Tư pháp Thủ đô năm 2019: Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính là khâu đột phá

'Xây dựng, hoàn thể thể chế, cải cách hành chính tiếp tục được xác định là nhiệm vụ quan trọng của Tư pháp Thủ đô trong năm 2019, là khâu đột phá giúp cho bộ máy chính quyền thành phố vận hành hiệu quả hơn, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp' – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2019 diễn ra chiều 15-1.

Tham mưu xây dựng văn bản phải thực tế, hiệu quả

Để triển khai nhiệm vụ công tác này, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn yêu cầu Sở Tư pháp TP Hà Nội phối hợp cùng các Sở, ngành kịp thời tham mưu HĐND, UBND TP thực hiện tốt công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thông văn bản quy phạm pháp luật của TP. Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

“VBQPPL của TP được ban hành phải có tính khả thi cao. Việc tham mưu xây dựng văn bản phải thực tế, hiệu quả. Đặc biệt phải giải quyết được những yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của TP, giải tỏa được những điểm nóng, những vấn đề dân sinh bức xúc. Tạo động lực cho việc đẩy mạnh quản lý nhà nước băng pháp luật của chính quyền TP; đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Thủ đô”, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đặt ra yêu cầu đối với ngành Tư pháp Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn: "Xây dựng, hoàn thể thể chế, cải cách hành chính là khâu đột phá giúp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp"

Trong bối cảnh Hà Nội đang tập trung cao cho việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình Chính quyền đô thị, đại diện lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành làm tốt vai trò tham mưu giúp TP trong việc hoàn thiện Đề án.

Thực hiện việc rà soát, sửa đổi các quy định của Thành phố sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo dõi quá trình triên khai thực hiện chính sách pháp luật nói chung và các cơ chế đặc thù theo Đê án nói riêng. Qua đó, tham mưu TP có những điều chỉnh kịp thời trong hoàn thiện chính sách, pháp luật và hoạt động chỉ đạo, điều hành mọi mặt đời sống bằng pháp luật.

“Bứt phá” trong năm 2019

Công tác tham mưu các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và trong chỉ đạo điều hành của TP cũng là nội dung được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đặc biệt lưu ý đối với ngành Tư pháp Thủ đô. “Phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Điều này đặt ra vấn đề với Tư pháp Thủ đô là làm sao để bứt phá trong năm 2019”.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Sở Tư pháp cần chủ động tham mưu với Bộ Tư pháp, với các cấp chính quyền của TP về những vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Trong đó đặc biệt chú trọng phản ứng chính sách. Kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc của người dân doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của TP, đáp ứng yêu cầu của nười dân, doanh nghiệp.

“Công tác tham mưu góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đã được nâng lên nhưng cũng còn những văn bản còn có sự băn khoăn. Chúng ta phải tự đặt dấu hỏi cho mình là đã tham mưu kịp thời chưa? Kiên quyết chưa? Có nêu ra không? Vai Tư pháp phản biện rất quan trọng. Những vấn đề dư luận đặt ra chúng ta phải xem xét lại”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nói.

Đại diện Ban Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nhận Cờ đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua năm 2018.

Nhận định Đề án thí điểm quản lý theo mô hình Chính quyền đô thị của Hà Nội là một Đề án lớn, có tính chất chính trị pháp lý quan trọng, tuy nhiên Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng lưu ý “để áp dụng được các mô hình đó thì thể chế pháp luật thế nào, trái ở đâu thì chính là cơ quan Tư pháp, Sở Tư pháp phải chỉ ra cho Thành ủy, HĐND, UBND điểm đó”

Theo Thứ trưởng, “vai trò của Tư pháp trong lập luận như thế nào để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan trọng. Sở Tư pháp các cơ quan Tư pháp cần tập trung vào vấn đề này không những để phục vụ việc thông qua mà còn để triển khai nếu Đề án được thông qua”.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đánh giá công tác Tư pháp của TP Hà Nội trong năm 2018 đã có sự nổi trội rõ rệt so với năm 2017, được Bộ Tư pháp xếp hạng tốp cao – hạng A.

Năm 2018, Sở Tư pháp đã góp ý, thẩm định 330 văn bản do các cơ quan T.Ư và TP lấy ý kiến; đã thẩm định, tham mưu UBND TP ban hành 28 Quyết định, trình HĐND TP ban hành 15 Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Nhìn chung, các ý kiến thẩm định, góp ý của Sở có chất lượng tốt, đúng luật và có tính thực tiễn, đã được các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu. Chất lượng công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL tại các quận, huyện, thị xã cơ bản đạt yêu cầu. Trong năm, cấp huyện đã ban hành 58 VBQPPL, đảm bảo chất lượng, tính thống nhất trong hệ thống VBQPPL giữa cấp huyện với TP và T.Ư.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-phap-thu-do-nam-2019-hoan-thien-the-che-cai-cach-hanh-chinh-la-khau-dot-pha-134214.html