'Tư pháp cần tiếp tục làm tốt vai trò 'gác gôn' hệ thống pháp luật'

'Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục làm tốt vai trò 'gác gôn' để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật'. Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2020 ngày 24-12.

Chú trọng công tác thẩm định, góp ý VBQPPL

Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng: Tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh..., năm 2020 cũng là năm bắt đầu vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021...

Đối với công tác Tư pháp, sẽ tiếp tục tham mưu tổng kết các nghị quyết quan trọng của Đảng về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp như các Nghị quyết số 48 và 49. Đây cũng là năm ngành Tư pháp chúng ta kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp.

“Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu mới, thách thức mới cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là rất nặng nề”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của ngành Tư pháp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và những đóng góp âm thầm của Bộ, ngành Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của ngành Tư pháp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và những đóng góp âm thầm của Bộ, ngành Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế - xã hội bằng pháp luật.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần đảm bảo việc hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên và khai thác những lợi thế từ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hạn chế những tác động tiêu cực thông qua việc xây dựng các biện pháp phòng vệ, hàng rào pháp lý. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương.

“Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các đồng chí cần phải tiếp tục làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Trong quá trình xây dựng chính sách, cụ thể hóa chính sách cần phải nghiên cứu kỹ các nghị quyết của Đảng để đề xuất, cụ thể hóa thành chính sách pháp luật, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cần có giải pháp truyền thông mạnh mẽ các chính sách mới, dự kiến ban hành để đồng bảo cử tri, doanh nghiệp hiểu, tham gia xây dựng chính sách, bảo đảm tính khả thi của quy phạm.

Chú trọng hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tinh chỉnh hệ thống pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất, minh bạch và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ pháp luật.

"Công tác Tư pháp không phải của riêng ngành Tư pháp"

Cùng với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng lưu ý Bộ Tư pháp cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực này; tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế.

Chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những chuyển biến rất nhanh của tình hình thực tiễn trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhấn mạnh công tác Tư pháp không phải của riêng ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tham gia tích cực vào triển khai các nhiệm vụ công tác của Bộ, ngành, địa phương mình. Còn với các cán bộ tư pháp, Phó Thủ tướng nhắn nhủ mỗi cán bộ phải tự mình phấn đấu vươn lên, hoàn thiện mình, phải có chí tiến thủ, có lý tưởng, ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng bày tỏ sự tin tưởng với sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cùng với truyền thống vẻ vang của ngành Tư pháp, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp sẽ cố gắng hết mình, chung sức, đồng lòng để hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân tin tưởng giao phó.

"Tư pháp cố gắng không ngừng nghỉ và đóng góp âm thầm vào phát triển kinh tế xã hội"

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của ngành Tư pháp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và những đóng góp âm thầm của Bộ, ngành Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, TAND tối cao cũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2019 cũng như sự phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo các bộ, ngành về dự Hội nghị

Báo cáo tổng kết công tác Tư pháp 2019 cho biết, ngay từ đầu năm, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát phương châm của Chính phủ là“Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” trong công tác chỉ đạo, điều hành; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019, triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Công tác chỉ đạo điều hành của toàn Ngành được thực hiện quyết liệt, thống nhất, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Đã hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong năm.

Việc tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư (Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chỉ thị số 32-CT/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW, Chỉ thị số 39-CT/TW), sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013 được thực hiện khẩn trương, đồng bộ.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh. Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện. Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao.

Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định VBQPPL ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác THADS đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trong công tác PBGDPL.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-phap-can-tiep-tuc-lam-tot-vai-tro-gac-gon-he-thong-phap-luat-174726.html