ ăn men lam. Tác phẩm của ông từng được trao giải tại Triển lãm mỹ thuật Quảng Ninh, Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh. Năm 2017, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Đến nay, ông Mỹ đã bán được hơn 30 mẫu có chủ đề từ nhân vật trong cổ tích như nàng Bạch Tuyết, Bảy chú lùn đến nhân vật trong văn học như Thúy Kiều đánh đàn, Chí Phèo, Thị Nở rồi những nhân vật không có tên cụ thể nhưng đại diện cho một lớp người hiện đại như sĩ - nông - công - thương, người mẹ ôm con sau giờ trực chiến, cô dân quân du kích, thợ mỏ vào lò, cô gái người Dao xuống chợ.

Người được đào tạo bài bản nhất là nhà điêu khắc Lý Xuân Trường (đã qua đời). Sau khi tốt nghiệp ngành Điêu khắc gốm sứ, ông xung phong về làm việc ở Nhà máy gốm sứ Móng Cái, chuyên thiết kế mẫu sản phẩm. Đến năm 1977, ông chuyển công tác về Hội VHNT Quảng Ninh và vẫn tiếp tục công việc sáng tác gốm. Ông là một trong số không nhiều nhà điêu khắc “gạo cội” của Quảng Ninh.

Từ giữa những năm 1980 trở đi, nhiều người nhận ra trong các sáng tác của Lý Xuân Trường có một bước chuyển từ phong cách cổ điển sang hiện đại. Về hình khối và không gian, ông luôn đi trước bạn nghề, ở tính chất giản lược, lập thể. Ông cũng thường xuyên có mặt ở các xưởng gốm, dẫn các đoàn họa sĩ, nhà điêu khắc đi thực tế sáng tác tại các xưởng gốm để hỗ trợ quy trình tạo mẫu sản phẩm.

Ông có nhiều tác phẩm được chú ý, như: “Bảo vệ môi trường”, “Giọt nước trời”, “Chào Hạ Long”, “Mẹ con”, “Khát vọng” v.v.. Đặc biệt, đôi thống sứ men vân nâu cẩm thạch của ông hiện vẫn được đặt trang trọng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã có 3 tác phẩm được chọn in vào tuyển tập sách "Điêu khắc Việt Nam hiện đại". Nhà điêu khắc Lý Xuân Trường đã qua đời, nhưng mảng điêu khắc gốm mà ông xây dựng vẫn được kế tục và phát triển.

Tác phẩm "Bố em là thợ mỏ" của nghệ nhân Lê Trọng Mỹ.

Ngoài 2 nghệ sĩ kể trên say mê với điêu khắc gốm, ở Quảng Ninh còn có nhà điêu khắc Lê Quảng Cương cũng có một số mẫu tượng gốm. Tuy nhiên, khác với những chất liệu như than đá, xi măng hay sa mốt, điêu khắc gốm đòi hỏi nhiều yêu cầu mà không phải nhà điêu khắc nào cũng đáp ứng được. Ông Mỹ cho biết, có nhiều người mê tượng gốm nhưng các nghệ sĩ điêu khắc khó mà đầu tư được công cụ, phương tiện lò bễ để làm.

Một người khác không phải là nhà điêu khắc nhưng lại sắm được lò nung gốm để thỏa đam mê sưu tập của mình là ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Du thuyền Đông Dương, là con rể của cố họa sĩ Lý Xuân Trường. Ông Dũng đã xây lò nung gốm tại khu vực Bãi Cháy (TP Hạ Long), thuê nghệ nhân, nhà điêu khắc gốm đến thực hiện những tác phẩm từ ý tưởng của mình. Vì vậy, sản phẩm làm ra là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân và không giống với bất kỳ sản phẩm của xưởng gốm nào, không giống với tượng của bất kỳ nhà điêu khắc nào. Đây là những cố gắng rất đáng khích lệ trong việc bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống, nâng tầm gốm đất sét nung thành những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị trong đời sống đương đại.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202104/tu-thu-choi-my-nghe-den-nghe-thuat-dieu-khac-gom-2529720/