Tự sự của vũ nữ thoát y làm nghề không phải vì thiếu tiền

Sau 24 năm làm vũ nữ thoát y, Leigh Hopkinson tự hỏi rằng liệu công việc này có đang bị chèn ép như người ta vẫn nói hay không.

Leigh Hopkinson làm nghề vũ nữ thoát y 24 năm, vốn là sinh viên ngành nghệ thuật

Leigh Hopkinson làm nghề vũ nữ thoát y 24 năm, vốn là sinh viên ngành nghệ thuật

Tôi ghét thứ niềm tin phổ biến rằng gái mại dâm đang bị áp bức và không có cơ quan nào bảo vệ, rằng họ cần được giải cứu. Tôi không thích nghĩ rằng bản thân là kẻ đang bị đàn áp.

Khi bắt đầu làm công việc vũ nữ thoát y cho quán bar phía sau một nhà thổ vào năm 18 tuổi, tôi đã tự kiểm soát được quyết định của mình - hoặc có thể là tôi nghĩ vậy.

Là một sinh viên chuyên ngành nghệ thuật, tôi không thiếu tiền - một lý do thường được đưa ra cho những người gia nhập ngành công nghiệp tình dục. Bố mẹ trả tiền thuê nhà và sinh hoạt phí cho tôi.

Tôi tự tìm đến công việc này với mong muốn phá bỏ những rào cản. Tôi theo học ở trường nội trú dành cho nữ sinh trong 5 năm - nơi mà nền văn hóa bảo thủ của giới thượng lưu khiến tôi trở nên khao khát một lối thoát để thể hiện sự sáng tạo cũng như có được những trải nghiệm đa dạng và được tương tác nhiều hơn với người khác giới. Tôi cũng muốn được tự do đưa ra quyết định của mình.

Vì thế, tôi đã chọn nghề vũ nữ thoát y. Tôi tin rằng mình đã tìm được một công việc hoàn hảo: được trả tiền để nhảy, được giữ dáng, được mặc những trang phục tuyệt vời và giải trí cho mọi người. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn tự do nắm quyền.

Từ khi dậy thì, tôi đã nhận thức được việc những người đàn ông nhìn chằm chằm vào mình ở nơi công cộng. Bất chấp việc tôi thể hiện thái độ khó chịu, họ vẫn không hề dừng lại. Sau đó, tôi bị hãm hiếp bởi người quen. Thoát y là công việc giúp tôi có cơ hội đưa mình vào một thế giới rộng lớn, và nó cũng là cơ hội để tôi biến cảm giác bất lực của mình thành tiền.

Đưa mình lên sân khấu và đề nghị được trả tiền để xem tôi trình diễn, tôi nghĩ rằng mình đang giữ quyền kiểm soát. Tại sao lại không chứ? Nó mang lại cho tôi sự độc lập về tài chính, sự tự do và linh hoạt. Tôi chẳng biết công việc nào mà phụ nữ được trả nhiều tiền hơn nam giới đến vậy. Tôi có thể chọn giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi mà vẫn không bị mất việc khi muốn quay lại.

Làm vũ nữ thoát y, tôi được đi khắp nơi trên thế giới. Tôi làm việc cho cả những quán bar ở Melbourne và London. Tôi làm việc cùng những người phụ nữ mạnh mẽ, quyết tâm trả hết các món nợ học phí cao học, các khoản thế chấp, tiền nuôi con, thậm chí còn bắt đầu đi làm từ thiện.

Không giống như những vũ công khác xuất thân từ đói nghèo và khó khăn, tôi không bị đẩy vào đường cùng để phải làm công việc này.

Lúc bắt đầu, tôi thấy mình đang tạo ra một cách sống mới. Tôi không muốn bị bó buộc trong một công việc 8 tiếng mỗi ngày hay phải trở thành phụ nữ trung lưu với những vai trò làm vợ, làm mẹ, một bảo mẫu, một gia sư. Tôi coi công việc này như một lối thoát cho bản thân.

Gia đình, bạn bè và xã hội thấy quan điểm đó thật gây ‘sốc’.

Những người hành nghề mại dâm thường bị kỳ thị về mặt đạo đức, bị cho là thiếu sự tôn trọng bản thân và vì thế mà cũng không đáng nhận được sự tôn trọng từ người khác. Theo đó, tôi không thể vừa đưa ra một cái giá cho khả năng tình dục của mình mà vẫn được coi là một con người có giá trị.

Mặc dù đàn ông thì hoàn toàn được chấp nhận khi ghé thăm các câu lạc bộ thoát y, nhưng phụ nữ làm việc trong đó thì không được chấp nhận. Tôi đã từng đấu tranh để chứng minh một điều khác đi. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi không còn muốn đấu tranh trước những định kiến của xã hội nữa. Thường thì nó còn tệ hơn cả chính bản thân công việc đó, nơi mà tôi có thể kiểm soát, duy trì các ranh giới và giá trị bản thân.

Sự phán xét thường tới từ những người chưa bao giờ bước chân vào một câu lạc bộ thoát y. Nó khiến tôi bị loại ra khỏi cuộc sống bình thường. Xã hội đang phân loại phụ nữ thành 2 nhóm, một là nhóm trinh nữ, phần còn lại là gái bán dâm. Bởi vì họ cần một sự biện minh cho những ánh mắt của đám đàn ông, cho việc biến phụ nữ thành một dịch vụ tình dục.

Tôi vẫn không muốn coi mình là một nạn nhân, và nhìn theo nhiều cách thì tôi không phải là một nạn nhân. Tôi là một phụ nữ da trắng, trung lưu, có học thức và nghĩ rằng mình đang kiểm soát lựa chọn của mình. Nhờ có công việc này mà tôi có những trải nghiệm tuyệt vời, được gặp những người thú vị và được trả công xứng đáng để đắm mình trong thú vui ấy.

Giờ đây, khi đã từ bỏ công việc này, tôi không lên án công việc thoát y hay bất cứ hình thái mại dâm nào khác, tuy nhiên tôi không còn nghĩ rằng đó là một công việc mà phụ nữ được nắm quyền khi mà nó đặt sự giải trí của đàn ông lên trên quyền bình đẳng của phụ nữ.

Bài viết của Leigh Hopkinson – một vũ nữ thoát y đã làm việc trong ngành công nghiệp tình dục 24 năm – đăng trên tờ The Guardian. Cô cũng là tác giả cuốn sách ‘Two Decades Naked’ (Hai thập kỷ thoát y).

Nguyễn Thảo(Theo The Guardian)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/tam-su-cua-vu-nu-thoat-y-lam-nghe-khong-phai-vi-thieu-tien-539488.html