Tứ phía bao vây, thỏa thuận Nga, Mỹ về Syria 'khó sống'?

Những thống nhất giữa hai Tổng thống Nga, Mỹ về tương lai Syria đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Theo Bloomberg, một trong những thỏa thuận chủ chốt giữa Tổng thống Nga Vladimir

Putin và người đồng cấp nước Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh Helsinki hôm 16/7, về phối hợp các bước nhằm ổn định tình hình Syria – đã bắt đầu đối mặt với các rắc rối.

Hiệp định Syria được hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ ca ngợi là sẽ giảm vai trò của Iran và đẩy mạnh các nỗ lực đưa người tị nạn quay trở lại quốc gia đã hứng chịu cuộc chiến kéo dài tới 7 năm. Tuy nhiên, sự hợp tác tiềm năng này đang không ngừng “chao đảo” sau cơn bão chỉ trích từ nội bộ Washington, liên quan tới các phát biểu của ông Trump tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh; cũng như giữa những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga và áp lực từ Israel nhằm hạn chế hơn nữa ảnh hưởng của Iran tại Syria.

Kết quả là Moscow cáo buộc Washington đã phá vỡ thỏa thuận. Hôm thứ Hai (23/7), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và một vị tướng hàng đầu Nga có chuyến công du khẩn tới Israel, Đức và Pháp, nhằm cố gắng đưa mọi việc trở lại quỹ đạo. Cho tới thời điểm hiện tại, phía Mỹ hầu như không cung cấp chi tiết về những gì đã được thảo luận tại Helsinki. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompei ngày 25/7 xác nhận những phác thảo về tình hình Syria.

Khó khăn trong việc thực hiện thỏa thuận Nga – Mỹ cho thấy những thách thức đối với nỗ lực của Điện Kremlin để kiến tạo một giải pháp tại Syria, trong đó, có thể cân bằng lợi ích của tất cả các bên, từ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đồng minh Iran cho tới Israel và Mỹ. Làn sóng chỉ trích từ Washington, bao gồm cả việc thúc đẩy Quốc hội Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với Nga – chỉ càng làm vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Hai Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin tại thượng đỉnh Helsinki (ảnh: Bloomberg)

Những lời hứa không được thực hiện

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố hôm 24/7 rằng, Mỹ đã “không thực hiện những lời hứa của chính mình” tại Helsinki về việc di chuyển các lực lượng đối lập, giúp hình thành một khu vực đệm tại biên giới giữa Syria với Israel. Còn Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Mỹ từ bỏ thỏa thuận sau khi một tư lệnh cấp cao Mỹ, Tướng Joseph Votel nói, quân đội Mỹ sẽ không hợp tác với các lực lượng Nga ngoài một đường dây nóng giảm xung đột nhằm tránh đụng độ lợi ích.

Moscow đang hy vọng dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ, trong việc kết thúc tình trạng chiến tranh trong khu vực – một điều kiện tiên quyết để đưa người tị nạn quay trở lại. Đây là một vấn đề chính trong chương trình nghị sự mà Ngoại trưởng Lavrov mang theo trong các chuyến công du nước ngoài của mình vừa qua. Điện Kremlin cũng mong chờ các chính phủ châu Âu trợ giúp quá trình tái thiết Syria, như một cách đáp trả lại những cam kết của Moscow giúp đưa người tị nạn Syria trở về quê nhà.

Liên quan tới mục tiêu thu hẹp vai trò của Iran, Nga cũng đã đề xuất một vùng đệm (100km) bên phía biên giới Syria, nơi binh lính Iran và các lực lượng đồng minh không được hiện diện. Tuy nhiên, Israel đòi hỏi sự bảo vệ nhiều hơn, bao gồm cả việc dỡ bỏ các tên lửa tầm xa của Iran khỏi Syria, và giới hạn nguồn cung cấp vũ khí. Vẫn thường xuyên thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu do Iran “chống lưng” tại Syria, Israel giờ đây bắt đầu tăng cường hành động quân sự tại khu vực.

Thiếu tướng Amos Gilad, một quan chức Quốc phòng Israel đã nghỉ hưu nhận định, Chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu hiểu rằng, bất kỳ lời hứa nào từ Nga cũng sẽ không đủ để kiềm chế Iran. “Chúng tôi cần phải giải quyết năng lực tấn công của họ bên ngoài bất kỳ khu vực đệm nào. Họ có những năng lực như thiết bị bay không người lái và tên lửa tầm xa, vì vậy chúng tôi phải có hành động đối phó tất cả những hiểm họa này”.

Nga không kiếm soát được những lợi thế của Iran tại Syria?

Theo giới chức tại Moscow, khả năng gây sức ép của Nga khiến Iran phải nhượng bộ - là có giới hạn.

Frants Klintsevich, một thành viên của Ủy ban An ninh và Quốc phòng Thượng viện Nga đánh giá, sau cuộc chiến bảy năm mà ở đó Iran đã “cống hiến” nguồn nhân lực và cả tài chính khổng lồ để ủng hộ cho Tổng thống Assad, “người Iran gần như chắc chắn sẽ không rời đi. Họ đã trả một cái giá quá cao”.

Còn Yury Barmin, một chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng các vấn đề đối ngoại Nga – một cơ quan do Điện Kremlin lập ra, phân tích, ngay cả đề xuất vùng đệm 100km cũng tỏ ra là “không thực tế”, bởi vì nhiều nhất, Iran sẽ chỉ đồng ý di chuyển các binh lính của mình, trong khi đó, vẫn để lại các cố vấn quân sự và các tay súng du kích trong khu vực. “Tại miền Nam, Iran để người của họ gia nhập các đơn vị quân đội Syria – đây là không phải là điều mà Nga có thể kiểm soát”, ông Barmin chỉ ra.

Trong khi đó, theo Nikolay Kozhanov, một chuyên gia Trung Đông khác tại Đại học châu Âu ở St. Petersburg, người từng làm việc cho cơ quan ngoại giao Nga tại Tehran từ năm 2006 – 2009, vẫn có thể đạt được một thỏa thuận, nếu Israel thừa nhận không thể hoàn toàn loại bỏ Iran ra khỏi Syria. “Còn nếu không, Iran sẽ sử dụng hỏa tiễn để tấn công các hạ tầng cơ sở của Israel, và Israel sẽ được Moscow bật đèn xanh để tiến hành thả bom trên lãnh thổ Syria”, ông Kozhanov cảnh báo.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/tu-phia-bao-vay-thoa-thuan-nga-my-ve-syria-kho-song-353553.html