Từ Thăng Long-Kẻ Chợ đến Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo

Từ một mảnh đất có thế 'rồng cuộn, hổ ngồi' được Vua Lý Công Uẩn chọn là nơi định đô, một Kẻ Chợ được biết đến với 36 phố phường, Hà Nội tự tin trên con đường phát triển, sánh bước cùng thế giới.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Thăng Long-Hà Nội, nơi lắng hồn sông núi, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, đang chuẩn bị chào đón thời khắc 1010 năm tuổi.

Từ một mảnh đất có thế “rồng cuộn, hổ ngồi” được Vua Lý Công Uẩn chọn là nơi định đô, Thăng Long-Hà Nội luôn là kinh đô bền vững của muôn đời, tạo thế mở mang phồn thịnh cho đất nước.

Từ một Kẻ Chợ được biết đến với 36 phố phường, trải qua 11 thế kỷ, dù có lúc thịnh lúc suy, song Thăng Long-Hà Nội vẫn khẳng định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.

Nền tảng tinh thần nghìn năm văn hiến của Thăng Long luôn là niềm tự hào của người Hà Nội, được gìn giữ, khơi nguồn trong dòng chảy lịch sử, tạo sức sống trường tồn cho lớp lớp các thế hệ.

Đó là hào khí, trí tuệ Thăng Long, là khát vọng hòa bình, là bản lĩnh và phẩm chất hào hoa, thanh lịch. Mang trong mình truyền thống đó, Hà Nội tự tin trên con đường phát triển, sánh bước cùng các quốc gia trên thế giới.

Vang vọng hào khí Thăng Long

Với nhiều tên gọi, từ Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh đến Bắc Thành, Hà Nội, cuối cùng lắng lại thành tên gọi thiêng liêng nhất: Thăng Long-Hà Nội.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Thăng Long-Hà Nội chịu muôn vàn cuộc xâm chiếm của giặc phương Bắc và của bọn thực dân, đế quốc. Dù điều kiện thiếu thốn, lạc hậu song, vượt lên tất cả, người Hà Nội đã viết lên những bản hùng ca chiến thắng.

Đó là, chiến công 3 lần đánh đuổi quân Nguyên-Mông giải phóng kinh thành Thăng Long vào thế kỷ XIII của Vua, quân nhà Trần, chiến thắng thành Đông Quan của nghĩa quân Lam Sơn và Bình định Vương Lê Lợi vào thế thế XV, chiến thắng 29 vạn quân Thanh giải phóng thành Thăng Long của Hoàng đế áo vải Quang Trung vào thế kỷ thứ XVIII, hai tấm gương “sống chết với Thành Hà” của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ thứ XIX, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chống đế quốc Mỹ vào cuối năm 1972… Hào khí Thăng Long, khát vọng hòa bình và chiến thắng đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân Hà Nội, không khi nào chịu khuất phục trước kẻ thù.

Nhưng người Hà Nội không muốn chiến tranh, biết khoan dung, vừa chiến đấu, vừa đàm phán để kẻ thù rút khỏi cuộc chiến, tránh đổ máu, lại hao người, tốn của.

Hà Nội cũng biết đến với danh nghĩa “Thủ đô của phẩm giá con người,” “Thành phố Vì hòa bình” bởi hào khí, tinh thần Thăng Long được hun đúc từ hàng nghìn năm qua.

Là mảnh đất nghìn năm văn hiến, Thăng Long-Hà Nội là nơi hội tụ những trí tuệ, nhân tài của đất nước. Đây cũng là nơi đào tạo trí thức lớn nhất cả nước.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của cả nước với truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, coi trọng hiền tài, mỗi năm đào tạo ra hàng chục tiến sĩ tạo nên nguồn “nguyên khí quốc gia.”

Cùng với Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, danh nhân Ngô Thì Nhậm nổi danh muôn đời, Hà Nội còn có nhiều danh nhân lưu truyền trong sử sách như: Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Bà huyện Thanh Quan…

Cũng từ đây, trí tuệ Thăng Long lan tỏa đi khắp mọi miền đất nước, góp phần nâng cao tri thức của mọi nơi. Thăng Long-Hà Nội còn là nơi hội tụ khách văn chương của cả nước, thành danh tại nơi này.

Người Hà Nội cũng luôn tự hào về câu ca: “Nhất cao là núi Ba Vì/Nhất thanh, nhất sắc Kinh kỳ Thăng Long,” để hiểu rằng nét thanh lịch, tao nhã là một đặc trưng của đất Kinh kỳ xưa. Hơn thế, thanh lịch còn được coi là di sản khi nhắc đến văn hóa người Hà Nội. Người ta coi trọng từ lời ăn, tiếng nói, cách giao tiếp, ứng xử, đến cách ăn mặc. Sống trong gia đình, mọi người biết kính trên nhường dưới, trên thuận dưới hòa, ra ngoài phải biết nhường nhịn nhau.

Thăng Long-Hà Nội cũng là nơi hội tụ người dân khắp mọi vùng miền, mang theo thói quen, nếp nghĩ, cách sinh hoạt về làm ăn, sinh sống.

Nhưng người Hà Nội biết gạn đục, khơi trong để làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần và loại bỏ những thói quen không phù hợp.

Như Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình đã khẳng định các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống dù bị tác động bởi điều kiện xã hội nhưng không thể mất đi. Văn hóa Hà Nội là thế, ở đó có sự tinh tế và kiêu hãnh, là niềm tự hào bao đời nay của người Hà Nội.

Hài hòa hiện đại và truyền thống

Trong suốt dặm dài lịch sử, Thăng Long-Hà Nội là nơi diễn ra, chứng kiến nhiều sự kiện lớn, nhiều biến cố, thăng trầm của riêng mảnh đất này và của chung đất nước, vì thế Hà Nội thực sự trở thành nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của Việt Nam.

Được thừa hưởng truyền thống cùng những giá trị văn hiến ấy, các thế hệ người Hà Nội đều ý thức gìn giữ, tiếp tục bồi đắp những di sản, những giá trị nhân văn cha ông để lại.

Đó cũng là nền tảng, là giá trị “gốc” để Hà Nội vững bước trên con đường phát triển và hội nhập như hiện nay, vừa là mảnh đất đậm đà bản sắc văn hóa, vừa là Thủ đô năng động, hiện đại.

Mười một thế kỷ cũng là chừng ấy thời gian Thăng Long-Hà Nội có những thay đổi lớn trong mở rộng địa giới hành chính.

Gần đây nhất, năm 2008, việc sáp nhập cả một xứ Đoài rộng lớn, càng làm cho văn hóa Thăng Long trở nên phong phú, đa dạng, có sự dung hòa giữa hai vùng văn hóa.

Nhắc tới di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội là có thể kể tới 5.922 di tích, trong đó có một Di sản Văn hóa thế giới, một Di sản Tư liệu thế giới, 16 Di tích quốc gia đặc biệt cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia và di tích cấp thành phố.

Cùng với đó, thành phố có 1.793 Di sản Văn hóa phi vật thể, thuộc các lĩnh vực: lễ hội, tri thức dân gian, di sản truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội...; trong đó hai Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới, một di sản cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, 18 Di sản phi vật thể quốc gia...

Hàng năm, thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ, tôn tạo lại di tích; bảo tồn, khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể để gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Hà Nội là thủ đô duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận được danh hiệu Thành phố Vì hòa bình. (Ảnh: TTXVN)

Nét đẹp văn hóa ứng xử được quan tâm, thông qua chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Qua nhiều năm triển khai, hệ thống di tích Hà Nội đã khang trang hơn, nhiều loại hình văn hóa truyền thống được phục dựng, văn hóa ứng xử ngày càng chuyển biến.

Điều đáng mừng, văn hóa Hà Nội được đặt song hành với phát triển kinh tế, củng cố vị trí Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng Thủ đô hiện đại bao giờ cũng có gắn kết với quá khứ. Trong những năm qua, dù Hà Nội đã nỗ lực trên con đường phát triển nhưng vẫn coi trọng những cốt yếu của quá khứ. Chính bởi lẽ đó, Hà Nội luôn có sự phát triển bền vững, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Năm 1999, người dân Thủ đô tự hào khi Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố Vì hòa bình. Đến hôm nay, Hà Nội vẫn là thủ đô duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận được danh hiệu này.

Giải thưởng Thành phố Vì hòa bình mà UNESCO trao tặng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một thành phố hòa bình.

Một thành phố năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống, vươn lên với sức bật mạnh mẽ xứng đáng là đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trở thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Một thành phố lan tỏa sự bình đẳng trong cộng đồng, điểm sáng trong xây dựng đô thị, thúc đẩy phát triển văn hóa-giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và thế hệ trẻ cùng với những chính sách hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.

Đến năm 2019, tròn 20 năm Thủ đô đón nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, lại một lần nữa, Hà Nội vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập lại chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực thiết kế.

Thiết kế sáng tạo cũng phù hợp với tiêu chí phát triển của một Thủ đô trong quá trình hội nhập và phát triển nhưng vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa của mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện để Hà Nội xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với sự phát triển bền vững./.

Đinh Thuận-Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tu-thang-longke-cho-den-thanh-pho-vi-hoa-binh-thanh-pho-sang-tao/667887.vnp