Tử thần núp bóng ma men

Rượu, bia,... bệnh tật, cái chết thường không có mắt. Nó có thể xuất hiện ngoài đường, trong nhà và gọi tên bất cứ một ai. Hậu quả từ rượu, bia là những đau đớn, mất mát cả về thể xác lẫn tinh thần không hề nhỏ cho cả người sử dụng và người thân của họ.

Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.

Đang đợi đến ca trực, bác sĩ Lê Thanh Hà, Trung tâm Cấp cứu Khoa Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, ra mua ổ bánh mì lót dạ, chưa kịp ăn thì một người đàn ông được người nhà đưa đến phòng cấp cứu. Không biết ông uống rượu từ lúc nào, say nhừ rồi tự gây tai nạn. Ông nhập viện trong tình trạng chấn thương vùng bụng. Nằm trên băng ca, ông liên tục chửi mắng y tá. Vừa chửi, ông vừa vùng vẫy, máu thấm đỏ chiếc băng ca trắng. Bỏ dở ổ bánh mì, bác sĩ Hà đến khám cho ông. Khi hơi men tạm lắng là lúc “ma men” cảm nhận được những đau đớn từ vết thương, ông vung tay lia lịa vào người bác sĩ, chỉ khi người nhà bước vào, giữ chặt thì bác sĩ mới có thể thăm khám.

Cuối buổi sáng, ông T., 55 tuổi, TP Thanh Hóa, được người nhà đưa đến với các triệu chứng xơ gan cổ chướng do nghiện rượu lâu năm. Dù đã bị xơ gan, vàng da, bụng chướng lên, bệnh nhân vẫn đòi uống rượu. Không được như ý, ông ta chửi mắng người nhà và kể lể với bác sĩ “Tôi sắp chết tới nơi rồi mà “chúng nó” không chịu cho tôi uống, cũng không cho tôi đi bệnh viện”. Bác sĩ hỏi ông sao lại biết mình sắp chết, ông lè nhè: “Chắc tôi bị ung thư rồi, mấy ngày nay bụng tôi lạ lắm! Cứ ăn vào là đau, mà đau quặn từng cơn như có con gì cắn trong bụng ấy”.

Quay sang vợ ông T., bác sĩ nhận được cái thở dài. Theo đó, ông T. làm nghề thợ xây, nghiện rượu hàng chục năm nay. Mỗi bữa cơm ông uống 1 cốc rượu 250ml, hôm nào nhà có cỗ, ông uống gấp đôi, gấp ba. Gia đình khuyên ngăn, cấm nhưng ông vẫn mặc kệ và coi rượu là trên hết. Vì thế, những năm gần đây, ông không còn sức lao động, cuộc sống hàng ngày phụ thuộc vào người thân. Đầu năm 2018, ông T. đã phải nhập viện vì căn bệnh liên quan đến gan. “Thực ra, do ông ấy uống rượu nhiều quá, bệnh gan ngày càng nặng và bắt đầu sinh ra ảo giác. Tuy nhiên, dù khuyên nhủ thế nào ông vẫn không bỏ rượu, ngược lại còn uống nhiều hơn” - người vợ chia sẻ.

Khác với những ma men “thấy quan tài rồi vẫn không sợ” như ông T., anh H., 27 tuổi, ở huyện Hoằng Hóa, lại là nạn nhân “bất đắc dĩ” của rượu, bia. Theo chị T., vợ anh H., chồng chị bị xe ô tô tông phải gây chấn thương sọ não, gãy chân, gãy 3 xương sườn. Người đàn ông gây tai nạn cho chồng chị đã uống rượu và không làm chủ được tốc độ khiến gia đình chị rơi vào thảm cảnh. Gần nửa tháng nay, chị túc trực trong bệnh viện trông nom chồng, 2 đứa con phải chia ra, 1 ở nhà ông bà nội, 1 nhờ ông bà ngoại trông hộ. “Chồng tôi chạy xe ôm, tôi đang nuôi con nhỏ vẫn chưa đi làm, giờ anh ấy lại nằm đó, chi phí rất lớn, tôi chưa biết trông cậy vào đâu” – chị T. nức nở.

Có mặt tại bệnh viện, chứng kiến những ca tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nhiều ca do rượu, bia gây ra, chúng tôi không khỏi đau lòng. Bởi, ai trong chúng ta cũng hiểu được nỗi đau đớn quặn xé khi mà trước đó vài phút, con vẫn còn cha, vợ vẫn còn chồng, giờ một người nằm đó “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhiều người vẫn nói, con người sống chết có số nhưng cá nhân tôi lại cực kỳ ghét cái suy nghĩ ấu trĩ đó. Số nào cho những con ma men nói trên, họ biết rất rõ tác hại của rượu, bia nhưng vẫn bất chấp uống. Đầy tháng con uống, lên lương uống, kinh doanh thất bại uống, bị người yêu “đá” uống,... Nói chung, vui uống, mà buồn cũng uống. Họ thách thức, tranh cãi, so đo xem ai uống nhiều, ai uống ít rồi bắt bẻ nhau từng chút một, thậm chí dẫn đến xô xát, đánh nhau, có khi án mạng cũng từ đó mà xảy ra.

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, hàng năm, bệnh viện tiếp nhận hàng ngàn trường hợp tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra. Và tình trạng này gia tăng vào những dịp lễ, tết. Bác sĩ Hà chia sẻ: “Người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông thường đi tốc độ cao, khi xảy ra tai nạn không tự chủ được, dẫn tới tổn thương sau tai nạn nặng nề hơn nhiều. Khi tới khám, bệnh nhân bị lẫn do say rượu, tri giác kém, kể cả bệnh nhân có tỉnh thì mô tả cho bác sĩ cũng dễ bị sai lệch hơn người bình thường dẫn tới chẩn đoán của bác sĩ cũng khó khăn hơn. Hơn thế nữa, sử dụng rượu bia gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn, chức năng gan, thận, sọ não... dẫn đến việc chẩn đoán, quá trình gây mê và điều trị hồi sức sau mổ đều khó khăn hơn so với người không sử dụng”.

“Khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn con người cần phải có chức năng não bộ ổn định để kiểm soát đôi mắt, tay và chân. Uống rượu có thể ảnh hưởng kỹ năng lái xe quan trọng như phán quyết, khả năng tập trung, phối hợp động tác, tầm nhìn, thời gian phản ứng. Bởi vậy, để an toàn cho sức khỏe khi uống rượu thì không nên lái xe để phòng tránh tai nạn” – bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tu-than-nup-bong-ma-men/132645.htm