Từ sự cố nhà máy điện ở Kyrgyzstan: Bài học từ sự thiếu minh bạch

Kyrgyzstan là một nước nhỏ vùng Trung Á, trước thuộc Liên Xô cũ, dân số chỉ hơn sáu triệu người. Vào đầu năm 2013, Chính phủ Kyrgyzstan đối mặt với một khó khăn: nhà máy điện và nước nóng (để sưởi ấm) của thủ đô Bishkek, xây dựng từ thập niên 1960 thời Liên bang Xô Viết, đã xuống cấp trầm trọng, không thể bảo đảm điện năng và sưởi ấm cho cư dân.

Trong lúc các quan chức cân nhắc việc mời thầu để xây lại nhà máy thì Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Kyrgyzstan liên tiếp nhận được công hàm của Đại sứ quán Trung Quốc, khuyến nghị nên để cho một công ty Trung Quốc có tên là TBEA (Tebian Electric Apparatus Stock Co. Ltd.) đảm nhiệm thực hiện việc đại tu nhà máy điện trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ này.

 Cựu thủ tướng Sapar Isakov (giữa) cùng các quan chức cao cấp của Chính phủ Kyrgyzstan, ra tòa vì bị cáo buộc tham nhũng trong một dự án liên quan tới Trung Quốc. Ảnh: New York Times

Cựu thủ tướng Sapar Isakov (giữa) cùng các quan chức cao cấp của Chính phủ Kyrgyzstan, ra tòa vì bị cáo buộc tham nhũng trong một dự án liên quan tới Trung Quốc. Ảnh: New York Times

Không chỉ khuyến nghị, phía Trung Quốc còn hứa hẹn, nếu TBEA được thực hiện dự án, phía Kyrgyzstan sẽ được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho vay 386 triệu đô la Mỹ trong vòng 20 năm. Cho rằng không có lựa chọn nào tốt hơn, chính phủ Kyrgyzstan đã chấp nhận cho TBEA được thầu dự án, loại bỏ các công ty nhiều kinh nghiệm hơn đến từ Nga, mặc dầu TBEA không có bề dày thành tích trong việc xây dựng hay sửa chữa nhà máy điện. Việc lựa chọn nhà thầu này đã gây ra nhiều nỗi hoài nghi và lo ngại trong giới chuyên môn ở Kyrgyzstan.

Việc chỉ định thầu ở Kyrgyzstan diễn ra gần như cùng thời điểm với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu công bố dự án Con đường Tơ lụa Mới, còn gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), vào tháng 9-2013 tại nước Kazakhstan láng giềng; sau đó ông Tập bay sang Kyrgyzstan và cam kết với lãnh đạo nước này về khoản tín dụng mà Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sẽ cung cấp cho dự án đại tu nhà máy điện Bishkek - dự án được coi là bước “thử nghiệm” cho sáng kiến BRI mới của ông.

Từ đó đến nay, tiền Trung Quốc đổ vào Kyrgyzstan tăng nhanh, từ 9 triệu đô la năm 2008 đã lên tới 2,2 tỉ đô la hiện nay, trong đó riêng vốn vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã là 1,7 tỉ đô la.

Hoạt động đại tu nhà máy Bishkek được khởi sự ngay từ đầu năm 2014 và hoàn tất ba năm sau đó vào tháng 8-2017, được Đại sứ quán Trung Quốc đánh giá trong một bức thư gửi Bộ Năng lượng và Công nghiệp Kyrgyzstan: “Là một trong những kết quả căn bản của chuyến viếng thăm đầu tiên của lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển một dự án năng lượng quan trọng cho nền kinh tế Kyrgyzstan”.

Và rồi, nỗi lo ngại của người dân Kyrgyzstan trở thành sự thật: tháng 1-2018, giữa lúc mùa đông khắc nghiệt bao trùm thủ đô Bishkek, nhà máy mới đã ngừng hoạt động vì một số thiết bị mới lắp vào đã bị hư hỏng nặng không thể phục hồi, khiến cư dân thủ đô phải sống trong giá lạnh và mất điện.

Giám đốc nhà máy, ông Nurlan Omurkul - người thường xuyên bày tỏ nỗi hoài nghi về năng lực của một công ty không có kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện - bị cách chức, bị ghép tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lĩnh án bốn năm tù giam. Nhưng theo ông Nurlan, việc quy tội cho ông và các chuyên viên kỹ thuật khác chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận, bao che cho hành vi tham nhũng của các quan chức ở cấp cao.

Hậu quả của việc nhà máy ngừng hoạt động quá nặng nề, trước áp lực của dư luận và các chính trị gia dân cử, Quốc hội Kyrgyzstan phải thành lập một ủy ban điều tra sự cố và tiến hành các biện pháp pháp lý. “Dự án bốc mùi ngay từ đầu, nhưng nếu không có sự cố thì không ai chú ý cả”, ông Iskhak Masaliev, một dân biểu trong ủy ban điều tra của quốc hội, nhận xét. Cuộc điều tra phát hiện rằng việc đấu thầu thực hiện dự án đã không diễn ra công khai và công bằng, Công ty TBEA của Trung Quốc đã được chỉ định thầu một cách trái phép và tình trạng tham nhũng đã “rút ruột” của dự án hơn 111 triệu đô la Mỹ.

Vài tháng sau sự cố ở nhà máy điện, Tổng thống mới được bầu của Kyrgyzstan, ông Sooronbay Jeenbekov, cách chức Thủ tướng của ông Sapar Isakov; ngay sau đó ông Isakov và ông Kubanychbek Kulmatov - cựu Đô trưởng thủ đô Bishkek - bị bắt giam.

Ông Kulmatov bị cáo buộc đã nhận khoản tiền “lại quả” 2 triệu đô la từ nhà thầu Trung Quốc, trong khi ông Isakov bị buộc đã hoạt động cho lợi ích của Trung Quốc, đã vận động giao thầu cho Công ty TBEA dù biết công ty này không đủ năng lực thực hiện dự án. Vụ xử án hai ông này vẫn chưa kết thúc, một nguồn tin trên báo The Diplomat nhận định, nếu bị buộc tội, cựu Thủ tướng Isakov có thể bị kêu án tới 20 năm tù.

Ông Isakov tất nhiên bác bỏ mọi tội lỗi mà Ủy ban Nhà nước về an ninh quốc gia (UKMK) cáo buộc ông. Từ trong nhà giam, ông đưa ra những bản tuyên bố nói rằng, không có gì sai trong việc chỉ định thầu cho Công ty TBEA, bản thân ông và các quan chức Kyrgyzstan khác không lựa chọn TBEA.

“Lựa chọn là của Chính phủ Trung Quốc. Đó là quyền của người Trung Quốc bởi vì họ tài trợ cho dự án nâng cấp, đại tu”, ông Isakov viết, theo báo The New York Times. Trước đó, điều trần trước quốc hội, ông Isakov (làm Thủ tướng từ tháng 8-2017 tới tháng 4-2018) nói rằng “Việc lựa chọn Công ty TBEA là lập trường chính thức của Trung Quốc mà chúng tôi không thể thay đổi”, theo trích dẫn của trang mạng The Diplomat.

Một chi tiết đáng chú ý là bên cạnh Công ty TBEA, còn có một công ty Trung Quốc khác là tập đoàn Chế tạo Máy Trung Quốc, đã tham gia bỏ thầu dự án đại tu nhà máy điện Bishkek với giá 356 triệu đô la, thấp hơn mức giá 470 triệu đô la của TBEA nhưng đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu phía Kyrgyzstan loại bỏ nhà thầu này. Lý do được biết là Bắc Kinh cần ưu tiên cho TBEA, một doanh nghiệp của tỉnh Tứ Xuyên - vùng đất sâu trong nội địa mà Chính phủ Trung Quốc muốn nâng đỡ để thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh duyên hải ở phía Đông.

Theo ông Masaliev của ủy ban điều tra, cho dù người Trung Quốc có những cách để giành quyền thực hiện dự án, ông tin rằng chính các quan chức Kyrgyzstan tham nhũng mới là người biển thủ tiền bạc của dự án mà người dân phải gánh chịu.

Ở một góc độ khác, nhiều người cho rằng, ông Isakov là nạn nhân của cuộc đấu đá giữa Tổng thống Sooronbay Jeenbekov và Tổng thống tiền nhiệm là ông Almazbek Atambayev và công cuộc chống tham nhũng mà Tổng thống Sooronbay đang tiến hành chỉ nhằm loại trừ những nhân vật thân cận của ông Almazbek.

Theo NYT, Diplomat

Huỳnh Hoa

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291311/tu-su-co-nha-may-dien-o-kyrgyzstan-bai-hoc-tu-su-thieu-minh-bach-.html