Tự tạo cơ hội: Thành công với mô hình nuôi lợn sinh sản

Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh chị Đinh Thị Dần và Đinh Xuân Lập (ở thôn Quảng Hóa, xã Hồng Hóa, H.Minh Hóa, Quảng Bình) đã vươn lên trở thành 'triệu phú' nhờ chịu khó và đam mê.

Chị Dần chăm sóc lợn sinh sản. - Ảnh: Thùy Linh

Sống ở vùng núi xa xôi nghèo khó, cũng như nhiều gia đình khác trong địa phương, vợ chồng chị Dần làm lụng đầu tắt mặt tối vẫn không đủ tiền trang trải hằng ngày. Thu nhập ít ỏi của vợ chồng anh chị chủ yếu từ đất rừng và một ít đất ruộng ven các khe suối. Dù đã bươn chải nhiều nghề như làm phụ hồ, tăng gia trồng trọt nhưng cái nghèo cứ đeo bám vợ chồng chị.

4 năm trước, chị Dần mạnh dạn mang 1,5 triệu đồng tiền tiết kiệm ra TT.Đồng Lê (H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) mua một con lợn sinh sản về nuôi. Mang lợn về, chị Dần ngày đêm chăm sóc lợn. Sau 1 năm lợn đẻ lứa đầu tiên với 12 lợn con, chị nuôi chừng 1 tháng thì xuất bán. Cách nuôi của chị hoàn toàn mới lạ ở vùng quê nghèo đó, bởi trước nay người dân địa phương chỉ chăn nuôi cho có để tận dụng thức ăn dư thừa hay sản phẩm nông nghiệp làm ra, rồi bán được đồng nào hay đồng đó chứ không hề có tư duy nuôi kinh doanh thu lợi nhuận. Tiền bán lợn giống, chị đầu tư xây chuồng mới và tiếp tục nhân rộng số lượng lợn đẻ. Hiện gia đình chị Dần có 17 con lợn đẻ, 2 con lợn đực để phục vụ việc phối giống.

Một năm lợn nái đẻ 2 lứa, bình quân mỗi lứa từ 12 - 15 con lợn con. Nuôi khoảng 1 tháng là chị xuất chuồng nên chi phí thức ăn không cao, bán giá vừa phải nhưng lại có lãi. Lợn của gia đình chị nuôi xuất bán đi nhiều nơi, thậm chí ra đến cả Hà Tĩnh, Nghệ An. Bình quân mỗi năm xuất bán 300 con lợn con, giá mỗi con từ 1 - 1,2 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm chị lãi trên 150 triệu đồng.

Ngoài ra, chị Dần làm thêm nghề đậu phụ, vừa tạo thêm thu nhập vừa có nguồn thức ăn cho lợn, tiết kiệm được tiền mua thức ăn công nghiệp. Chị cũng trồng sắn và rau làm thức ăn cho lợn. Thế nên gia đình chị luôn chủ động được nguồn thức ăn, đỡ chi phí và lợn lại tốt thịt. Nhờ sự chăm chỉ, biết tính toán mà gia đình chị thoát cảnh nghèo đói, có tiền nuôi 2 người con học đại học, sửa sang lại nhà cửa đàng hoàng hơn. Chị cũng dành dụm được một số tiền để tiếp tục đầu tư nâng cấp mở mang chuồng trại, mở rộng mô hình nuôi lợn thịt.

Chị Dần chia sẻ: “Chăn nuôi trước hết phải có sự đam mê, yêu vật nuôi, để biết được con lợn cần gì, cho ăn như thế nào, tình trạng sức khỏe ra sao mà có cách chăm sóc, chữa trị. Nuôi lợn đúng cách cũng rất nhàn, không vất vả như người ta tưởng, hai vợ chồng cũng có thể nuôi hàng trăm con lợn. Để hiệu quả, có 4 khâu quan trọng là nguồn giống, chăm sóc thú y, nguồn thức ăn đảm bảo, chuồng trại thoáng mát sạch sẽ. Phải chọn giống kỹ, thấy không tốt phải thải loại, chọn con khác. Lợn con mới đẻ ra, phải tiêm vắc xin ít nhất là 5 mũi theo đúng quy trình, sau có vấn đề gì rất dễ chữa trị. Nguồn thức ăn phải lựa chọn, phối trộn sao cho hợp lý theo đúng chu kỳ phát triển của lợn. Giữ sạch chuồng trại, thoáng mát về mùa hè, ấm vào mùa đông”.

Từ thành công của vợ chồng chị Dần, nhiều gia đình khác trên địa bàn đã đến học hỏi mô hình để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ai tìm hiểu đều được vợ chồng chị chia sẻ tận tình.

Huệ Minh - Huệ Minh - Thùy Linh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tu-tao-co-hoi-thanh-cong-voi-mo-hinh-nuoi-lon-sinh-san-711556.html