Tư pháp Thủ đô năm 2019: Tham mưu hiệu quả trong giải quyết vấn đề pháp lý phát sinh

Năm 2019, ngành Tư pháp Thủ đô từ TP đến cơ sở tiếp tục phát huy và làm tốt vai trò tham mưu trong giải quyết những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong hoạt động quản lý điều hành của TP. Tham mưu có hiệu quả, chất lượng, được chính quyền TP, cơ sở ghi nhận và đánh giá cao.

Cơ quan “gác cửa” tin cậy của hệ thống văn bản pháp luật

Báo cáo công tác Tư pháp năm 2019 cho thấy, cùng với các Sở, ngành, cơ quan Tư pháp đã làm tốt công tác tham mưu cho TP xây dựng, ban hành văn bản nhằm hoàn thiện hệ thống VBQPPL.

Sở Tư pháp đã tham mưu góp ý, thẩm định hơn 250 văn bản theo yêu cầu của các Bộ, ngành Trung ương, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và của HĐND, UBND TP. Các ý kiến góp ý xây dựng pháp luật của TP với Trung ương có giá trị thực tiễn, góp phần tích cực hoàn thiện pháp luật.

Việc xây dựng VBQPPL của HĐND, UBND TP được đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định, nội dung văn bản phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn của địa phương. Trong năm, Hà Nội đã ban hành 47 VBQPPL (gồm 18 Nghị quyết của HĐND, 29 Quyết định của UBND). Các VBQPPL trước khi ban hành đều được Sở Tư pháp thẩm định, đóng góp ý kiến đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL. Trên cơ sở ý kiến góp ý của cơ quan Tư pháp đã giúp cho văn bản của TP được ban hành đúng quy trình, hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với quy định của hệ thống pháp luật và có tính khả thi ngày càng cao, phục vụ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường.

Cùng với TP, công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL tại các quận, huyện, thị xã thường xuyên được đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra. Các VBQPPL của cấp huyện đều được tổ chức góp ý, thẩm định, đảm bảo quy trình xây dựng theo quy định trước khi trình HĐND và UBND cùng cấp ban hành. Chất lượng ban hành VBQPPL ngày càng được nâng cao, đảm bảo thống nhất với hệ thống VBQPPL của TP và Trung ương.

Việc kiểm tra, xử lý VBQPPL cũng được Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan thực hiện thường xuyên, liên tục, theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Qua đó đã kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật của các VBQPPL và văn bản chứa QPPL do cơ quan, cá nhân ban hành để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong năm, đoàn kiểm tra liên ngành về công tác VBQPPL của TP đã tổ chức kiểm tra tại 6 quận, huyện, thị xã: Thanh Trì, Sơn Tây, Hoàn Kiếm, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm; đã thu thập 118 văn bản QPPL, 254 văn bản hành chính để thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đã đánh giá được thực trạng về công tác ban hành, kiểm tra văn bản của các quận, huyện, chỉ ra những thiếu sót, kiến nghị Thường trực HĐND, UBND cấp huyện xử lý theo thẩm quyền đối với những sai sót được chỉ ra, khắc phục những thiếu sót trong công tác ban hành văn bản.

Năm 2019, thực hiện Quyết định số 1103/QĐ-UBND về Hệ thống VBQPPL thống nhất trên địa bàn TP nhiệm kỳ 2014-2018, Sở Tư pháp đã tiến hành tập hợp và rà soát VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các ngành. Sau khi tiến hành rà soát về căn cứ pháp lý, đã xác định trong tổng số 399 văn bản còn hiệu lực thi hành cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế 58 văn bản cho phù hợp với VBQPPL của cơ quan cấp trên, đặc biệt là các văn bản liên quan đến thẩm quyền ban hành, có nội dung thay đổi và cần bãi bỏ 35 Quyết định. Nhằm đảm bảo sự đồng bộ với các Luật, Bộ luật đã được ban hành, Sở Tư pháp cũng đã rà soát, tổng hợp báo cáo từ các Sở, ngành về việc xây dựng các VBQPPL thuộc thẩm quyền của TP để thi hành các Luật, Nghị định có hiệu lực năm 2019…

Cũng trong năm 2019, UBND TP giao Sở Tư pháp tham mưu xây dựng báo cáo tổng kết của TP, gồm: Tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tổng kết Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, UBND TP đã xây dựng, trình Thành ủy ban hành các Báo cáo tổng kết theo đúng yêu cầu của Trung ương. Các báo cáo của Hà Nội được đánh giá cao, thể hiện quá trình triển khai thực hiện và kết quả thực hiện tại Hà Nội, là cơ sở để các cơ quan Trung ương tổng hợp, đánh giá.

Báo cáo công tác tư pháp Hà Nội năm 2019 cho thấy: Một trong những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Tư pháp Thủ đô trong năm 2019 là đã đưa ra đề xuất sửa đổi các VBQPPL quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô, sửa đổi Luật Thủ đô.

Báo cáo công tác tư pháp Hà Nội năm 2019 cho thấy: Một trong những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Tư pháp Thủ đô trong năm 2019 là đã đưa ra đề xuất sửa đổi các VBQPPL quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô, sửa đổi Luật Thủ đô.

Hoàn thiện hệ thống VBQPPL của TP

Phát huy kết quả đạt được, năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định 34/2016/NĐ-CP; Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự thảo, xây dựng VBQPPL của HĐND, UBND TP. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng hệ thống VBQPPL của TP để thực thi Hiến pháp 2013, Luật Thủ đô và đảm bảo sự đồng bộ với các Luật, Bộ Luật mới ban hành, có hiệu lực năm 2020.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát các văn bản do HĐND, UBND TP ban hành nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời xử lý. Rà soát, trình Chính phủ, Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, việc triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị của TP. TP cũng sẽ chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, rà soát thường xuyên, theo chuyên đề, lĩnh vực và công tác hệ thống hóa văn bản QPPL; Chú trọng triển khai những biện pháp đôn đốc, theo dõi việc xử lý văn bản sau kiểm tra.

Tiếp tục kiện toàn, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL; tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL cho đội ngũ cán bộ Tư pháp, cán bộ pháp chế.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-phap-thu-do-nam-2019-tham-muu-hieu-qua-trong-giai-quyet-van-de-phap-ly-phat-sinh-175130.html