Từ sự cố phim 'Vợ ba': Tranh cãi về sự thật trong điện ảnh

Trong bộ phim 'Vợ ba', để có được sự trung thực, nhà sản xuất chấp nhận sử dụng diễn viên 13 tuổi để đóng 'cảnh nóng'. Việc làm trên khiến nhiều người đặt giá trị nghệ thuật và truyền thống văn hóa lên bàn cân để so sánh.

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim

Trẻ em diễn cảnh nhạy cảm

Trong lịch sử điện ảnh, tranh luận xung quanh vai diễn của một học sinh 12 tuổi trong bộ phim Reiventing Marvil sản xuất năm 2017, trình chiếu tại LHP Venice chưa bao giờ “sóng yên biển lặng”. Nam học sinh trong trường bị nhiều bạn bè cùng giới, cùng trang lứa lạm dụng tình dục đã tốn nhiều giấy mực của giới báo chí. Một trường hợp khác là nam diễn viên Danny Lloyd tham gia The Shinning (1980) khi chỉ mới 5 tuổi, Lloyd (vai Danny Torrance) được đạo diễn Stanley Kubrick nói dối là đang đóng phim tình cảm. Tới khi 17 tuổi, cậu mới được thưởng thức tác phẩm kinh dị kinh điển này.

Với những người hâm mộ phim bom tấn của Hollywood, khi xem bộ phim nổi tiếng “The Walking Dead” (có hơn 16 triệu khán giả xem khi trình chiếu tập đầu tiên) không ai là không ám ảnh bởi phân cảnh của cậu bé Carl Grimmes. Sau khi chứng kiến cái chết của mẹ mình, Carl Grimmes nói lời vĩnh biệt trước khi nã một viên đạn vào đầu bà để đảm bảo bà không biến thành zombie (xác chết sống). Cậu bé diễn viên Chandler Riggs lúc đó mới 12 tuổi. Trong loạt phim X-Men của hãng Century Fox, cô bé Dafne Keen mới 12 tuổi, song cô đã có nhiều pha hành động điên cuồng chém đứt bộ phận cơ thể, đến nỗi bị cắt gọt chỉnh sửa ở một số quốc gia. Năm 2007, “Hounddog” bị dư luận phản đối khi để nữ diễn viên Dakota Fanning (khi đó 12 tuổi) trực tiếp thực hiện cảnh bị cưỡng hiếp. Tuy nhiên, bằng những thủ thuật điện ảnh mà cả đội ngũ sản xuất vô can khi bị buộc tội vi phạm luật pháp về ấu dâm ở bang North Carolina. Vừa qua, phim “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh có hoạt cảnh nóng của nữ chính Nguyễn Phương Trà My (vai Mây) thực hiện khi chỉ mới 13 tuổi đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong “Vợ ba”, Mây có khoảng 4 cảnh phim liên quan đến tình dục với chồng và một cảnh phim bày tỏ rung cảm đồng giới. Sự việc này đang tốn giấy mực của truyền thông suốt mấy ngày nay nhưng chưa tìm ra vi phạm.
Khe hở của luật
Thực tế, diễn viên nhí khi tham gia các bộ phim có nhiều cảnh có yếu tố người lớn đều được kiểm soát. Ví dụ trong Game of Thrones đã được quay bằng diễn viên đóng thế, đạo cụ, kỹ xảo. Các diễn viên nhí cũng không cần biết đến bối cảnh của toàn bộ tập phim để diễn, nhiều khi họ chỉ được phát một đoạn thoại và cứ thế mà diễn. Hay như trong phim “Vợ ba”, Công ty TNHH Ba sắc cầu vồng - đơn vị sản xuất khẳng định tuân thủ đúng luật trong quá trình làm phim. Diễn viên Trà My đã ký hợp đồng dưới sự đại diện của mẹ. Trong các đoạn phim nhạy cảm, đơn vị làm phim đều có biện pháp bảo vệ diễn viên, quản lý chặt về nhân sự (chỉ có đạo diễn, phó đạo diễn, quay phim đều là nữ) và có sự giám sát của mẹ Trà My.
Nhận định về việc để diễn viên nhỏ tuổi tham gia đóng các cảnh nóng, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết: “Trong một xã hội văn minh tất cả đều được kiểm soát bởi luật, ai phạm đều phải chịu trách nhiệm. Nếu luật ở nước ta quy định rõ chỉ có lứa tuổi nào được đóng những cảnh về thân xác thì các đoàn làm phim sẽ tuân thủ. Tuy nhiên, đến nay chưa có luật pháp nào quy định điều này”.
Theo đạo diễn Phan Đăng Di: Phim “Vợ ba” phản ánh một thực tế có thật và phổ biến trong xã hội Việt Nam xưa, khi người phụ nữ có thể lập gia đình ở tuổi vị thành niên. Việc chọn một diễn viên vị thành niên để diễn tả lại hiện thực đó là điều bình thường và cũng không bị pháp luật cấm. Mặt khác, chúng ta phải hiểu rằng, trong điện ảnh, thường người ta phải đạt đến chỗ tái hiện như thật một hiện thực mà phim cần diễn tả. Chúng ta đã gặp nhiều cảnh giết người ở trong điện ảnh được miêu tả thật đến nỗi khiến ta phải sợ hãi, ám ảnh nhưng bản chất của cảnh đó chỉ là dàn dựng lại và không ai có thể vì cảm giác trông như thật đó mà kết tội diễn viên (đóng vai kẻ giết người) hay những người làm phim là đã phạm tội cả. Vì vậy việc phân biệt giữa sự thực trong phim và thực tế ngoài đời sống là điều cần phải được minh định rõ ràng.

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tu-su-co-phim-vo-ba-tranh-cai-ve-su-that-trong-dien-anh-343855.html