Tù tại gia: Các nước đã làm từ lâu

Ở nhiều nước, giam tại nhà, hay còn gọi là tù tại gia, được áp dụng với nhiều mức độ khác nhau nhưng chỉ dành cho các phạm nhân phạm tội ít nghiêm trọng.

Trong tư pháp, các cụm từ “quản thúc tại gia”, “giam tại nhà”, “giám sát điện tử” được hiểu là biện pháp giam giữ phạm nhân tại nhà thay vì trong nhà tù.

Tù tại gia để giảm tải nhà tù

Hình thức giam tại nhà bắt đầu từ thế kỷ 17, khi nhà thiên văn - vật lý - hóa học - toán học người Ý Galileo Galilei bị giam tại nhà sau phiên tòa năm 1633. Tuy nhiên, mãi đến cuối thế kỷ 20 biện pháp này mới được áp dụng rộng rãi ở Mỹ và các nước phương Tây khác. Mỹ là nơi diễn ra phiên tòa đầu tiên phán quyết phạm nhân bị giam tại nhà cùng thiết bị giám sát (năm 1983).

Tại Mỹ, giam tại nhà được áp dụng trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình tư pháp, cả trước và sau xét xử. Giam tại nhà trước khi xét xử thường áp dụng với những người đủ điều kiện bảo lãnh nhưng không có tiền đóng khoản bảo lãnh. Mục đích nhằm giảm tải nhà tù nhưng quan trọng hơn là để những nghi can chưa bị kết tội không phải bị giam chung với các tội phạm nguy hiểm khác.

Với giam tại nhà sau xét xử, mục đích chính nhắm tới là giảm tải nhà tù, dành chỗ cho các tù nhân tội nặng hơn. Hơn nữa, với các phạm nhân phạm tội nhẹ, giam tại nhà cũng giúp tăng khả năng cải tạo họ hơn.

Giam tại nhà có thể được áp dụng toàn bộ hoặc một phần mức án. Chẳng hạn ở nhiều địa phương của Mỹ, quá trình giam giữ có thể chia ra nhiều giai đoạn: Biệt giam trong nhà tù, được tham gia chương trình lao động bên ngoài và được thụ án tại nhà đến hết thời hạn tù.

Cảnh sát Mỹ kiểm tra một thiết bị giám sát điện tử sử dụng cho phạm nhân giam tại nhà. Ảnh: TECHWORM

Cảnh sát Mỹ kiểm tra một thiết bị giám sát điện tử sử dụng cho phạm nhân giam tại nhà. Ảnh: TECHWORM

Ba hình thức tù tại gia

Gọi là giam tại nhà nhưng cũng có nhiều mức độ khác nhau, áp dụng tùy vào từng trường hợp cụ thể. Nhẹ nhất là tuân thủ giới nghiêm, nghĩa là phạm nhân phải có mặt ở nhà vào những khung giờ đặc biệt, thường là vào buổi tối.

Thứ hai là quản thúc tại gia, thường được áp dụng với phạm nhân sau khi tuyên án hoặc với cả nghi can trước khi tòa có phán quyết và tuyên án. Về lý thuyết, quản thúc tại gia có thể áp dụng với các trường hợp phạm tội hình sự nhưng thường thì loại hình giam giữ này chủ yếu áp dụng với các phạm nhân tội nhẹ hoặc thành phần chống đối chính trị.

Với hình thức này, phạm nhân phải ở nhà phần lớn thời gian, không được tiếp cận bất cứ phương tiện liên lạc nào hoặc nếu có thì cuộc đối thoại sẽ bị giám sát. Các điều khoản liên quan quản thúc tại gia có thể khác nhau ở các nước nhưng hầu hết hình thức này cho phép phạm nhân tiếp tục được làm việc nhưng điểm đến duy nhất sau khi làm việc là nhà. Các phạm nhân có thể được phép rời nhà vì một số mục đích đặc biệt như đến trình diện nhà tù, bệnh viện, đi lễ nhà thờ… Nhiều nước cho phép phạm nhân rời nhà theo lịch thường lệ hằng ngày như mua thực phẩm, giặt ủi.

Cuối cùng là mức độ giam cầm tại nhà, đây được xem là hình thức khắt khe nhất. Không giống hoàn toàn với quản thúc tại gia, giam tại nhà yêu cầu phạm nhân phải có mặt ở nhà toàn thời gian, trừ những đợt tham gia chương trình cải tạo, ra tòa hay điều trị y tế.

Cả ba hình thức đều có thể được áp dụng trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tư pháp, có thể trước và sau khi xét xử. Phạm nhân thực hiện hai hình thức sau thường phải đeo thiết bị điện tử dưới chân để kịp thời giám sát nếu người này ra khỏi nhà.

Từ khi xuất hiện, hình thức giam giữ này tăng rất nhanh ở Mỹ, Anh, Úc… Nó cho phép phạm nhân dù bị giam tại nhà vẫn có thể làm việc, duy trì (hạn chế) các quan hệ, trách nhiệm gia đình. Phạm nhân vẫn tham gia các chương trình cải tạo theo quy định, ngăn khả năng tái phạm tội.

Cảnh sát đeo thiết bị giám sát cho phạm nhân. Ảnh: KRWG

“Vòng kim cô”của phạm nhân tù tại gia

Ở nhiều nước, phạm nhân bị quản thúc tại gia hay giam tại nhà thường phải đeo một thiết bị giám sát điện tử ở chân. Chiếc vòng chân này sẽ thông báo vị trí phạm nhân cho bộ phận quản lý và cảnh sát. Nói cách khác, nếu phạm nhân đi xa khỏi nhà hay có vi phạm, cảnh sát sẽ biết.

Thiết bị giám sát điện tử được sử dụng đầu tiên vào thập niên 1980 trong chăn nuôi để theo dõi giết mổ. Đến năm 1983, thiết bị bắt đầu được sử dụng ở Mỹ và Anh để giám sát phạm nhân.

Tại Mỹ, các phạm nhân phạm tội xâm hại tình dục trẻ em có thể được áp dụng hình thức giam tại nhà nhưng phải mang thiết bị điện tử này. Các thiết bị này sẽ rung lên nếu phạm nhân tiếp cận trong bán kính 100 m với trường học, công viên, khu vui chơi trẻ em.

Tại Anh, thiết bị giám sát điện tử có vai trò rất quan trọng, nó được áp dụng cho cả nghi can trong thời gian được bảo lãnh chờ xét xử hoặc đã có mức án. Tại New Zealand, thời điểm năm 2015 có hơn 3 triệu phạm nhân đeo thiết bị giám sát và được giam tại nhà.

Nam Phi mới thử nghiệm áp dụng thiết bị giám sát từ năm 2012 trên 150 phạm nhân, mục đích nhằm giảm tải nhà tù và giảm chi phí giam giữ. Nam Phi là nước có số lượng tù nhân cao nhất so với bất kỳ nước nào khác ở châu Phi.

Một phạm nhân thụ án tại nhà cùng thiết bị giám sát mang dưới chân. Ảnh: NEMONEWS

Không phải đối tượng nào cũng được

Ở hầu hết các nước như Mỹ, Ý, Úc, Anh, New Zealand… quyết định có giam tại gia hay không và ở mức độ nào tùy vào thẩm phán và tùy vào từng trường hợp cụ thể. Yếu tố đầu tiên được xem xét đến là mức độ phạm tội, các yếu tố khác được tính đến là chỗ ở, công việc, tình trạng sức khỏe.

Tại Ý, hình thức giam tại nhà được sử dụng rất rộng rãi, thường được áp dụng với đối tượng có vấn đề về sức khỏe mà nếu ở trong tù sẽ không ổn, trừ khi đối tượng này đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, hình thức này không áp dụng với phạm nhân đã bị phát hiện từng trốn khỏi nhà tù trong vòng năm năm trước.

Tại New Zealand, thẩm phán thường cho phép nạn nhân được giam tại nhà khi người này thụ án ngắn ngày - từ hai năm trở xuống. Phạm nhân phải ở nhà mình toàn thời gian và chỉ được rời đi khi có phép của giám thị nhà tù.

Tại Mỹ, phạm nhân phạm tội có tính chất bạo lực, tội phạm ma túy không được xem xét giam tại nhà. Tại Úc, phạm nhân phạm các tội như phóng hỏa, tấn công tình dục, cố ý hay vô ý giết người, hoặc từng có lịch sử nhiều lần vào tù ra khám thì không được xét giam tại nhà. Để được cho giam tại nhà, phạm nhân phải đồng ý một số điều khoản thiết lập trước. Chẳng hạn, trong thời gian giam tại nhà không được uống rượu, dùng thuốc cấm; cung cấp liên lạc của chủ lao động nơi mình làm việc với người giám sát; không được có bất cứ vi phạm pháp luật nào… Tại Úc, hình thức giam tại nhà có thể bị thay đổi khi phạm nhân có bất kỳ vi phạm nào các điều khoản đã được phổ biến trước khi áp dụng, đặc biệt khi có bất kỳ vi phạm pháp luật nào.

Tính hai mặt của tù tại gia

Các chuyên gia tư pháp và công luận các nước đều tán thành hình thức giam tại nhà với các phạm nhân ít nghiêm trọng. Nó được áp dụng khi phạm nhân không va chạm với các thành phần tội phạm nguy hiểm khác, ngược lại họ được duy trì mối quan hệ gia đình và công việc. Đây được xem như một cách giúp họ dần tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến chỉ trích rằng hình thức giam tại nhà cùng thiết bị giám sát điện tử là quá khoan dung. Và dù có thiết bị giám sát đi nữa, phạm nhân vẫn có thể tiếp tục phạm tội trước khi nhà chức trách có thể can thiệp. Lý do, từ lúc nhận tín hiệu của thiết bị giám sát đến lúc tiếp cận, khống chế phạm nhân luôn cần một khoảng thời gian nhất định.

Đầu năm 1988, ở Anh và xứ Wales từng xảy ra làn sóng phản đối giam tại nhà cùng thiết bị giám sát điện tử. Theo ý kiến này, chuyện giam tại nhà có thiết bị giám sát chỉ nên áp dụng cho các trường hợp bị án treo hay phải lao động công ích; không nên áp dụng với các trường hợp bị tù giam. Năm 1990, ý kiến phản đối bắt đầu xuất hiện tại Mỹ rằng giam tại nhà cùng thiết bị giám sát không giúp người dân cảm thấy an toàn trước phạm nhân.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/tu-tai-gia-cac-nuoc-da-lam-tu-lau-802673.html