'Tự soi, tự sửa' ở Long An

Tăng cường trách nhiệm nêu gương người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là giải pháp quan trọng được Tỉnh ủy Long An tập trung thực hiện và đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, giám sát để việc nêu gương ngày càng thực chất, bảo đảm hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thực hiện nghị quyết t.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng

Nêu gương tự phê bình

Sinh hoạt chi bộ văn phòng huyện ủy ở nhiều huyện của tỉnh Long An gần đây ghi nhận nét chung đáng phấn khởi là việc nêu gương của người đứng đầu. Trước tập thể chi bộ, đồng chí bí thư huyện ủy nghiêm túc nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm của bản thân và làm rõ nguyên nhân chủ quan, như: Chưa thật sự đổi mới phong cách làm việc; chưa tạo được bứt phá trong lãnh đạo thực hiện những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội; việc chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên một số mặt còn hạn chế. Có đồng chí tự nhận mình chưa kiên quyết trong xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, sự việc tồn đọng, vướng mắc kéo dài. Tinh thần gương mẫu tự phê bình của đồng chí bí thư huyện ủy đã khơi dậy không khí dân chủ của buổi sinh hoạt. Các đảng viên mạnh dạn góp ý, “tự soi” và đưa ra những giải pháp để giúp nhau phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, yếu kém của mỗi người ngay sau cuộc họp.

Ở huyện Bến Lức, “tự soi”, “tự sửa” đã góp phần ngăn ngừa tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đồng thời nâng cao trách nhiệm, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo, cũng như từng cán bộ. Theo đồng chí Dương Văn Út, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, huyện nằm ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, địa bàn giáp ranh TP Hồ Chí Minh, cho nên bên cạnh thuận lợi, còn tồn tại những khó khăn, phức tạp, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng. Tình trạng khiếu kiện đông người còn phát sinh do một số vấn đề nổi cộm chưa được khắc phục, trong đó có việc vượt quá thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do công tác lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy có lúc, có nơi chưa bao quát toàn diện, trong phối hợp giải quyết một số vấn đề còn chưa đồng bộ…

Để khắc phục tình trạng này, Huyện ủy đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, nhất là việc tiếp công dân của Bí thư Huyện ủy được thực hiện ngay khi cần thiết và khi người dân yêu cầu. Chủ tịch UBND huyện đã duy trì tốt việc tiếp công dân vào hai ngày mỗi tháng và tiếp đột xuất khi cần. Qua đó, Huyện ủy, UBND huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương đã có chủ trương, giải pháp kịp thời, quyết sách cụ thể khắc phục khó khăn, vướng mắc. Điển hình như việc vận động nhân dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng thực hiện công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới ở các xã Long Hiệp, Lương Hòa; thực hiện Năm văn minh đô thị ở thị trấn Bến Lức…

Nhờ đó kinh tế - xã hội của huyện có chuyển biến rõ nét. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt hơn 72.700 tỷ đồng, tăng 18,29% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó giá trị sản xuất trên từng khu vực đều có mức tăng trưởng khá. Đời sống mọi mặt của nhân dân tiếp tục được nâng cao.

Tinh thần nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII lan tỏa đến đội ngũ cán bộ cấp xã. Lần nào cũng vậy, mở đầu cuộc họp định kỳ hằng tháng của Đảng ủy xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Lê Văn Lộc yêu cầu các thành viên trong Đảng ủy thẳng thắn, công khai phê bình người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cả về tác phong, đạo đức, lối sống. Sau đó, bản thân tiếp thu, nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm. Đảng ủy xã còn xây dựng cuốn Sổ tay sinh hoạt Đảng và cấp phát đến từng đảng viên.

Trong sổ in những quy định của Trung ương, tỉnh, huyện về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, về những biểu hiện suy thoái đã chỉ ra trong Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII. Sinh hoạt chi bộ, đảng viên đối chiếu nội dung trong sổ để tự phê bình và phê bình. Tinh thần nêu trên đã có tác dụng nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ xã thông qua quyết tâm khắc phục hạn chế, đồng thời tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ, sự chuyển biến tích cực ở địa phương. Thanh Phú là xã thứ ba của huyện Bến Lức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (năm 2015), nhưng là địa phương dẫn đầu về chất lượng các tiêu chí, cho nên đã được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đồng chí Phạm Tùng Chiến, Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ thị xã Kiến Tường chia sẻ, nêu gương “tự soi”, “tự sửa” của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở thị xã không những giúp nhanh chóng khắc phục hạn chế, khuyết điểm, mà còn thúc đẩy sự chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể như, Ban Thường vụ Thị ủy đánh giá tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của thị xã là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Công tác giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn ở mức cao…

Năng lực lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết liệt, ít sâu sát địa bàn dân cư, còn trông chờ vào cấp trên. Từ đó, Thị ủy chỉ đạo tăng cường phát huy hiệu quả các cuộc tiếp xúc thương mại, xúc tiến đầu tư; thực hiện tốt việc hỗ trợ, đối thoại với doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, hợp tác với các địa phương lân cận; nghiên cứu áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; nhất là phát huy hiệu quả các mô hình điểm để tạo sự lan tỏa…

Giao cho UBND thị xã triển khai đồng bộ các giải pháp ngay trong năm 2019. Có thể thấy, từ việc nhìn rõ mặt hạn chế, Thị ủy đề ra được nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung nhân lực, nguồn lực, quyết liệt khắc phục và tạo được chuyển biến trong năm 2019 cũng như các năm tiếp theo với tinh thần chủ động, sáng tạo.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Nêu gương tự phê bình và quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém là chuyển biến đáng ghi nhận của tỉnh Long An trong thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư T.Ư Ðảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Tuy nhiên, theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Rạnh, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương vẫn còn tình trạng không đề cao, chưa phát huy được trách nhiệm cá nhân trước tập thể; không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, công tác; còn có vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý kỷ luật. Chính vì vậy, cùng với việc tổ chức ký cam kết thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy Long An cụ thể hóa thêm một số nội dung nêu gương và giải pháp để thực hiện đối với từng đồng chí lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó chú trọng tăng cường giám sát việc nêu gương.

Theo đó, Ủy ban kiểm tra các cấp là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, đồng thời trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nêu trên. Đồng chí Lê Thanh Nghiêm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Long An cho biết: Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện giám sát thường xuyên tổ chức đảng và đảng viên khi có dư luận nội bộ hoặc có đơn thư (xét thấy có hạn chế, khuyết điểm). Sau khi giám sát và nghe báo cáo giải trình của đối tượng giám sát, ủy ban kiểm tra nhắc nhở đơn vị, cá nhân khắc phục ngay những hạn chế. Kết quả của cuộc giám sát và báo cáo của đoàn giám sát là căn cứ quan trọng để ủy ban kiểm tra xem xét quyết định có tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức, cá nhân hay không.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc nêu gương đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Chuyển biến trong công tác cải cách hành chính là một thí dụ. Đến nay, tất cả cơ quan hành chính và đơn vị ngành dọc trên địa bàn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với toàn bộ 1.785 thủ tục hành chính. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công các huyện, thị xã hoạt động nền nếp, thủ tục đơn giản, quy trình gọn nhẹ, tạo được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm đứng đầu cả nước (năm 2016 đứng thứ 15, năm 2017 đứng thứ tư, năm 2018 đứng thứ ba trong nhóm này).

Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, giám sát, đã phát hiện những trường hợp vi phạm, đặt ra yêu cầu phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hơn để việc thực hiện trách nhiệm nêu gương không bị rơi vào tình trạng triển khai có tính hình thức, mang tính phong trào, mà ngược lại ngày càng phải đi vào thực chất hơn. Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, từ đầu năm đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp của tỉnh Long An đã thi hành kỷ luật hai tổ chức đảng (một khiển trách, một cảnh cáo) và 90 đảng viên với các hình thức khiển trách 46 đồng chí, cảnh cáo 28, cách chức bốn, khai trừ 12 (trong đó có một tỉnh ủy viên, bốn huyện ủy viên, 18 đảng ủy viên, bảy chi ủy viên). Nội dung vi phạm chủ yếu là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; quy chế làm việc; những điều đảng viên không được làm; công tác quản lý và sử dụng đất đai; đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm; buông lỏng lãnh đạo; vi phạm nguyên tắc tài chính.

Ðể tiếp tục chấn chỉnh, phòng ngừa, tránh lặp lại những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm việc nêu gương của người đứng đầu, Tỉnh ủy Long An yêu cầu các cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là tổ chức đảng trực thuộc và đảng viên là người đứng đầu, cán bộ diện ban thường vụ cấp ủy quản lý, tiếp tục coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.

HOÀNG LÂM và THANH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42059202-%E2%80%9Ctu-soi-tu-sua%E2%80%9D-o-long-an.html