'Tự ta phải lo cho ta'

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (đồ gỗ) được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm nằm trong top tỷ USD của Việt Nam. Riêng năm 2020 con số kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 12 tỷ USD.

Số liệu thống kê cho hay, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 5,13 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với kim ngạch năm 2018. Kim ngạch từ thị trường này chiếm khoảng 54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào tất cả các thị trường.

Trong 7 tháng năm 2020, các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 3,23 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện tỉ trọng sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam được duy trì ở mức trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nhóm mặt hàng gỗ, được xuất khẩu trực tiếp sang 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Các thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, chiếm tỉ trọng 88,84% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến cho tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, trong đó có sản phẩm gỗ. Chưa hết, bên cạnh đó, các sản phẩm gỗ xuất khẩu cũng gặp phải rào cản phòng vệ thương mại khi thị trường nhập khẩu đưa ra những chính sách về bảo hộ sản xuất trong nước.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), từ đầu năm đến nay, ngành gỗ trở thành “tâm điểm” của các vụ kiện phòng vệ thương mại với 4 vụ kiện, trong khi giai đoạn 10 năm trước đó, ngành này chỉ bị điều tra trong 3 vụ việc.

Đặc biệt, trong năm 2020, Hàn Quốc chính thức áp thuế bán phá giá đối với gỗ ép từ Việt Nam trong thời gian từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9. Không chỉ Hàn Quốc, Mỹ cũng điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp áp dụng với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết “tự ta phải lo cho ta”, nói dễ hiểu là các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất gỗ cần phải chủ động trong việc xây dựng chuỗi giá trị, hiện đại hóa hệ thống quản lý, phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp để có thể tránh được thấp nhất những rủi ro về cáo buộc gian lận thương mại khi xuất khẩu.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tu-ta-phai-lo-cho-ta-520984.html