Tự quản bảo vệ nông sản

Khoảng cuối tháng 11 này, người dân 'thủ phủ' cà phê Đắc Lắc sẽ bước vào chính vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2018-2019.

CAX Ea Kpam (H. Cư M'gar, Đắc Lắc) tuần tra bảo vệ cà phê mùa thu hoạch.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND H. Cư M'gar Trương Văn Chỉ cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, ngăn chặn tình trạng trộm cắp nông sản, đặc biệt là cà phê đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Cùng với đó, từ năm 2016 huyện đã thành lập thí điểm mô hình "Tổ tự quản" tại 4 xã, thị trấn gồm Quảng Phú, xã Quảng Tiến, Ea Khiết, Cuôr Đăng. Các địa phương triển khai mô hình xuống các thôn, buôn, các tổ tự quản có nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, vừa bảo vệ nông sản của người nông dân.

Trưởng CAX Quảng Tiến (H. Cư M'gar) Nguyễn Văn Quốc cho biết, xã có gần 2.000 ha cà phê, để đảm bảo an toàn mùa thu hái cà phê, CAX đã cắt cử các lực lượng phối hợp với dân phòng, các chủ lô thành lập 6 tổ tự quản, tại 6 thôn, mỗi tổ có 6 thành viên, trong đó lực lượng Công an xã là nòng cốt. Mỗi tổ tự quản được hỗ trợ 700.000 đồng/tháng và các dụng cụ, quần áo, đèn pin, gậy cao su. Các tổ tự quản tổ chức chốt chặn trên các trục đường ra vào các lô cà phê, các đầu mối ra Tỉnh lộ 8, tăng cường tuần tra, bảo vệ cà phê trong các tháng trước và trong vụ thu hái cà phê, nhất là vào ban đêm.

Đến thăm vườn cà phê robusta 2ha của ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, ông Dũng cho biết, những năm trước tình trạng trộm cắp cà phê xanh, non xảy ra nhiều, cây cà phê trồng 1 năm mới cho thu hoạch nếu bị kẻ gian hái trộm, thiệt hại rất lớn nên phần lớn các hộ dân trong thôn đều lo lắng cà phê chín trên 70% là thu hái về phơi. Từ khi gia đình và các chủ lô tham gia mô hình "Tổ tự quản" thôn Tiến Phát, các thành viên trong tổ phân công nhiệm vụ, thay nhau chốt trực tại các lô cà phê 24/24 giờ, tình trạng mất cắp cà phê xanh không còn xảy ra. Nhờ vậy, các hộ dân trong thôn đều yêu tâm để cà phê chín đều rồi mới thu hái.

Cty Cà phê Ea Pốk có 870 ha cà phê, trong đó trên 500 ha đang cho kinh doanh. Toàn Cty có 657 công nhân lao động, 67% công nhân là người đồng bào tại chỗ. Theo ông Trần Cự- Giám đốc Cty cà phê Ea Pốk, mặc dù cà phê của Cty đã giao khoán hết cho công nhân, chăm sóc, bảo vệ và thu hái. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối sản phẩm cà phê mỗi vụ thu hoạch, Cty cử 70 cán bộ xuống cắm chốt ăn, ở, bảo vệ cà phê cùng công nhân. Cty thành lập 5 tổ tự quản, mỗi tổ 10 thành viên, lập chốt chặn các đường ra vào lô cà phê, bảo vệ vòng ngoài. Với tinh thần, trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên công ty, người nhận khoán vườn cà phê với công ty luôn an tâm thu hoạch, không xảy ra tình trạng mất cắp cà phê trong mỗi niên vụ.

Chủ tịch UBND H. Cư M'gar Trương Văn Chỉ cho biết, trên 50% diện tích cà phê tại huyện được phát triển theo mô hình bền vững 4C, UTZ, FLO. Mô hình tổ tự quản được thành lập nhằm gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ lô trong việc nâng cao ý thức, tự bảo vệ sản phẩm của mình, của gia đình, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, hạn chế tình trạng thu hái cà phê xanh, non, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê trên địa bàn huyện.

Từ hiệu quả của mô hình "Tổ tự quản" triển khai tại 4 địa phương điểm, năm 2017 H. Cư M'gar đã nhân rộng mô hình trên tất cả 17 xã, thị trấn với 189 tổ tự quản tại các thôn, buôn, tổ dân phố. Để các tổ tự quản hoạt động hiệu quả, Cư M'gar đã trích kinh phí, hỗ trợ mua sắm quần áo, đèn pin, hỗ trợ xăng, xe cho các thành viên tổ tự quản. Ngoài việc tăng cường lực lượng tuần tra bảo vệ cà phê ở nương rẫy, H. Cư M'gar chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra nhân hộ khẩu, đăng ký tạm trú đối với lao động thu hái cà phê từ nơi khác đến; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh cà phê "ký cam kết" không thu mua cà phê xanh, non của các đối tượng nghi là trộm cắp.

Không chỉ ở Cư M'gar mà hiện nay, tại các huyện Krông Pắk, Krông Búk, Ea H'leo các mô hình "Tổ tự quản", "Tổ dân phòng" được thành lập nhằm bảo đảm tình hình ANTT trên địa bàn, ngăn chặn tình trạng trộm cắp cà phê xanh, non tại các thôn, buôn khiến người dân yên tâm thu hái cà phê mỗi mùa vụ. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh chưa xảy ra vụ mất trộm cà phê nào, người dân vẫn yên tâm để cà phê chín đều rồi mới thu hái. Tỉnh Đắc Lắc có hơn 204.808 ha cà phê, trong đó 187.279 ha đang trong kỳ kinh doanh, sản lượng hàng năm đạt 459.000 tấn cà phê nhân. Để đảm bảo việc thu hái, sản xuất, chế biến cà phê của người dân và doanh nghiệp đảm bảo an toàn, hằng năm UBND tỉnh Đắc Lắc cũng đã có Chỉ thị tăng cường bảo vệ sản xuất, kinh doanh cà phê, tuyên truyền vận động người dân bảo vệ cà phê chín trên 95% rồi mới thu hái. Tỉnh cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng, phối hợp tăng cường bảo vệ mùa vụ cho người dân, hạn chế tình trạng thu hái cà phê xanh non, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng cà phê xuất khẩu.

Đ.C

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_198447_tu-quan-bao-ve-nong-san.aspx