Tư thế của bầu Đức

Sau thành công của các lứa đội tuyển Việt Nam cùng HLV Park Hang Seo trong hơn một năm qua đến chuyện hàng loạt cầu thủ, trong đó đặc biệt là Xuân Trường và Công Phượng xuất ngoại trong thời gian gần đây, dễ dàng nhận ra người đặt nền móng cho tất cả là ông Đoàn Nguyên Đức – hay còn gọi là bầu Đức.

Rõ ràng, những bước đi với định hướng rõ ràng và bài bản bao giờ cũng mang lại kết quả, và giờ là lúc chúng ta hái quả.

Quá khứ “cưỡi ngựa xem hoa”

Trước đây, chuyện cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu không những vừa ít về lượng, mà còn thiếu về chất. Phần lớn trong số đó đi theo dạng trao đổi, mang tính thương mại hoặc làm thương hiệu. Đương nhiên, lợi ích chính không nằm ở các cầu thủ bởi bản thân họ không học được nhiều mà chủ yếu là... xem, quan sát. Nói là “cưỡi ngựa xem hoa” cũng không hề quá đáng.

Nguyên nhân thì một phần do yếu tố khách quan, còn lại và phần lớn là chủ quan. Bản thân cầu thủ Việt Nam khi đó thực sự chưa với tới đẳng cấp ở các giải đấu mà họ sang “du học”. Họ không được chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho những môi trường chuyên nghiệp như vậy và dễ dàng bị cô lập. Thất bại đương nhiên là chuyện không thể tránh khỏi.

Đấy mới là vấn đề thực sự đáng nói, chứ mỗi cơ hội được thử sức ở một bến đỗ cao cấp hơn đều có giá trị của riêng nó. Lấy ví dụ như Park Ji Sung. Khi chuyển từ PSV Eindhoven sang Manchester United vào năm 2005, ai cũng hiểu Park Ji Sung chỉ là cầu nối giúp Quỷ đỏ tiến gần hơn tới thị trường Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Bởi ở hàng tiền vệ Man United lúc đó quy tụ quá nhiều danh thủ và Park Ji Sung chỉ là một chú đom đóm bé nhỏ giữa dải ngân hà chói lọi.

Nhưng bằng nghị lực của mình và quan trọng nhất là thực lực nội tại, Park Ji Sung đã vươn tầm bản thân để khẳng định tên tuổi ở Old Trafford và làm rạng danh châu Á. Đó mới thực sự là hình mẫu mà các cầu thủ Việt Nam cần học tập, luôn vượt khó trong mọi nghịch cảnh khắc nghiệt nhất, chứ không đợi ai đó mở đường sẵn cho hay mong mỏi những điều dễ dàng sẽ đến trong cuộc sống.

Nhưng để đạt đến tầm tư duy đó, cầu thủ cần phải được trang bị những kỹ năng sinh tồn ngay từ khi còn nhỏ. Và để có những cầu thủ xuất ngoại hiển hách như ngày hôm nay, bầu Đức đã nhìn ra viễn cảnh này từ hơn một thập kỷ trước khi cho xây Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG.

Lứa măng non được bầu Đức chăm bẵm ngày nào đều đã trưởng thành.

Lứa măng non được bầu Đức chăm bẵm ngày nào đều đã trưởng thành.

Ra đi để đột phá bản thân

Lứa đầu tiên của học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đang là những ngôi sao trụ cột của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Nhưng còn hơn thế nữa, họ đủ tầm để đi tới những chân trời mà chúng ta chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Xuân Trường vừa gia nhập đội bóng giàu có nhất Thái Lan: Buriram United. Còn Công Phượng thậm chí đến với một giải đấu còn cao cấp hơn là K.League, trong màu áo của Incheon United. Và nên nhớ, đây đều là lần thứ hai xuất ngoại của hai chàng trai này.

Với cầu thủ Việt Nam, đi nước ngoài đã khó và đã thất bại thì chưa bao giờ có chuyện đi tiếp. Nhưng tầm nhìn của Hoàng Anh Gia Lai, hay chính xác hơn là bầu Đức, không gói gọn ở V.League. Đã qua rồi thời ông làm thương hiệu, hiện tại, chính các cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai đã đủ sức hấp dẫn với bạn bè châu lục.

Hãy nhìn đãi ngộ của Xuân Trường tại Buriram United. Anh hưởng mức lương 10.000 USD/tháng (hơn 230 triệu đồng), được cấp nhà và xe riêng, chưa kể các khoản thưởng cá nhân tùy theo thành tích của đội bóng. Đây là sự chăm sóc hàng đầu Đông Nam Á và nó thể hiện kỳ vọng lớn lao của Buriram United vào Xuân Trường.

Nhiều người có lẽ vẫn còn đang thắc mắc vì sao Buriram United lại nhắm Xuân Trường – một cầu thủ không có được phong độ tốt suốt hơn một năm qua như chính anh tự thừa nhận. Nhưng đó chính là sự chuyên nghiệp mà bóng đá Việt Nam chưa bao giờ có. Buriram United biết Xuân Trường được đào tạo từ bé trong một môi trường bài bản, mang đậm tính châu Âu. Anh đã phát triển được đến trình độ này, nghĩa là mang trong mình nền tảng vững chắc.

Phong độ chỉ là nhất thời, còn đẳng cấp thì tồn tại mãi. Buriram United tin vào đẳng cấp của Xuân Trường bất chấp những nghi ngại xung quanh. Và hãy nhìn cách Xuân Trường làm quen với môi trường mới, đội bóng mới, đồng đội mới. Với vốn tiếng Anh vững vàng cùng kinh nghiệm từng thi đấu bên Hàn Quốc, cầu thủ gốc Tuyên Quang không gặp bất cứ trở ngại gì, thậm chí thích nghi nhanh với các buổi team-building lạ mắt. Rất nhanh chóng, Xuân Trường đã kết bạn được với trung vệ người Venezuela Andres Tunez và tiền vệ người Nhật Bản Hajime Hosogai.

Về phần Công Phượng, dù gặp rất nhiều khó khăn trong quãng thời gian thi đấu bên Nhật Bản nhưng chàng tuyển thủ người Nghệ An vô cùng tự tin với lần bay sang Hàn Quốc này. Anh khẳng định mình phải làm được một điều gì đó thật nổi bật để không bỏ lỡ cơ hội này.

Và chuẩn bị ngoại ngữ, chuẩn bị chuyên môn, chuẩn bị sự tự tin và quan trọng nhất, chuẩn bị tâm thế xuất ngoại cho Xuân Trường và Công Phượng chẳng phải là công lao của bầu Đức sao. Rõ ràng, bầu Đức đã phóng tầm mắt ra xa hơn rất nhiều so với những người cùng thời đại khi muốn tạo ra lứa cầu thủ toàn cầu, có thể cạnh tranh sòng phẳng ở mọi giải đấu. Sau rất nhiều lần thất bại, cuối cùng cũng đến lúc người hâm mộ phải ngả mũ thán phục ông vì cách đào tạo nhân tài cho bóng đá nước nhà.

Hoàng Anh Gia Lai xoay xở ra sao khi không có Công Phượng, Xuân Trường?

Việc để cho Công Phượng, Xuân Trường ra nước ngoài thi đấu, xét theo một khía cạnh nào đó, có thể xem như sự... hy sinh của bầu Đức. Bởi lẽ thực lực của Hoàng Anh Gia Lai vốn đã không vượt trội ở V.League, nay lại mất đi những trụ cột hàng đầu thì khó khăn chồng lên gấp bội.

Trong động thái mới nhất, Hoàng Anh Gia Lai đã trao tấm băng đội trưởng cho tiền vệ hào hoa Nguyễn Tuấn Anh. Nhưng ai cũng biết Tuấn Anh chưa hoàn toàn hồi phục thể lực sau chấn thương nghiêm trọng gặp phải ở mùa trước. Một cầu thủ khác cũng gặp vấn đề về sức khỏe là Vũ Văn Thanh và anh hiện đang ở Hàn Quốc điều trị.

Nhưng mọi thứ vẫn chưa đáng ngại bằng lời than thở của HLV trưởng Dương Minh Ninh: “Tôi lo nhất vẫn là hàng thủ, vì chất lượng cầu thủ không cao”.

Incheon đang rất thiếu nhân lực trên hàng công

Trên tờ Daily Sports Hankook, Lee Dong Jun - người đại diện của Xuân Trường không ngần ngại tiết lộ: "Nếu việc tuyển dụng Xuân Trường ngày ấy (năm 2015) là vì khía cạnh tiếp thị, thì Công Phượng được ký hợp đồng để lấp đầy nguồn nhân lực đang khan hiếm trên hàng công của Incheon”.

Ông Lee còn phân tích cụ thể: "Khi theo dõi chiến dịch Asian Cup, HLV của Incheon là Yon Anderson và cựu danh thủ quyền lực của bóng đá Hàn Quốc là Lee Chun Soo đã trao đổi với nhau để xúc tiến đàm phán chiêu mộ Công Phượng".

"Incheon lựa chọn Công Phượng là mảnh ghép phù hợp sau khi kết thúc trận tứ kết Asian Cup 2019. Không có nhiều cầu thủ có thể ghi 2 bàn trong 5 trận ở giải đấu châu lục này", Lee Dong Jun cho biết.

Báo Hàn Quốc phấn khích vì Công Phượng

Cây viết hàng đầu về bóng đá châu Á John Duerden khẳng định, Công Phượng sẽ không gặp thất bại ở Hàn Quốc như Xuân Trường ngày trước thông qua một bài báo được đăng trên tờ Korea Time:

“Công Phượng đã có 30 lần khoác áo ĐTQG. Anh được ví như Messi bởi lối chơi ưa thích rê bóng. Cầu thủ này vừa có khả năng ghi bàn, kiến tạo. Công Phượng có thể hình khá nhỏ bé và phải đối diện với các hậu vệ to lớn ở Hàn Quốc, nhưng với sự nhanh nhẹn cũng như kỹ thuật, anh hoàn toàn có thể khỏa lấp điểm yếu này. Người ta hy vọng Công Phượng sẽ nhận được sự hỗ trợ ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ như việc giúp cầu thủ này hiểu hơn về văn hóa Hàn Quốc, cũng như nhận được niềm tin từ HLV và các đồng đội ở CLB mới”.

Ông chủ mới của Xuân Trường cũng rất có tâm với bóng đá

Giống như bầu Đức ở Hoàng Anh Gia Lai, ông chủ Newin Chidchob của Buriram United cũng là người nổi tiếng có tâm huyết sâu sắc với bóng đá. Trước khi làm bóng đá, Newin Chidchob là một chính trị gia nổi tiếng ở Thái Lan. Nhưng đến năm 2007, Newin Chidchob chuyển hẳn sang ngạch khác và bắt đầu đầu tư vào thể thao.

Trong 10 năm qua, sau khi giúp Buriram United vô địch Thái League tới 7 lần, ông chủ Newin Chidchob thừa nhận: “Tôi làm chính trị 20 năm và chẳng được ai ngưỡng mộ. Nhưng sau 2 năm làm bóng đá, ai cũng yêu mến tôi. Và giờ đã hơn 10 năm trôi qua rồi đó".

Hà My

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/tu-the-cua-bau-duc-532637/