Từ thảm họa đến hồi sinh

Ký ức của một phóng viên chiến trường.

Người dân Campuchia tham gia một hoạt dộng thể thao. Ảnh: Siv Channa.

Bị ám ảnh bởi chuyến đi sang Campuchia tháng 1-2/1979, nhất là hai ấn tượng mãnh liệt về nhà tù Tuônxleng và kỳ quan Ăngco, mặc dù đã chuyển sang công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, không còn là phóng viên báo Quân đội nhân dân, nhưng vào gần những ngày kỷ niệm một năm nhân dân Campuchia lật đổ ách thống trị của bọn Pônpốt, tôi vẫn xin các đồng chí phụ trách Tạp chí và các cơ quan hữu trách của Tổng cục chính trị cho sang công tác Campuchia đúng dịp kỷ niệm nói trên và may mắn được chấp nhận, nên đúng ngày 7/1/1980, tôi đã lại có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh, để rồi ngày 13/1/1980, từ căn cứ Sóng Thần, theo xe của Quân đoàn 4 đến Phnômpênh..., hội ngộ với ông bạn thân là Hà Đình Cẩn đang ở đấy, để chuẩn bị làm những chuyến lang thang mà lần này là về phía hai tỉnh phía Tây Nam của Campuchia là Puốcxát và Battamboong.

Tôi lại mang theo một cuốn nhật ký với hy vọng được ghi toàn những dòng vui vẻ, bởi dù sao nhân dân nước bạn cũng đã thoát khỏi ách diệt chủng một năm rồi.

Nhưng tôi đã nhầm. Từ sau ngày 7/1/1979, bọn tàn quân Pônpốt vẫn còn dai dẳng bám trụ ở nhiều nơi và ở đấy chúng vẫn tiếp tục gây ra bao tội ác với nhân dân và cả tàn sát lẫn nhau trong cơn cùng quẫn. Cuộc chiến đấu của quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam vẫn kéo dài và không hề giảm bớt mức độ ác liệt và gian khổ tột cùng.

Và sau đây là một số trang, dòng gỡ ra từ cuốn nhật ký ấy...

*

Nhà thơ Anh Ngọc - phóng viên chiến trường của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại Ăng co Vát tháng 1.1979

Vâng, sau ngày 7/1/1979, người dân Campuchia vẫn tiếp tục chết.

Tại những sào huyệt cuối cùng này của bọn Khơme đỏ, người dân Campuchia vẫn phải tiếp tục bị giết chóc, đọa đày và ở một mức khủng khiếp không kém trước. Ở Battamboong, tôi đã được gặp Chăn Thu, một trong những cô gái còn sống sót sau ngày bộ đội cách mạng giải phóng Lếch, 29/4/1979. Bây giờ Chăn Thu (tự đặt cho mình tên Việt Nam là Vân Thêm), cô gái mồ côi ấy đã tham gia đội tuyên truyền phát động quần chúng của lực lượng vũ trang cách mạng. Cô đã béo khỏe và đang tìm lại tình cảm ấm áp trong cuộc sống ấm áp của đơn vị. Đây là câu chuyện Chăn Thu kể cho chúng tôi nghe vào ngày 24/1/1980, tại một địa điểm gần Pailin:

Chăn Thu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm. Mẹ và năm anh chị em cô lưu lạc đến Puôcxát đi ăn đi ở để sống qua ngày. Sau ngày 17/4/1975, bọn Pônpốt đuổi mọi người ra khỏi thị xã. Gia đình cô về Lếch. Trong hơn bốn năm sống dưới chính quyền Pônpốt, gia đình này bị mất năm người. Chăn Thu là người duy nhất còn lại và đó cũng chỉ là một may mắn tình cờ. Con sông đào K'pa Ch'K'rông dài bao nhiêu thước thì có bấy nhiêu mạng người vùi xuống nơi đây. Cuộc sống cùng cực và lao động quá sức con người đã khiến cô gái dang tuổi "bẻ gãy sừng trâu" ấy kiệt quệ. Người em ốm tong teo đến mức "đi gió muốn té". Hàng ngày, những người lao động phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm, trừ hai bữa ăn được nghỉ tổng cộng một giờ. Thức ăn là cháo loãng nấu lá cây và một ít gạo (năm 1976 cứ 50 người một bữa được 1 lon gạo).

Đêm lại, mỗi người tìm một gốc cây để ngủ. Họ nằm trên đất. Mùa mưa thì gần như là nằm trên vũng nước, không nhà cửa, không dường chiếu, không mùng màn. Mùa khô ngày nắng như thiêu đốt nhưng đêm lại rét ghê gớm. Người nào có tấm "cao su" (vải đi mưa) mà đắp còn đỡ, ai không có, thì chỉ nằm ôm ngực qua đêm. Bệnh tật đến hành hạ nhưng không dám bỏ làm. Bỏ làm sẽ bị quy là "đau tư tưởng" và "lấy" đi luôn. Có khi gọi "đi sang đơn vị khác bổ sung", hoặc "đi công tác khác"... Nhưng đã "đi" là không về.

Ngày 9/11/1976, mẹ Chăn Thu bị gọi "đi", và sau đó lần lượt đến chị Phêng, anh Rươn ... Chăn Thu còn lại một mình trơ trọi giữa bầy quỷ sứ. Em không thiết sống nữa. Nhưng các bác, các chị cùng cảnh đã đùm bọc khuyên nhủ em. Em không bao giờ quên được hình ảnh của một chị ở Svâyriêng tới. Chị rất giàu tình cảm và lòng thương người. Chính chị đã động viên em rất nhiều trong những ngày đen tối đó.

Chị là dân "16" nên bị bọn ăngca hành hạ rất dữ (ở đây, bọn tay sai Pônpốt chia dân thành ba loại: dân 18 là dân trong vùng căn cứ Khơme đỏ cũ, trung thành với Pônpốt; dân 17 là dân bị lùa khỏi thành thị từ ngày 17/4/1975, và bị chúng ghét bỏ; nhưng chúng ghét nhất là dân 16, là những người sống gần biên giới Việt Nam và có "dính líu" với Việt Nam). Một hôm bọn lính áo đen tới gọi chị đi: lấy áo quần đi làm chỗ khác, đây chừng này người đủ rồi - chúng bảo thế. Chị lặng lẽ gói ghém chút hành trang cuối cùng và không quên chào bà con cô bác, miệng vẫn nở nụ cười dễ thương quen thuộc. Có mấy người dân 17 quay mặt đi gạt nước mắt: tội nghiệp, đi chết mà cũng không biết!

Đến trưa, nhìn tên Liêng, phụ trách an ninh của xahạco (công xã) cầm cây dao còn dính máu, Chăn Thu hỏi: "Chú ơi, sao dao chú dính máu vậy?". Tên Liêng trừng mắt: "Làm việc đi, đừng hỏi lôi thôi". Giờ ăn trưa, Thu trốn ra trèo lên một cây me cao. Em đã nhìn thấy từ xa một cảnh tượng khủng khiếp: ở bìa rừng, một hố chôn người mới đào, dưới đó đã đầy ắp xác chết còn chưa vùi. Em nhận ra chị người Svâyriêng nhờ ở hình dáng đặc biệt của chị. Lúc bị giết chị đã mang bầu khá lớn. Bây giờ cái bầu đó bị rạch toang! Chăn Thu run bắn lên và cố lắm em mới không ngã nhào xuống đất. Sau ngày 7/1/1979, Lếch trở thành một trại tập trung khổng lồ. Bộ tổng tham mưu quân Pônpốt, cơ quan đầu não chiến tranh do tên Tà Mốc đứng đầu, rút chạy về đây. Chúng ngoan cố chống lại quân cách mạng và trong cơn say máu điên cuồng chém giết, cướp bóc, hãm hiếp những người dân thường không may lọt vào tay chúng.

Chúng tuyên truyền: bộ đội Việt Nam bắt được dân Campuchia đều cắt cổ hết, người nào có con cái đi lính Pônpốt thì sẽ bị đóng đinh lên cây, có một con đi lính thì đóng một đinh, hai con hai đinh ...ai muốn sống, phải cầm dao cầm cuốc đánh lại chúng. Nhưng sự thật, nhân dân Campuchia chưa thấy một người bộ đội Việt Nam nào giết họ, chỉ mục kích tận mắt cảnh lính áo đen chặt cổ, mổ bụng đồng bào của chúng. Ngót 20 vạn dân ở Lếch đang chết dần chết mòn vì đói khát, bệnh tật và bị giết chóc. Bởi vậy, khi bộ đội cách mạng Campuchia và Việt Nam tấn công vào Lếch, nhân dân đã vùng khỏi cánh tay đẫm máu của bè lũ Pônpốt -Tà Mốc, chạy ào ra với cách mạng. Những con người rách rưới, gầy guộc, suýt chết nghìn lần dưới lưỡi dao, lưỡi cuốc của bọn Khơme đỏ, cuối cùng đã tìm thấy cứu tinh của đời mình. Chăn Thu ở trong đoàn người đó.

Câu chuyện của Chăn Thu thật ra không có gì mới. Nhưng điều cần nói ở đây là chính em, sau cuộc hành trình qua địa ngục ấy, đã tìm tới được với ánh sáng mặt trời. Chỉ một ngày sau khi được giải phóng, Chăn Thu đã trở thành cô bộ đội cách mạng và từ đó em bắt đầu sống một cuộc đời khác.

Mùa khô năm nay chúng tôi đã có dịp đến thăm Lếch và đi lại con đường ngược lên biên giới Thái Lan đẫm máu và nước mắt ấy. Dọc hai bên bìa rừng, trong đám cỏ gianh, cây con lúp xúp, dưới những thân khộp khô cháy còng queo, chúng tôi đã nhìn thấy rải rác những mái lều di tản phất phơ. Dưới tất cả những mái lều lợp tạm bằng cỏ gianh, lá thốt nốt, lá dừa mà mưa nắng suốt một năm qua đã tàn phá tan hoang, vẫn còn nguyên những đống xương người bạc trắng.

Có ai đó đã cắm lên khắp cả một thân cây khô mỗi cành một cái sọ người, sọ người lớn và sọ trẻ em, sọ đàn ông và sọ đàn bà, đủ cả. Mỗi trận gió đi qua, những chiếc sọ người lại đung đưa, làm bật lên cái tiếng khô khốc của những mảnh xương chạm vào nhau. Nếu là họa sĩ, có lẽ tôi đã ghi lấy hình ảnh cái thân cây kỳ dị này lên mặt giấy, cái thân cây chết mọc ra những chùm quả chết. Không biết trong căn lều nào em Chăn Thu của tôi đã lần lượt vĩnh biệt mẹ, vĩnh biệt các anh chị em ...Trong căn lều nào em đã được các anh bộ đội cách mạng cứu sống cùng với mười một người cuối cùng của xahạco, trong lúc tất cả đều đang nằm chờ chết?

Quân tình nguyện Việt Nam trò chuyện với dân làng Campuchia. Ảnh: qdnd.vn.

*

Phải nhớ lại những ngày này năm ngoái thì mới hình dung được hai tiếng Puôcxát gợi lên những gì. Buổi trưa hôm ấy, 12/1/1979, một anh bạn đồng nghiệp của tôi được trực thăng thả xuống giữa chặng đường 5 quãng gần Côngpông Chơnăng. Đặt chân xuống đất, anh ta đã nghe súng các loại nổ như ngô rang. Quân địch đang kháng cự điên cuồng trên trục đường chiến lược cắt ngang nước Campuchia và nối với Thái Lan này. Các quân khu phía đông của chúng dồn hết lực lượng chưa tan rã về đây và hy vọng lập một phòng tuyến chắn giữ con đường tiến quân của bộ đội cách mạng về phía tây, nơi có vựa thóc Battamboong, cái dạ dày của nước Campuchia, và những vùng chiến khu cũ của Khơme đỏ trong các dãy Amleng, Khrôvanh và Cácđamôn, đất thánh của Pônpốt.

Quân lính của chúng trang bị gọn nhẹ, chân đất đầu trần, lẩn như chuột sau những thân cây thốt nốt và bắn không tiếc đạn vào bất cứ ai không thuộc hàng ngũ chúng. Chỉ cần một bóng người chúng cũng phụt một quả B40. Chúng đánh lấy chết, đánh như một lũ thiêu thân. Anh bạn tôi đã phải hành quân gần một tháng dưới làn mưa đạn như vậy để đến được Puôcxát. Những ai nghĩ rằng cuộc tấn công của quân đội cách mạng Campuchia đánh đổ bè lũ Pônpốt là dễ dàng thì đều sai lầm.

Chúng ta sẽ không bao giờ quên được chiến tuyến Bờ Ủi, nơi quân địch dựa vào hệ thống kênh mương thủy lợi trùng điệp để chặn quân ta lại từng bước với bao nhiêu sinh mệnh của bộ đội ta và bạn đã bỏ lại ở đây. Chúng ta cũng không thể quên được những trận mà kẻ địch tuy đã thất bại vẫn còn ngoan cố chống cự dọc những con đường 5, đường 4, ở Côngpông Chơnăng, Puôcxát, Côngpông Xpư, Côngpông Xom v.v... Chúng nó là một đội quân đánh thuê, đã đành rằng thế, nhưng là một đội quân đánh thuê đầu óc sớm được nhồi nhét đầy ắp cái thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa cuồng tín kiểu hồng vệ binh.

Bây giờ đây, khi cục diện cuộc chiến đấu đã hoàn toàn đổi khác, khi ván cờ đã không thể đảo ngược được nữa, thì chúng ta đã có quyền và cần thiết nói ra những điều ấy, nghĩa là tất cả những khó khăn chồng chất, những mất mát to lớn mà bộ đội cách mạng phải chịu đựng để giải phóng toàn bộ Tổ quốc Campuchia.

Tháng Giêng năm nay, chúng tôi lại đi ô tô dọc con lộ men theo bờ nam Biển Hồ này để tới Battamboong và đã chứng thực lời kể của anh bạn tôi ngày nào.

Từ Uđông qua Côngpông Chơnăng, ngược lên Puôcxát, chúng tôi đã gặp những xác xe thiết giáp của đoàn B 39 bị địch bắn cháy nằm lại bên đường. Dấu tích những cuộc giao chiến ác liệt còn in hằn trong những vết đạn xăm lỗ chỗ trên vỏ xe. Chúng tôi cũng đã đi qua những chiếc cầu bị địch phá sập mà công binh ta vừa sửa lại để đi tạm. Hai bên đường cây cỏ xác xơ vì lửa đạn, chưa kịp mọc lại. Còn mặt đường thì bị chúng phá hoại đến mức những chiếc xe cứ lắc lư bò như cua giữa đám ổ gà và rung lên loảng xoảng như cả một dàn thanh la não bạt đang di động.

Không một căn nhà nào còn nguyên vẹn, không một mảnh đất nào không mang thương tích trên dọc một địa bàn rút lui rộng lớn của quân địch. Và người dân Campuchia đã phải bắt đầu lại cuộc sống từ một đống tro than và gạch vụn.

…Tôi cũng lại đã được về thăm Biển Hồ giữa một trưa tháng Giêng nắng sáng chói chang, hưởng ngọn gió mát từ cái "máy điều hòa nhiệt độ" khổng lồ và cái "công trình thủy lợi tự nhiên" kỳ diệu mà trời đất đã ưu đãi riêng cho nhân dân Campuchia cần cù và tài hoa. Đang mùa khô, nước Biển Hồ đỏ quạch, màu mỡ. Thuyền đánh cá của nhân dân và bộ đội ra vào tấp nập. Chợ C'racô (một thị trấn nằm cạnh Biển Hồ) họp ngay mép nước. Những con cá ngựa, cá lăng, cá rô biển ...mang nét đặc biệt của Biển Hồ bởi cái tầm cỡ to lớn lạ thường đang nằm phơi mình lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Biển Hồ đang sống lại nhịp điệu của một công trường khai thác cá không lồ để nuôi sống nhân dân Campuchia.

Trên đường từ Battamboong trở về, anh bạn ngồi bên cứ lưu ý tôi luôn: Này, lại sắp gặp một đám cưới cho mà xem. Anh bạn đã nói đúng. Xe chúng tôi đang đi giữa một mùa cưới xin tưng bừng nhất ở Campuchia...

*

Ngày 7/1 năm 1980 này, cả đất nước Campuchia tưng bừng kỷ niệm một năm ngày đại thắng. Nước Cộng hòa nhân dân Campuchia đã tồn tại tròn một năm. Cũng như với một đứa trẻ lên một tuổi, nhân dân ăn mừng ngày sinh nhật thứ nhất của nền cộng hòa là để báo hiệu chấm dứt một giai đoạn sơ sinh trứng nước. Từ nay, đứa trẻ đã bước đi những bước đầu tiên về phía trước, và với thời gian, nó sẽ lớn lên, cứng cáp vững vàng, bất chấp mọi phong ba bão táp của cuộc sống.

*

Tôi sẽ bất công và vô ơn nếu không vẽ lại dù chỉ có thể bằng đôi nét thưa thoáng về cuộc sống và chiến đấu của những chiến sĩ quốc tế Việt Nam, một đội quân tình nguyện vừa mang ý nghĩa “cứu bạn là cứu mình”, vừa mang một tinh thần nhân bản hiếm có trong lịch sử.

Đó là một cuộc sống vô cùng gian khổ, hiểm nguy và đòi hỏi những phẩm chất cách mạng cao thượng.

Ngay ngày 16/1/1980, khi đặt chân đến khu “20 nhà” ở chân núi Khrôvanh, tôi đã được chứng thực ngay cuộc sống mà mình đã nghe kể từ lúc còn ở Phnômpênh. Đó là nơi rừng rú, thậm chí không còn địa danh mà cứ gọi tên theo số “nhà”, tức là những doanh trại bỏ hoang do lính Pônpốt dựng lên, như khu “20 nhà”, “5 nhà”, “12 nhà”, mà xa nhất là khu “7 nhà”, nơi sát với con sông K’long K’lum, biên giới với Thái Lan.

Ở cái địa bàn chiến đấu của E14, Công an vũ trang, F339, Quân đoàn 4 quân tình nguyện Việt Nam này, hai thằng nhà báo chúng tôi đã ngay lập tức được thưởng thức những bữa cơm muối đúng nghĩa, cả tiểu đội vây quanh một mâm cơm lót lá, chỉ có mỗi con cá bằng ngón tay, một mớ rau tàu bay và nõn chuối…

Trong một đêm như thế, chúng tôi không ai ngủ được và cùng ngồi dậy đốt lên một đống lửa rừng rực (dù sao chỗ chúng tôi cũng còn xa địch). Các chiến sĩ tiểu đoàn 220 rì rầm kể cho chúng tôi nghe bao mẩu chuyện buồn có, vui có, trong một năm vừa qua của đơn vị.

Đó là câu chuyện lạc rừng của 30 chiến sĩ đi tuần tra, họ đã lưu lạc trong những cánh rừng biên giới với Thái Lan suốt hơn một tháng, từ 17.7 đến 20/8/1980, mà lúc ra đi chỉ mang theo 6 ngày gạo! Một câu chuyện dài hun hút, đau lòng đến nỗi chính các anh cũng muốn quên đi, không nhắc lại nữa…

Đó là câu chuyện về những ngày giúp dân địa phương đắp con đập Xa Tốt, thuộc con sông Xa Tưng, tỉnh Puốcxát, một công trình thủy lợi dài 40 mét, rộng 20 mét, cao 4 mét, dùng tới 3200 mét khối đất.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam còn dựng nhà trẻ và tập trung nuôi dưỡng 128 em bé mồ côi lang thang, sửa chữa 127 ngôi nhà hư hỏng để dân trở về sinh sống bình yên.

Trong những đêm bộ đội họp với dân để trò chuyện về tình hình thực chất của những ngộ nhận về tình nghĩa của hai dân tộc Việt Nam – Campuchia bao năm qua do bọn Pônpốt xuyện tạc, bôi nhọ…, từ các em bé đến các cụ già đều khóc, cám ơn bộ đội tình nguyện tận đáy lòng. Có gia đình đã động viên được cả một tên tiểu đoàn trưởng quân Pônpốt và theo chân tên này, 46 tên khác ra trình diện, về với nhân dân. Với bọn tàn quân còn ngoan cố lẩn trốn trong rừng, thì bà con tích cực góp sức cùng bộ đội truy bắt và quét sạch.

Đồng chí thiếu úy Võ Trung Tài, trợ lý chính trị E266, F341, đã cảm động kể với chúng tôi rằng: Hôm đơn vị mít tinh kỷ niệm Quốc Khánh 2/9, rất đông bà con địa phương đã kéo đến tham dự. Một cụ già thay mặt bà con đến đứng chắp tay trước ảnh Bác Hồ và nói, đại ý: Việt Nam, đất nước của Bác Hồ đã hy sinh rất nhiều cho nhân dân Campuchia, đã ba lần cứu nhân dân Campuchia khỏi cơn hoạn nạn, nhân dân Campuchia sẽ không bao giờ quên ơn nghĩa của nhân dân Việt Nam, không bao giờ quên tình nghĩa giữa nhân dân hai nước được xây đắp bằng máu xương này.

Tôi thú thực đã khóc khi ngồi nghe và phải phóng bút để ghi lại cho kịp từng lời kể của những người đồng đội tuyệt vời của mình….

*

Đang những ngày giáp Tết nguyên đán, tự nhiên câu chuyện của chúng tôi cứ xoay về cái đề tài ấy. Đã là cái Tết thứ hai trên đất bạn. Bao tâm sự của những đứa con xa nhà như được ngọn lửa đang bập bùng trước mắt chúng tôi gợi nên da diết. Đã là năm hòa bình thứ năm trên Tổ quốc chúng ta rồi, nhưng ở đây, những chàng trai này vẫn sống cuộc đời của người lính chiến khắc nghiệt nhất, để nhóm lên giữa cánh rừng già tăm tối một ngọn lửa ấm áp của cuộc sống, của cách mạng.

Một chiến sĩ trẻ măng bỗng cất tiếng ngâm lên mấy câu thơ. Tôi được biết đó là một sáng tác nhỏ của đồng chí Nguyễn Kim Thanh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 220, E14, một cán bộ chỉ huy tận tụy và lạc quan. Bài thơ ngắn, không gọt rũa nhưng có cái chân thành thật cảm động. Tôi xin chép ra đây bài thơ, đúng hơn là mấy câu thơ ấy. Xin các bạn hãy tưởng tượng một đêm thật giá lạnh, giữa một cánh rừng già, và trước mắt bạn, một đống lửa đang lặng lẽ bập bùng. Tất cả đều yên ắng. Và một giọng con trai, trầm trầm, khe khẽ cất lên:

Chợt đâu xuân đến ngỡ ngàng
Rừng sâu nắng lửa
đổ ngang chiến hào
Tuần tra trên đỉnh non cao
Ngỡ mình như đã
lọt vào trong mây
Giao thừa phiên gác vừa thay
Rừng khuya thấm lạnh,
sương bay ướt đầu
Thuốc rê một điếu chia nhau
Ấm lòng nước lá sâm cau thay trà
Chuyền tay đọc lá thư nhà
Thư riêng nhưng hiếm
nên là thư chung
Mắt ai ngọn lửa ấm lòng
Chúc nhau năm mới
lập công thật nhiều ...

Anh Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tu-tham-hoa-den-hoi-sinh-tintuc396125