Từ thông tin đoạt giải Nobel Y học: Miễn dịch trị ung thư hiệu quả tới đâu?

Gần đây nhiều người Việt Nam bị ung thư đã lựa chọn ra nước ngoài điều trị theo liệu pháp miễn dịch, vì nghe tin liệu pháp này đoạt giải Nobel Y học 2018. Trên một số diễn đàn phòng chống ung thư, miễn dịch cũng được loan truyền như một tiến bộ vượt bậc so với các liệu pháp truyền thống: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… Để bạn đọc hiểu đúng về liệu pháp miễn dịch, chúng tôi trao đổi với GS-TS-BS. Nguyễn Sào Trung (Đại học Y Dược TP.HCM; Phó chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh - Tế bào bệnh học Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM).

GS-TS-BS. Nguyễn Sào Trung

Thưa giáo sư, hiểu một cách đại chúng, liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư là gì?

Cơ thể mỗi người đều có hệ thống miễn dịch với mục đích chủ yếu bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể tìm ra và tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Tế bào quan trọng nhất của hệ thống miễn dịch là các bạch huyết cầu trong máu và mô bạch huyết, được gọi chung là tế bào miễn dịch. Khi có ung thư, các tế bào miễn dịch sẽ tìm tế bào ung thư, tấn công và diệt chúng bằng cách kiềm chế và ngăn không cho chúng phát triển. Dù vậy, tế bào ung thư cũng có cách “đối phó” để không bị tế bào miễn dịch tìm được và tiêu diệt. Đó là: thay đổi đặc điểm di truyền khiến tế bào miễn dịch không thể nhận dạng; sản xuất ra các protein đặc hiệu để làm cho tế bào miễn dịch không hoạt động; làm thay đổi tế bào bình thường xung quanh để ngăn không cho tế bào miễn dịch tấn công.

Liệu pháp miễn dịch là một nhóm các phương pháp giúp cơ thể chủ động tạo ra kháng thể, hoặc cung cấp cho cơ thể các kháng thể, làm hệ miễn dịch của bệnh nhân hoạt động tốt hơn chống lại tác nhân gây bệnh. Hiện nay, có 5 phương pháp trong liệu pháp miễn dịch đã được nghiên cứu để điều trị bổ trợ một số loại ung thư:

Phương pháp 1: Trong cơ thể bình thường hệ thống miễn dịch luôn được kiểm soát và điều hòa để không hoạt động quá mức cần thiết. Khi mắc ung thư, hệ thống miễn dịch cần hoạt động mạnh hơn để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này dùng một số thuốc đặc biệt tác động lên hệ miễn dịch làm cho tế bào miễn dịch tác động mạnh hơn để giết tế bào ung thư.

Phương pháp 2: Dùng tế bào T đã biến đổi. Trích lấy tế bào miễn dịch có trong khối ung thư rồi chọn lọc ra tế bào T, là loại tế bào có khả năng nhận diện và tấn công tế bào ung thư. Trong phòng thí nghiệm, tế bào T được biến đổi tính chất để có khả năng tốt nhất tiêu diệt tế bào ung thư, nuôi cấy để đạt số lượng cần thiết. Sau đó, các tế bào này cho vào máu bệnh nhân qua đường tĩnh mạch, để từ đó, đến tiêu diệt tế bào ung thư.

Phương pháp 3: Dùng kháng thể đơn dòng được chế tạo đặc hiệu để gắn vào tế bào ung thư, làm tế bào ung thư dễ bị nhận biết, dễ bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân.

Phương pháp 4: Dùng vaccine kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại tế bào ung thư. Loại vaccine này không phải để phòng ngừa mà dùng cho người đã mắc ung thư. Nguyên tắc dùng như sau: trên tế bào ung thư luôn có các kháng nguyên đặc hiệu với lượng nhiều (không có hoặc có rất ít trên tế bào bình thường). Vaccine sẽ giúp hệ miễn dịch nhận biết và tác động trực tiếp lên các kháng nguyên đặc hiệu để diệt tế bào ung thư, có thể được sản xuất bằng các cách:

Dùng chính tế bào ung thư của bệnh nhân chế tạo ra vaccine; dùng kháng nguyên của tế bào ung thư của người khác chế tạo ra vaccine (loại vaccine này sẽ tác động lên tế bào ung thư có cùng loại kháng nguyên đã được dùng. Cách này còn đang trong thời gian thử nghiệm); chế tạo vaccine từ tế bào tua, một loại tế bào miễn dịch, của chính bệnh nhân (vaccine này sẽ kích thích hệ miễn dịch tác động lên kháng nguyên của tế bào ung thư và diệt tế bào này. Bằng phương pháp này người ta đã điều chế ra vaccine Sipuleucel-T); chế tạo vaccine từ virus: tiêm trực tiếp vaccine này đến khối ung thư để virus xâm nhập vào tế bào ung thư, sinh sản nhiều, tạo nên phản ứng miễn dịch toàn thân chống lại tế bào ung thư. Đã có một loại vaccine, tên là Talimogene laherparepvec, được điều chế bằng cách dùng virus HSV1 (Herpes Simplex Virus type 1).

Phương pháp 5: Dùng các chất sản xuất từ protein, từ vi khuẩn, từ dược phẩm, để điều hòa hệ miễn dịch, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, chống lại ung thư. Các chất này gồm: Cytokines - là các protein được tạo ra từ các bạch cầu. Có 2 loại cytokines là interferons (INFs) và interleukins (ILs); dùng chất BCG (Bacillus Calmette-Gúerin) - đây là vi khuẩn lao đã được làm yếu đi, không còn khả năng gây bệnh. Chất này sản xuất từ rất lâu và vẫn đang dùng để chủng ngừa bệnh lao. Khi cho trực tiếp vào bàng quang, BCG sẽ kích thích hệ miễn dịch toàn thân chống lại tế bào ung thư bàng quang rất có hiệu quả; dùng dược phẩm điều hòa hệ miễn dịch - đó là các dược phẩm có chứa thalidomide, lenalidomide, pomalidomide, imiquimod...

Liệu pháp miễn dịch được chỉ định điều trị những loại ung thư nào?

Dù đã và đang được nghiên cứu rất nhiều, nhưng cho đến đầu năm 2020, liệu pháp miễn dịch vẫn chưa được dùng nhiều và không phải là liệu pháp chính trong điều trị ung thư. Nếu có được dùng, thì chỉ xem như một liệu pháp bổ trợ hoặc phải phối hợp với các liệu pháp kinh điển (phẫu trị, hóa trị, xạ trị). Ngoài ra, liệu pháp này thường chỉ dùng cho những trường hợp ung thư ở giai đoạn trễ (đã có di căn), thường không thể giúp trị khỏi bệnh ung thư mà chỉ kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân thêm một ít. Cụ thể:

Phương pháp 1 dùng cho ung thư da, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư bàng quang, ung thư vùng đầu cổ, ung thư gan, lymphôm Hodgkin, ung thư tế bào thận, ung thư đại trực tràng.

Phương pháp 2 dùng cho ung thư sắc tố, ung thư cổ tử cung, ung thư đường mật, bệnh bạch cầu lymphô cấp, lymphôm không Hodgkin dòng B.

Phương pháp 3 dùng cho ung thư não, ung thư vú, bệnh bạch cầu lymphô mạn, ung thư đại trực tràng, lymphôm Hodgkin và không Hodgkin, ung thư phổi, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày.

Phương pháp 4 có vaccine Sipuleucel-T dùng điều trị ung thư tuyến tiền liệt và Talimogene laherparepvec dùng điều trị ung thư hắc tố.

Phương pháp 5 dùng điều trị bệnh bạch cầu, lymphôm không Hodgkin, lymphôm T của da, ung thư thận, ung thư sắc tố, sarcôm Kaposi (một loại ung thư mạch máu).

Tùy cách dùng có thể sẽ bị các tác dụng phụ. Thường gặp nhất là triệu chứng như: bị cảm cúm (sốt, ớn lạnh, yếu tay chân, chóng mặt, nôn, mửa, đau cơ và khớp, mệt, nhức đầu, khó thở, tăng hoặc giảm huyết áp); mắt đau, nhạy cảm, chảy nước mắt và nhìn lóa, rối loạn tâm thần; cũng có thể bị dị ứng, sốc phản vệ; khi tế bào ung thư chết có thể phóng thích một số chất vào máu, gây ảnh hưởng xấu lên thận, tim, gan...

Ủy ban Nobel của Viện Karolinska (Thụy Điển) đã công bố giải Nobel Y học năm 2018 cho công trình Nghiên cứu tận dụng năng lực hệ miễn dịch để tấn công tế bào ung thư, của GS. James P Allison (Trung tâm ung thư MD Anderson, Mỹ) và GS. Tasuku Honjo (Đại học Kyoto, Nhật). Ảnh: Reuters

Ủy ban Nobel của Viện Karolinska (Thụy Điển) đã công bố giải Nobel Y học năm 2018 cho công trình Nghiên cứu tận dụng năng lực hệ miễn dịch để tấn công tế bào ung thư, của GS. James P Allison (Trung tâm ung thư MD Anderson, Mỹ) và GS. Tasuku Honjo (Đại học Kyoto, Nhật). Ảnh: Reuters

Ở Việt Nam hiện đã ứng dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư chưa?

Do hiệu quả còn hạn chế trong điều trị bệnh ung thư, liệu pháp miễn dịch vẫn chưa được dùng phổ biến. Ngoài ra, chi phí còn rất cao so với các liệu pháp khác. Ở Việt Nam, liệu pháp miễn dịch cũng đã và đang được dùng, tuy không thường xuyên, cho một số ít trường hợp ung thư, như: dùng kháng thể đơn dòng trong điều trị ung thư phổi, nhưng cũng là dùng phối hợp với các phương pháp kinh điển như phẫu trị, hóa trị, xạ trị; dùng kháng thể đơn dòng phối hợp với hóa trị kinh điển để điều trị một số loại ung thư của hệ tạo máu (bệnh bạch cầu) và ung thư hạch bạch huyết...

Liệu pháp miễn dịch có được dùng để phòng ngừa ung thư?

Hiện chỉ mới có 2 vaccine phòng ngừa ung thư. Thực ra, 2 vaccine này giúp phòng ngừa 2 loại bệnh lành tính. Đó là vaccine phòng bệnh viêm gan mạn do virus HBV (Hepatitis B Virus) và vaccine phòng bệnh u nhú ở cổ tử cung, u nhú ở đường hô hấp trên (như thanh quản). Gan bị viêm do virus HBV lâu ngày có thể ung thư. Cổ tử cung hoặc thanh quản bị u nhú do virus HPV (Human Papilloma Virus) lâu ngày cũng có thể ung thư. Các vaccine này đã dùng khá rộng rãi để ngừa bệnh viêm gan virus B và bệnh u nhú do HPV ở cổ tử cung. Riêng vaccine ngừa bệnh HPV ở thanh quản thì vẫn chưa được dùng nhiều.

Trên mạng xã hội nhiều người cho rằng liệu pháp miễn dịch điều trị tốt hơn những liệu pháp truyền thống. Hiểu như vậy có đúng không, thưa giáo sư?

Cho đến nay, kể cả ở những nước có nền y học tiên tiến, để điều trị hầu hết các trường hợp ung thư, người ta vẫn dùng 3 liệu pháp kinh điển là phẫu trị, hóa trị, xạ trị. Cả 3 liệu pháp này tuy có từ rất lâu nhưng theo đà tiến bộ của khoa học, đã được cải tiến và ngày càng tốt hơn, ít gây hại hơn. Phẫu trị ngày càng ít xâm lấn, ít tàn phá mà đạt hiệu quả tốt hơn (phẫu thuật nội soi, phẫu thuật với robot). Các thuốc dùng cho hóa trị ngày càng hiệu quả mà ít tác dụng phụ hơn. Các kỹ thuật dùng trong xạ trị cũng ngày càng tiến bộ với máy móc, thiết bị tinh xảo hơn, giúp điều trị chính xác mà ít gây hại hơn.

Trong hướng dẫn và khuyến nghị của các tổ chức phòng chống ung thư trên thế giới, phác đồ điều trị chuẩn cho các loại ung thư có tần suất cao, như ung thư phổi, gan, vú, dạ dày, đại tràng, tuyến tiền liệt, thanh quản, tử cung, buồng trứng… thì phẫu trị vẫn là liệu pháp nên lựa chọn trước tiên. Tùy loại ung thư và tùy giai đoạn bệnh, hóa trị và xạ trị sẽ được dùng như những liệu pháp bổ trợ cho phẫu trị. Các liệu pháp mới hơn như liệu pháp nhắm trúng đích cũng đã được dùng tương đối phổ biến, nhưng chỉ áp dụng cho một số loại ung thư, rất ít khi dùng một mình mà thường dùng phối hợp với 3 liệu pháp kinh điển kể trên, với mục đích làm tăng thêm hiệu quả điều trị. Chỉ có ung thư hệ tạo máu (như bệnh bạch cầu) và ung thư hạch bạch huyết (các lymphôm), người ta mới không dùng phẫu trị mà chủ yếu dùng hóa trị và liệu pháp nhắm trúng đích.

Những liệu pháp được xem là mới nhất như liệu pháp miễn dịch, liệu pháp tế bào gốc… rất ít dùng, và nếu dùng, cũng vẫn hoặc là dùng “thêm” ngoài các liệu pháp trên, hoặc dùng để điều trị “vớt vát” cho một số ít loại ung thư, mà các trường hợp ung thư này thường ở giai đoạn trễ.

Hoàng Khải thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tu-thong-tin-doat-giai-nobel-y-hoc-mien-dich-tri-ung-thu-hieu-qua-toi-dau-24198.html