Từ tháng 2-2019: Thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân 35 nước

Từ tháng 2-2019, Nghị định số 17/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 07/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Theo đó sửa đổi, bổ sung danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử và danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Cụ thể, theo Nghị định số 17/2019/NĐ-CP, có 35 nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử, gồm: Áo; Iceland; Bỉ; Bồ Đào Nha; Bosnia và Herzegovina; Brazil; Qatar; Andorra; Liechtenstein; Monaco; Croatia; Estonia; Fiji; Georgia; Latvia; Lithiuania; Malta; Macedonia; Micronesia; Mexico; Moldova; Montenegro; Nauru; Palau; Papua New Guinea; Marshall Islands; Salomon Islands; San Marino; Cyprus; Thụy Sĩ; Trung Quốc (bao gồm công dân mang hộ chiếu Hồng Kông, hộ chiếu Ma Cao; không áp dụng với công dân mang hộ chiếu phổ thông điện tử Trung Quốc); Vanuatu; Western Samoa; Serbia; Slovenia.

Theo quy định của Nghị định số 7/2017/NĐ-CP trước đó thì có 40 nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử.

Nghị định số 17/2019/NĐ-CP cũng bổ sung các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Cụ thể, bổ sung 3 cửa khẩu đường bộ gồm: Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên), cửa khẩu quốc tế Na Mèo (tỉnh Thanh Hóa); cửa khẩu quốc tế La Lay (tỉnh Quảng Trị).

Thị thực điện tử - Bước đột phá cải cách hành chính trong quản lý xuất nhập cảnh. Ảnh minh họa

Thị thực điện tử - Bước đột phá cải cách hành chính trong quản lý xuất nhập cảnh. Ảnh minh họa

2 cửa khẩu đường biển được bổ sung gồm: Cửa khẩu cảng Dương Đông (tỉnh Kiên Giang); cửa khẩu cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Như vậy, sau khi bổ sung thì nước ta có 16 cửa khẩu đường bộ và 9 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới lần đầu tiên được quy định trong Nghị quyết số 30/2016/QH14 của Quốc hội. Chính sách này thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Sau gần 2 năm tổ chức thực hiện, việc thí điểm đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch.

Đánh giá tổng quát, Chính phủ thấy rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 là chủ trương đúng đắn. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước hiện nay.

Nghị quyết số 30/2016/QH14 của Quốc hội hết hiệu lực vào ngày 31-1-2019. Trên cơ sở kết quả tổng kết và để bảo đảm hoạt động cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến đối ngoại, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện thí điểm. Qua đó đánh giá một cách toàn diện hơn nữa tác động của chính sách này đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã nhất trí việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Thời gian kéo dài là 2 năm kể từ 1-2-2019.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-thang-2-2019-thi-diem-cap-thi-thuc-dien-tu-cho-cong-dan-35-nuoc-137212.html