Tự phát triển mạng 5G siêu tốc, Viettel không dính đến Huawei

TĐO - Hãng thông tấn Nikkei cho biết Viettel dự định sử dụng công nghệ lõi do tập đoàn tự phát triển để xây dựng mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) cũng như chuẩn bị ra mắt dịch vụ mạng không dây siêu tốc độ vào năm 2021.

Viettel tham vọng tự phát triển mạng 5G của riêng mình.

Viettel tham vọng tự phát triển mạng 5G của riêng mình.

Viettel đầu tư hàng triệu USD để phát triển chip 5G

"Viettel đã đầu tư hàng triệu USD để phát triển chip 5G và cũng đang phát triển các thiết bị có chip 5G", đại diện Tập đoàn nói với Hãng thông tấn Nikkei.

Tập đoàn này đặt mục tiêu hoàn thành thử nghiệm một phiên bản trạm phát sóng 5G trong năm nay, sau đó tiến tới thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và sản phẩm chính thức sẽ được đưa ra năm 2021.

Hiện nay, Viettel đang cung cấp dịch vụ viễn thông tốc độ cao cho khoảng một nửa dân số Việt Nam.

Những nỗ lực phát triển 5G của Viettel tập trung vào các chipset tiên tiến đặt bên trong bộ phận lõi, được thiết kế để xử lý dữ liệu từ nhiều thiết bị được kết nối với mạng.

Tuy nhiên, Nikkei nhận định, tham vọng tự phát triển các chất bán dẫn cho các mạng lõi của Viettel có thể gặp thách thức bởi nó đòi hỏi kinh nghiệm được tích lũy trong nhiều năm. Đồng thời, nó cũng cần tới vô số con chip khác nhau để xây dựng một hệ thống vững chắc.

Tuy nhiên, nếu chưa tích lũy những kỹ năng chuyên môn cần thiết, Viettel có thể chọn thiết bị do Nokia hoặc Ericsson sản xuất, tùy thuộc vào tiến trình của nó trong các thử nghiệm đang được thực hiện.

"Khi tự phát triển chip 5G, Viettel đang tiếp tục tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia và đối tác, cả trong và ngoài nước", đại diện Viettel nói với Nikkei.

Viettel quyết định phát triển và sản xuất các thiết bị mạng lõi để “đảm bảo an toàn và bảo mật của mạng viễn thông quốc gia", đại diện này cho biết. Viettel đặt mục tiêu sản xuất 80% cơ sở hạ tầng mạng viễn thông vào năm 2020.

Cuộc đua 5G của các "ông lớn" công nghệ tại thị trường Việt Nam

Trong cuộc đua này, tập đoàn viễn thông khác của Việt Nam là Vinaphone sẽ hợp tác với Nokia của Phần Lan, còn MobiFone thì hợp tác với Samsung Electronics của Hàn Quốc trong việc phát triển 5G.

Năm ngoái, Vinaphone và Nokia đã thỏa thuận cùng nhau phát triển các giải pháp 5G. Hai công ty đang thảo luận về kế hoạch xây dựng một trung tâm R&D sẽ bao gồm "internet of thing" (mạng lưới vạn vật kết nối internet) và công nghệ mạng.

Các quốc gia Đông Nam Á hiện đang đi đầu trong cuộc cạnh tranh 5G trong bối cảnh cuộc đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Lựa chọn công nghệ của phương Tây hay Trung Quốc cũng có thể tạo ra sự chia rẽ trong khu vực.

Trong khi Thái Lan, Philippines và các nước khác nghiêng về Huawei (Trung Quốc) thì Việt Nam lại chọn con đường riêng. Các tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam được cho là sẽ tự phát triển công nghệ của chính mình hoặc lựa chọn công nghệ phương Tây để ra mắt dịch vụ 5G.

Các hãng lớn như Huawei, Nokia và Ericsson vẫn sử dụng các các con chip cao cấp của Intel, Xilinx, Broadcom, Skyworks, Qorvo… để cạnh tranh trong cuộc đua 5G. Ngoài ra, Huawei cũng chi hàng tỷ USD mỗi năm để nghiên cứu và phát triển nhằm đảm bảo vị trí dẫn đầu của mình trong kỷ nguyên 5G.

Trong khi Huawei tấn công thị trường của Việt Nam với các dịch vụ linh hoạt và giá cả hải chăng, cuộc đua đang dần thay đổi sau khi các nhà cung cấp khác như Ericsson và Nokia thay đổi chiến lược giá của họ cho các đối tác Việt Nam.

Tuy nhiên, Nikkei cho rằng, Huawei vẫn có nhiều tiềm năng trong việc cung cấp một số loại thiết bị cho dịch vụ 5G tại Việt Nam.

Về vấn đề này, Giám đốc điều hành Huawei tại thị trường Việt Nam cho rằng họ không thể bị đánh bại về chất lượng hay giá tại đây. Huawei sẽ cung cấp công nghệ và những giải pháp tốt hơn, cùng với việc hỗ trợ tài chính cho các nhà khai thác Việt Nam triển khai 5G.

Theo Nikkei

An Nhi

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tu-phat-trien-mang-5g-sieu-toc-viettel-khong-dinh-den-huawei-75197.html