Tự tạo cơ hội - Kỳ 82: Nuôi vịt Cổ Lũng làm giàu

Chị Hà Thị Hương - dân tộc Mường (30 tuổi, xã Lũng Niêm, H.Bá Thước, Thanh Hóa), không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu nhờ nuôi giống vịt đặc sản của địa phương.

Đàn vịt của vợ chồng Hà Thị Hương - Ảnh: Ngọc Minh

Dù đã học hết trung học phổ thông rồi theo học tiếp lớp kỹ thuật chăn nuôi của Trường trung cấp nghề Nông - Lâm Thanh Hóa nhưng ra trường, Hương vẫn không xin được việc làm. Cô lấy chồng rồi ở lại quê làm ruộng, cuộc sống rất khó khăn.

Không cam chịu cảnh đói nghèo, ban đầu Hương bàn với chồng vay vốn để mua hàng nông sản lặt vặt từ quê đem bán ở thị trấn Cành Nàng (H.Bá Thước). Nhờ đó, Hương phát hiện buổi chợ nào cũng có dăm, sáu người từ dưới xuôi mang lồng, sọt lên mua gom vịt Cổ Lũng với giá cao. Tìm hiểu, Hương biết vịt Cổ Lũng được người dưới xuôi xem là đặc sản, giá đắt gấp 3 - 4 lần các loại vịt khác.

“Giống vịt này từ lâu nổi tiếng thơm ngon ở Bá Thước, không ngờ nó lại được nhiều người dưới xuôi ưa thích đến vậy. Ở các xã Lũng Niêm, Cổ Lũng... nhà nào chả nuôi vài chục con để ăn thịt và làm quà biếu nhưng nuôi tập trung, quy mô lớn thì chưa có ai. Vậy nên em chợt nghĩ tại sao không đầu tư nuôi vịt Cổ Lũng thành hàng đặc sản”, Hương kể.

Nghĩ là làm, vợ chồng Hương vay mượn của họ hàng, bạn bè để đầu tư chăn nuôi vịt Cổ Lũng. Sẵn trước nhà có con suối cạn, hai vợ chồng hì hụi gánh đất, vần đá ngăn suối tạo mặt nước, quây vùng cho vịt ở, rồi đi mua gom giống vịt thuần chủng từ các hộ trong làng về nuôi thành đàn lớn.

Sau chưa đầy 6 tháng, đàn vịt của vợ chồng Hương đã có thể xuất bán và nhanh chóng được các nhà hàng ngoài thị trấn Cành Nàng đặt mua hết. Ngay lứa vịt đầu tiên, trừ mọi chi phí, vợ chồng Hương thu về món lãi lên tới trên 20 triệu đồng. Nghe tiếng, nhiều thương lái từ dưới xuôi tìm đến, đặt tiền cho vợ chồng Hương để chờ mua vịt.

Trong chuyến khảo sát đời sống đồng bào miền núi Thanh Hóa, các chuyên gia thuộc một tổ chức phi chính phủ tới thăm mô hình nuôi vịt của vợ chồng Hương, và nhận thấy đây sẽ là vật nuôi giúp đồng bào địa phương thoát nghèo bền vững. Tổ chức này đã tài trợ cho xã Lũng Niêm một máy ấp trứng trị giá hơn 20 triệu đồng, đồng thời hướng dẫn bà con địa phương kỹ thuật chăn nuôi. Gia đình chị Hương và 4 hộ dân khác trong xã được giao quản lý máy ấp trứng.

Từ sự hỗ trợ trên, 50 hộ dân của xã Lũng Niêm đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo kỹ thuật mới. Nhiều hộ thoát nghèo chỉ sau một vài năm. Hiện nay, bình quân mỗi quả trứng vịt tại Lũng Niêm được bán với giá 5.000 đồng, giá một con vịt con mới nở là 20.000 đồng. Vịt Cổ Lũng thương phẩm lớn đến đâu được các thương lái đặt mua hết tới đó với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay đàn vịt Cổ Lũng ở xã Lũng Niêm đã đạt hơn 14.000 con, riêng gia đình Hương luôn có hơn 60 con vịt sinh sản và gần 200 vịt thương phẩm, cho nguồn thu ổn định từ 130 - 150 triệu đồng/năm.

Ngọc Minh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/tu-tao-co-hoi-ky-82-nuoi-vit-co-lung-lam-giau-506528.html