Tù tại gia: Nên nghiên cứu, đừng vùi dập ý tưởng

Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers cho rằng 'tù tại gia' không phải là hình thức quá mới mẻ trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa áp dụng ngay được, nhưng cũng cần nghiên cứu sâu hơn để có thể xem xét áp dụng trong tương lai, không nên bác bỏ nó ngay lập tức.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers - Ảnh: Internet

- Mới đây, có đại biểu quốc hội đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Ông có quan điểm thế nào về hình thức giam giữ này?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Có thể nói đây là một đề xuất khá mới mẻ và táo bạo ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cũng chỉ “mới lạ” ở Việt Nam thôi vì trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia áp dụng hình thức này.

Do đó, đề xuất của đại biểu Quốc hội về việc đề xuất hình thức tù tại gia cũng là một đề xuất có nghiên cứu, có sự tham khảo kinh nghiệm nước ngoài. Tuy vậy, không phải cái gì của nước ngoài thì ta cũng có thể áp dụng được, cần nghiên cứu, đánh giá những ưu điểm và nhược điểm của nó, xem xét bối cảnh đặc thù của Việt Nam để áp dụng phù hợp.

Hình thức này cũng có những ưu điểm nhất định như người chấp hành hình phạt tù vẫn gần gũi gia đình, có thể tiếp tục nhận được sự giáo dục, giúp đỡ của gia đình để hối cải, sửa chữa sai lầm; dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng sau khi hết thời hạn chấp hành hình phạt…

Để áp dụng hình thức phạt tù này, tôi cho rằng có hai vấn đề quan trọng trước tiên cần lưu ý. Một là, điều kiện áp dụng. Hai là, việc quản lý, giám sát việc chấp hành hình phạt.

Về điều kiện áp dụng, có thể xem xét áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, phạm tội do lỗi vô ý, phạm tội lần đầu, không có khuynh hướng bạo lực,… mà không cần phải cách ly khỏi xã hội.

Về việc quản lý, giám sát, mặc dù là “tù tại gia” nhưng cơ quan thi hành án cũng không thể lơ là việc kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng “bị án” lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bỏ trốn,…

- Việc đi tù không chỉ là hình phạt, là giam giữ, mà còn có mục tiêu cải tạo để phạm nhân trở thành một con người có ích hơn cho xã hội. Theo ông, hình thức tù tại gia có đảm bảo được yếu tố này hay không?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Hiện nay, tù có thời hạn là một trong các hình phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có các hình phạt ít nghiêm khắc hơn như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ,… Ngoài ra, còn có quy định về án treo. Trong những trường hợp đó, người phạm tội đều không phải chấp hành hình phạt tại nhà tù nhưng đó vẫn là hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự, vẫn có tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Tù tại gia có thể sẽ giúp cho người phạm tội làm lại cuộc sống dễ dàng hơn. Do đó, nếu áp dụng tù tại gia thì người chấp hành hình phạt vẫn nhận được sự giáo dục, cải tạo.

Như đã nói ở trên, vấn đề quan trọng là điều kiện áp dụng cho loại tội phạm nào, hành vi phạm tội như thế nào và mức hình phạt như thế nào; điều kiện kiểm tra, giám sát, đảm bảo thi hành án của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, đặc thù văn hóa, cách ứng xử, tập quán xử sự ở Việt Nam cũng cần được xem xét vì nếu một gia đình có người đang chấp hành hình phạt tù tại nhà thì có thể tạo ra gánh nặng tâm lý cho cả gia đình, những người thân của người phạm tội vô tình phải chịu đựng những điều tiêu cực không đáng có.

- Việc tù tại gia này có bất cập gì trong việc giám sát tù nhân? Ông có nghĩ việc này sẽ tạo thêm gánh nặng lớn cho gia đình tù nhân cả về tiền bạc lẫn tâm lý?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Rõ ràng, cơ quan chức năng không thể bố trí nhân sự của mình để canh giữ từng phạm nhân ở từng nhà. Còn ý kiến cho rằng thiết kế buồng giam ngay tại nhà thì cũng rất phản cảm và không nên, tù tại gia không phải là xây nhà tù, buồng giam tại nhà người ta!

Cần phải áp dụng, giám sát sao cho phù hợp hơn, nhân văn hơn, có thể giám sát qua thiết bị định vị như một số nước chẳng hạn. Nhưng nếu giám sát qua thiết bị định vị thì phải đầu tư thêm về mặt thiết bị, công nghệ, chưa kể vẫn có những lỗ hổng về thiết bị, công nghệ mà phạm nhân có thể lợi dụng để “qua mặt” việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng…

Tù tại gia cũng đặt ra việc phản ứng, xử lý tình huống của cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện phạm nhân vi phạm việc chấp hành, liệu cơ quan chức năng có kịp thời phát hiện, xử lý hay không.

Vấn đề xung đột giữa việc quyền giám sát phạm nhân với quyền riêng tư, quyền và lợi ích hợp pháp của những người trong gia đình, sinh sống chung với phạm nhân cũng cần được xem xét hài hòa.

Về phía gia đình, với bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, nếu họ phải quản lý phạm nhân tại nhà đúng là có thể gây ra khó khăn về mặt tiền bạc, tâm lý. Tuy vậy, cũng có những ưu điểm nhất định. Rõ nhất là thân nhân vẫn được thường xuyên gặp mặt phạm nhân, chăm sóc, giáo dục, giúp phạm nhân “làm lại cuộc sống”.

Thực tế hiện nay là việc thăm nom phạm nhân ở trại tạm giam là khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, vẫn có thể xem xét nghiên cứu áp dụng hình thức này một cách phù hợp.Hiện tại có thể chưa áp dụng ngay được nhưng cũng cần nghiên cứu sâu hơn để có thể xem xét áp dụng trong tương lai.

Nghiên cứu "tù tại gia" để bớt quá tải trại giam

Chiều 12.11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam sẽ tạo hình ảnh phản cảm, có nguy cơ phạm nhân bỏ trốn và sự lạm dụng của cán bộ quản lý trại.

Ông Hồ Đức Phớc cũng đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với đề xuất của Tổng kiểm toán Nhà nước. Theo bà, đây là hướng nghiên cứu cần thiết, một số nước đã áp dụng gắn chip theo dõi phạm nhân được quản lý tại nhà.

Xin cảm ơn ông!

Lam Thanh (thực hiện)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/tu-tai-gia-nen-nghien-cuu-dung-vui-dap-y-tuong-101310.html