Tù tại gia: ĐBQH lo đồng bọn giải cứu hoặc thủ tiêu

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lo ngại nếu áp dụng 'tù tại gia' thì khó giải quyết hệ lụy nếu tội phạm được giải cứu hoặc thủ tiêu.

Ngày 15/11, bên hành lang quốc hội, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã có chia sẻ quan điểm liên quan tới đề xuất "tù tại gia" của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

Đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An). Ảnh: PLO

Theo đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá đề xuất này là một ý tưởng hay nhưng cần được nghiên cứu thấu đáo để tránh rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra.

Theo giải thích của vị đại biểu, “tù tại gia” có nghĩa là người đó vẫn phải tù giam nhưng địa điểm không phải trại giam mà bị giam tại gia đình.

Theo cách thức áp dụng của Trung Quốc, thì trong gia đình sẽ có phòng giam, cũi để giam người tù tại nhà. Việc giam giữ, trông cai được giao cho người trong gia đình thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền. Đây là hình thức để giảm tải cho các trại tạm giam, trại giam của Nhà nước.

Cũng theo ông Nhưỡng, hình thức giam giữ trên cũng là cách để chính bản thân gia đình phải có trách nhiệm đối với thành viên, tạo điều kiện cho gia đình không phải đi thăm nom, người nhà của phạm nhân chăm sóc phạm nhân luôn.

Tuy nhiên, vị ĐBQH đoàn Bến Tre cũng băn khoăn sẽ rất khó thực thi. Cụ thể trong trường hợp không đưa ra được điều kiện cụ thể, gia đình tù nhân để xổng thì sao? Chìa khóa anh có thể cầm nhưng người ta phá khóa thì sao?

Hơn nữa, việc quy định đối tượng thuộc diện "tù tại gia" cũng phải đưa ra các tiêu chuẩn, quy định cụ thể.

"Trong trường hợp đối tượng có đồng bọn đến giải cứu hoặc thủ tiêu tại gia đình thì sao? Chúng ta có thể thấy rất khó để xử lý vấn đề này", ông Nhưỡng đặt vấn đề.

Do đó, vị ĐB cho rằng, muốn áp dụng cách này cần có đề tài nghiên cứu khoa học, lấy ý kiến của nhiều nhà chuyên gia, khoa học thậm chí lấy ý kiến của người dân để đánh giá tác động, thậm chí lấy ý kiến cả những người đang thụ án tù xem quan điểm của người ta như thế nào, có mong muốn thế không.

Chưa phù hợp văn hóa, xã hội Việt Nam

Chia sẻ quan điểm về việc này một số chuyên gia, luật sư cũng đưa ra nhận định chung rằng, "tù tại gia" có nhiều điểm không phù hợp với mục đích, văn hóa, xã hội Việt Nam.

Trả lời trên báo Người lao động, LS Nguyễn Văn Quynh (Hà Nội) phân tích, mục đích của hình phạt không chỉ trừng trị người phạm tội mà còn để giáo dục, răn đe đối với xã hội. Tuy nhiên, dưới góc độ xã hội, "tù tại gia" không những không đạt được mục đích hình phạt mà còn gây tiêu cực trong gia đình và xã hội.

Hơn nữa, với bất kỳ gia đình nào có người bị áp dụng hình thức tù tại gia, các thành viên còn lại phải hằng ngày đối mặt với việc người thân của mình không bệnh tật, già yếu nhưng chỉ có thể tồn tại trong một vị trí nhất định, không thể sinh hoạt bình thường với gia đình.

Đặc biệt, đối với cha mẹ con cái của họ, đó lại còn là cả một hệ quả nặng nề. Khi trong gia đình luôn hiện hữu một cái "khung sắt nhốt người tù" như vậy, sẽ chẳng bao giờ có thể lãng quên được.

Gia đình sẽ không thể nào giáo dục được con cái nên người và mục đích của hình phạt cũng không thể nào đạt được.

Đề xuất gắn chíp, theo dõi tù tại gia

Hơn nữa, với tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam, không phải nhà nào cũng có thể chứa thêm được một cái "khung nhà sắt". Và dù có dành được một diện tích tối thiểu đi nữa thì những thành viên còn lại phải sống như thế nào? Vô hình trung, cái nhà tù được dựng lên trong chính căn nhà của họ khiến cho cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn, tù túng hơn...

Trước đó, chiều 12/11, trong buổi thảo luận tổ tại Quốc hội về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) đã đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết ở một số nước có áp dụng biện pháp gắn chip theo dõi. Còn ở nước ta có tha tù trước thời hạn có điều kiện để thể hiện tính nhân đạo và cũng là giải pháp để một số lượng lớn người cố gắng cải tạo tốt thì được ở ngoài. Theo bà Nga, giai đoạn này tiếp tục nghiên cứu tù tại gia cũng là một cách.

Thái An (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tu-tai-gia-dbqh-lo-dong-bon-giai-cuu-hoac-thu-tieu-3369244/