Từ tháng 3, thu tiền phạt vi phạm giao thông qua mạng

Bước đầu triển khai thí điểm thu phạt qua mạng ở năm địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận.

Sáng 14-2, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với các bộ, ngành về việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia. Tại đây, Thiếu tướng Lê Xuân Đức (Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an) khẳng định đến nay đã xong các bước để triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX); thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và thu lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. “Mọi việc đã xong, giờ chỉ cần bộ trưởng ra lệnh là dịch vụ lên mạng được ngay!” - Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Bộ Công an và Cục CSGT đã rất quyết tâm, ngay từ mùng 6 tết, Cục CSGT đã cùng sát cánh với Văn phòng Chính phủ triển khai nhiệm vụ này. Đến 9 giờ tối 13-2 thì cơ bản hoàn thành về quy trình nghiệp vụ và Cục CSGT đã tham mưu cho Bộ Công an chỉ cần một văn bản chỉ đạo của bộ, thực hiện theo Nghị định 11 để biên lai điện tử từ ba dịch vụ trên được sử dụng như biên lai giấy.

Về lộ trình thực hiện thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, Thiếu tướng Lê Xuân Đức đề xuất giai đoạn một (từ ngày 12-3-2020) nên triển khai thí điểm ở năm địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận nhằm đánh giá, đo lường sự hài lòng của người dân, cũng như để người dân thấy sự thiết thực của dịch vụ này. “năm địa phương này có tỉ lệ xử phạt vi phạm hành chính chiếm một nửa của cả nước” - ông Đức nói và cho biết sau khi thí điểm, Cục CSGT sẽ triển khai trên toàn quốc (dự kiến từ tháng 6-2020).

Riêng với thủ tục thu lệ phí trước bạ, Thiếu tướng Lê Xuân Đức đề nghị giai đoạn một chỉ triển khai ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, vì tỉ lệ đăng ký phương tiện giao thông ở đây là lớn nhất.

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BCA, việc in, sử dụng, quản lý biểu mẫu biên bản xử lý vi phạm hành chính do công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm. Việc thực hiện chủ yếu bằng giấy và có sự trùng nhau về số biên bản xử phạt. Cạnh đó, phần mềm xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công an hiện mới chỉ triển khai ở khoảng 40 địa phương. Do vậy, theo yêu cầu phải triển khai thực hiện dịch vụ này toàn quốc ngay trong quý I-2020 là rất khó khăn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị lãnh đạo Cục CSGT lý giải rõ hơn thắc mắc của dư luận về việc “tại sao sau khi áp dụng Nghị định 100, tỉ lệ cấp, đổi GPLX lại rất lớn? Tỉ lệ CSGT xử phạt nghiêm, thu bằng là có nhưng cũng không loại trừ trường hợp báo mất để xin cấp GPLX thứ hai?”.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức trả lời, giữa Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có sự kết nối. Trước đây một người lái xe có thể có 2-3 GPLX, có khi họ báo mất để được cấp lại hoặc báo mất ở địa phương này để xin cấp ở địa phương khác. “Nhưng giờ đã có kết nối, rất hiệu quả, nếu lái xe báo mất, trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ sẽ kiểm tra được ngay” - ông Đức nói và cho biết chính sự kết nối này đã khắc phục được tình trạng một người có 2-3 bằng lái.

“Như vậy, việc tăng tỉ lệ cấp, đổi GPLX là nhu cầu thực tế chứ không phải do khai man, báo mất. Cơ quan nhà nước đã phát hiện ra và khắc phục vấn đề này bằng kết nối chia sẻ giữa các cơ quan” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tu-thang-3-thu-tien-phat-vi-pham-giao-thong-qua-mang-889872.html