Từ quảng trường Tây Ban Nha nhớ về Hà Nội

Chui lên khỏi lòng đất, chúng tôi đã đứng ngay giữa quảng trường Puerta de Sol. Ôi quảng trường! Ôi Madrid! Ôi Tây Ban Nha! Hình như trái tim tôi đã rơi tõm vào cái thanh âm như một nốt cao của cảm xúc ấy đến vài lần khi chạm chân xuống mặt đất sau chuyến bay dài.

Nhưng lần này, cái nốt “Ôi” ấy dài hơn, ngỡ ngàng hơn và nhảy đúp mấy cái như quả tim lỡ nhịp trước tình yêu. Phải rồi, cái giây phút người ta biết người ta yêu, mà chưa kịp hiểu, chưa kịp biết lý do nó diễn ra đúng như thế này, đúng như cái cách tôi ngây ngất giữa Puerta de Sol giữa một ngày nắng đẹp.

Từ châu Âu nhớ những quảng trường Hà Nội

Với một người châu Á, lại đến từ một đất nước không có nhiều quảng trường, nơi mà quảng trường chủ yếu gắn với yếu tố lịch sử, chính trị, thì quảng trường ở châu Âu mang một thứ không khí hoàn toàn khác. Cái khác ấy đang khiến tôi rung động. Chưa đến giờ nhận phòng, tôi chọn một quán kem ngay cuối một con đường đổ ra quảng trường, ngay sau bức tượng Vua Charles III cưỡi ngựa, để nghỉ ngơi và nhân thể tìm hiểu thứ tình yêu nào vừa vỡ òa ra trong lòng mình.

Tôi đang ở Madrid, thật không thể tin nổi! Tôi đã làm được, đã một mình đưa hai con đi xa đến ngần ấy, đang ngồi đây, ngay giữa quảng trường Cổng Mặt Trời (Puerta de Sol có nghĩa là Cổng Mặt Trời, là một trong những cổng thành cổ bao quanh Madrid từ thế kỷ XV) và ngây ngất vì yêu. Không phải vì trời xanh, không phải vì không khí mới mẻ của ngôn ngữ, màu da, không phải vì những bức tượng. Tại sao tôi lại rung động mạnh mẽ tới nhường này?

Hà Nội của tôi cũng có quảng trường. Ngoài Quảng trường Ba Đình tôn nghiêm, thì mãi về sau, tôi mới biết, ngay trước Nhà hát Lớn Hà Nội là quảng trường Cách mạng tháng Tám; và ngay chỗ đài phun nước hồ Gươm là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Quảng trường thuộc về lịch sử, là nơi điểm nút giao thông, quảng trường chẳng có quan hệ gì với tôi về mặt xúc cảm. Thế nhưng, tội lỗi hãy để đấy và đợi về nhà sẽ sửa sai, đây là quảng trường của một đời sống lịch sử xã hội khác!

Trái tim tôi ngân lên như thế trong không gian được vây bọc bởi những dãy nhà năm tầng kiến trúc được nhắc lại hoàn hảo, quay mặt ra một con đường lớn đông đúc, tạo thành không gian quảng trường, hai tầng dưới những tòa nhà ốp đá tảng xám u mặc cổ kính, cùng một màu với đá lát quảng trường, ba tầng trên được sơn lớp màu tươi hơn, với những khung cửa sơn cùng một kiểu.

Mặc kệ dấu vết hiện đại từ những tầng trên, tôi vẫn kịp xao động vì những cái ban công. Những ban công sắt đen nhỏ nhắn được đặt san sát nhau ngay hàng thẳng lối khiến tôi có cảm tưởng, nếu cánh cửa kia mở ra, sẽ lấp ló một cô nàng công nương kiều diễm váy bồng, và anh chàng ở ban công kế bên, chỉ cần nghiêng người là có thể trao tặng nàng một bông hồng, hay một nụ hôn.

Hoặc giả, với cái sự san sát nhau ấy, người ta có thể tha hồ thì thầm to nhỏ bàn luận đủ điều, hoặc đang diễn ra dưới quảng trường kia, hoặc những điều thầm kín mà người hiện đại ngày nay chẳng đoán nổi. Mãi về sau, khi đọc giới thiệu về Puerta de Sol, tới đoạn từ thế kỷ XVII đến XIX, đây là nơi của những người háo hức muốn biết tin tức mới nhất, và cầu thang đến nhà thờ Saint Phillip ở quảng trường được coi là nơi chốn để người ta buôn chuyện trong thành phố, tôi lại bật cười nhớ đến da diết những cái ban công được thiết kế kỳ lạ ấy.

Quảng trường Puerta de Sol năm 1921 thế kỷ trước

Quảng trường Puerta de Sol năm 1921 thế kỷ trước

Nơi dường như mặt trời chẳng bao giờ chịu lặn

Căn phòng tôi thuê có ban công nhìn thẳng xuống quảng trường Puerta de Sol. Từ sáng sớm đến tối mịt, nơi này chẳng bao giờ ngớt người qua lại. Lúc nào cũng cuồn cuộn, lúc nào cũng bận rộn. Người đổ về từ các con phố nhỏ nằm giữa các dãy nhà. Người đổ lên từ hai cửa ga tàu điện ngầm ngay trong quảng trường. Người nườm nượp trong dòng xe của con phố mang chính tên quảng trường này. Dành một ngày ngắm nhìn cái dòng bất tận bận rộn ấy, quả thật như được nhìn thấy dòng chảy của thời gian và sự sống.

Chẳng còn nàng công nương nào đứng tựa vào ban công sắt nhỏ nhắn, chẳng còn hoạt động nào của thế kỷ mười sáu mười bảy diễn ra dưới quảng trường, nhưng mỗi khi đứng từ ban công phòng mình, phóng tầm nhìn và thả trôi mình xuống không gian không ngừng thay đổi bởi dòng người phía dưới, tôi vẫn cảm thấy sự tồn tại của không khí cổ xưa đậm đặc nơi đây. Không khí cuộc đời của những người đã sinh ra, đã sống và đã chết, của lịch sử chảy trôi qua điểm nút văn hóa chính trị của thành Madrid, của những niềm vui căng tràn, những nỗi đau và mất mát đã có, lơ lửng trong không gian.

Ngày hôm sau, chúng tôi tìm thấy km số 0 ngay trên quảng trường, đấy là một miếng kim loại gắn trên mặt đá lát đường, có đề “Km.0”, trang trí hình dập mô phỏng hình dáng lãnh thổ, một chấm tròn với hai kim chỉ về hai hướng, đấy là tâm điểm của Tây Ban Nha, của lịch sử, và của biết bao biến cố, đây là trái tim của đất nước. Ngày nay, người ta vẫn đổ về quảng trường Cổng Mặt Trời vào thời khắc Giao thừa, nơi có chiếc đồng hồ nổi tiếng đổ chuông, ăn 12 quả nho theo truyền thống để chào mừng năm mới.

Rồi sự sống tuôn tràn qua trái tim quảng trường, hàng triệu, hàng triệu người đi ngang qua và gắn bó với nơi đây, kẻ gặp gỡ, chia tay và hò hẹn, người mưu sinh, người đắm mình trong những cuộc vui thanh xuân tươi trẻ. Người ta rong chơi, tụ tập, ca hát, nhảy múa, trượt ván, ăn mừng chiến thắng của đội nhà và cả biểu tình ầm ĩ ở đây.

Quảng trường hiếm khi vắng vẻ, chỉ vào lúc gần sáng, hiếm hoi trong vài phút không có bóng người qua lại, những kẻ không ngủ mới nhận rõ cái không khí u tịch trầm mặc của lịch sử ở cái nơi dường như mặt trời chẳng bao giờ chịu lặn này. Ra thế, sự sống không ngừng được bơm căng trong cái điểm nút lịch sử này. Ở đây, người ta khó có thể buồn bã, khó có thể trầm cảm được. Bởi nhịp sống tuôn chảy lúc nào cũng tươi mới chẳng cho phép người ta buồn quá một giây.

Nhà văn An Hạ

Một công dân của quảng trường

Châu Âu có nhiều quảng trường. Trong suốt hành trình rong ruổi của mình, khi đứng trong những quảng trường khác, như quảng trường Trocadéro ở Pháp được nhìn xuống từ tháp Eiffel; quảng trường San Pietro nhìn từ mái vòm nhà thờ Vatican; hay quảng trường La Mã Roman Forum ở Italia cổ xưa được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ V trước Công nguyên, hay những quảng trường khác mà cùng với thời gian và sự lãng mạn đã quện vào đời sống của người Italia, trước sự kỳ vĩ của quần thể kiến trúc quanh những quảng trường nổi tiếng, hay trước vẻ lãng mạn rất Italia của những quảng trường nhỏ ấy, tôi vẫn không sao có lại được cảm giác rung động như với Puerta de Sol.

Có phải tình yêu đầu bao giờ cũng khó quên? Hay chỉ ở nơi đây, với tính cách Tây Ban Nha, cùng với nhịp sống, âm nhạc và không khí lúc nào cũng sôi nổi nồng nàn này, sự sống mới được cảm nhận rõ ràng đến thế, cháy bỏng đến thế. Ngày ngày hòa mình vào đời sống ở Sol, thấy háo hức như một đứa trẻ. Mọi hoạt động và sự sống đổ dồn vào một điểm tụ, rồi bừng lên, tỏa lan như bất tận về mọi hướng. Như thể, mọi con phố đều nghiêng mình đổ về quảng trường, rồi quảng trường lại đổ vào lòng những con người đang say mê mà không kịp nhận ra mình đã say mê.

Cho đến khi tôi uống cạn một bình Sangria - đồ uống có cồn bao gồm rượu vang đỏ và trái cây xắt nhỏ, đôi khi có thêm nước cam hoặc rượu mạnh và được coi là loại đồ uống Tây Ban Nha nổi tiếng nhất - nơi góc một con phố dẫn về quảng trường, khi bắt đầu hò reo nhún nhảy, cảm thấy máu rần rật trong huyết quản, như sự sống được đun sôi bởi tình yêu và đam mê khi hòa mình vào đám đông quanh một ban nhạc đang hát giữa quảng trường, khi thấy cô con gái nhỏ của tôi hăng say nhập vào đoàn người bám đuôi nhau nhảy múa, tôi mới mơ hồ nhận ra bên trong mình, một kẻ nhút nhát hay ngượng ngùng, thường xuyên không biết cách bộc lộ cảm xúc cá nhân, một chút gì đó thật Tây Ban Nha. Lúc đó, tôi đã tự cho phép mình trở thành một công dân của quảng trường!

Nhà văn An Hạ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/tu-quang-truong-tay-ban-nha-nho-ve-ha-noi/773246.antd