Tự quản bằng hương ước như một thỏa ước tập thể, không được trái luật

Xã quản lý bằng pháp luật, chính sách, chế độ, cơ chế, có bộ máy hoàn chỉnh, có quyền và là một cấp ngân sách. Trong khi đó, trưởng thôn cùng với dân tự quản bằng hương ước như một thỏa ước tập thể, không được trái luật, phải tuân thủ luật nhưng vẫn có một 'không gian quyền lực' do dân thôn cùng tự nguyện cùng cho phép, tự nguyện thực hiện.

Thôn từ trong cộng đồng dân cư cổ truyền vẫn thường gọi là làng, đây là một phân thể của xã. Nhưng xã là một không gian rộng lớn hơn, định hình, nó cố định với vị thế của một cấp quản lý hành chính mà ta vẫn thường gọi là cơ sở. Thôn là một khái niệm năng động bởi tính chất ít hành chính hóa hơn nên cũng ít tính quan liêu hơn so với xã và các cấp trên.

Ý nghĩa sâu xa của thôn, làng là bởi nó gắn bó máu thịt với từng người dân ở nông thôn, kể cả những người dân ở đô thị cũng vậy, cũng đều thấy trong huyết mạch của mình dòng tâm thức của thôn quê từ cha ông lịch sử để lại.

Ở hiện tại thì thôn biểu đạt một ý nghĩa kép. Về phương diện quản lý thì thôn nhận sự ủy nhiệm của xã, thực thi những nhiệm vụ của xã nhưng nó không phải là một cấp hành chính mà chỉ có ý nghĩa theo lối định danh hành chính. Về phương diện chủ yếu khác thì thôn là một cộng đồng dân cư vừa theo địa vực vừa có tính huyết thống. Thôn là nơi diễn ra hoạt động tự quản cộng đồng, đây là thuộc tính điển hình về chức năng, vai trò của thôn. Thôn có đời sống hoạt động riêng của nó, của sự gắn kết cộng đồng tự nhiên và bền vững lịch sử. Đó là một cộng đồng xã hội, cộng đồng văn hóa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xã và thôn đều có chung vị trí, vai trò của cơ sở nhưng có chức năng, vị thế khác nhau. Xã là cấp cơ sở của quản lý hành chính nhà nước. Chính quyền xã là hình ảnh đại diện của nhà nước, của chính phủ ở cơ sở nông thôn. Chức năng, quyền hạn quản lý đó thể hiện trên phạm vi xã, do đó quyền quản lý của xã xuống tận thôn xóm, tất cả mọi ngõ, mọi nhà, mọi gia đình và cá nhân. Xã có quyền chỉ thị cho thôn, chỉ đạo thôn, ủy quyền cho thôn theo chức năng, thẩm quyền có giới hạn.

Trong khi đó thôn là một cộng đồng hoạt động tự quản, không có chức trách, thẩm quyền quản lý, không phải là một cấp hành chính, không có tư cách pháp nhân, không có con dấu. Bộ máy của xã hình thành nên theo luật tổ chức chính quyền, theo Hiến pháp và các đạo luật khác của nhà nước có liên quan.

Bộ máy đó do dân bầu nhưng theo phương thức dân chủ đại diện. Các thành viên Hội đồng nhân dân xã, những đại biểu của dân thay mặt dân bầu ra chủ tịch và các chức danh trong Ủy ban nhân dân như một cơ quan chấp hành của Hội đồng. Trong khi đó ở thôn, toàn dân thực chất là là toàn thể các chủ hộ dân trực tiếp bầu ra trưởng thôn. Đây là người cầm trịch cho hoạt động tự quản của dân, cùng với dân trong thôn tự quản lý công việc của mình. Đó là dân chủ trực tiếp. Thôn tự quản đồng thời cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ do xã ủy quyền.

Xã quản lý bằng pháp luật, chính sách, chế độ, cơ chế, có bộ máy hoàn chỉnh, có quyền và là một cấp ngân sách. Trong khi đó, trưởng thôn cùng với dân tự quản bằng hương ước như một thỏa ước tập thể, không được trái luật, phải tuân thủ luật nhưng vẫn có một “không gian quyền lực” do dân thôn cùng tự nguyện cùng cho phép, tự nguyện thực hiện.

Xã và các cấp trên xã cho phép thôn dùng Hương ước để tự quản, đồng thời cũng thông qua hương ước để quản lý thôn. Tuy nhiên Hương ước đó là phải đúng với luật pháp, không trái với những quy định của nhà nước.

Quản lý ở xã mang tính pháp lý chính thống, có cả cưỡng chế, cưỡng bức theo pháp luật, lý trí, trong khi ở thôn lại dùng thuyết phục, phân công, hợp tác, tự nguyện giao lưu, khế ước, tự nguyện giao lưu, đồng thuận theo “tập quán pháp” và “thỏa ước”.

Quản lý và tự quản trong xã - thôn và trong thôn xã không đối lập hay loại trừ nhau, không chia cắt nhau mà dựa vào nhau, hỗ trợ và thúc đẩy, chi phối lẫn nhau.

Thôn tự quản theo sợi dây liên hệ giữa các chủ thể nhân cách: cá nhân - chủ hộ - trưởng thôn - trưởng họ - theo những điều khoản của Hương ước, quy ước, đồng thời tuân thủ pháp luật. Dư luận xã hội trong cộng đồng thôn là một sức mạnh điều chỉnh của tự quản cộng đồng. Tự quản còn có sức hỗ trợ của đạo đức, kinh tế, tâm lý, lối sống.

Còn quản lý luôn quy chiếu theo quyền và nghĩa vụ do luật định, quản lý ứng xử với con người theo luật, theo các thiết chế, bộ máy, phương tiện công cụ đã có. Quản lý chặt chẽ, nghiêm minh, có hiệu lực sẽ tạo ra môi trường, điều kiện để thúc đẩy tự quản.

Tự quản hỗ trợ mạnh mẽ cho quản lý, làm giảm bớt gánh nặng và sự quá tải của quản lý.

Quản lý không thu hẹp, kìm hãm, gò bó, can thiệp vào tự quản nhưng tự quản cũng không vượt qua quản lý, không xem thường quản lý.

Quản lý kiểm soát tự quản và điều chỉnh những điều tự quản sai trái. Tự quản cung cấp cho quản lý những thông tin và kết quả để thúc đẩy quản lý tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời tự quản giám sát quản lý, tham gia vào quản lý. Đây chính là quan hệ và tập trung - dân chủ và kỷ luật, kỷ cương, là quan hệ giữa pháp luật và hương ước, quy ước, quy chế ở xã - thôn hiện nay.

Đó cũng chính là những biểu hiện chủ yếu của sự tác động qua lại giữa quản lý và tự quản, của quan hệ giữa xã và thôn, là sự thể hiện sinh động giữa hoạt động tự quản trong việc thực thi quyền lực nhà nước ở cơ sở.

Quang Trung

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tu-quan-bang-huong-uoc-nhu-mot-thoa-uoc-tap-the-khong-duoc-trai-luat-122088.html