Từ phán xét Công Phượng đến nỗi khổ tâm của bóng đá Việt Nam

Bốn năm thi đấu bóng đá chuyên nghiệp, Công Phượng chưa bao giờ thoát được số phận chênh vênh trên lằn ranh 'yêu - ghét' mong manh của người hâm mộ.

Giới bóng đá có câu: "Không gì mong manh bằng khoảng cách giữa người hùng và tội đồ". Thể thao được định đoạt bằng những khoảnh khắc, và dù khoảnh khắc không góp phần định hình con người, thì một phút, thậm chí một giây sai lầm có thể biến cầu thủ trở thành tâm điểm chỉ trích.

Với bóng đá Việt Nam, Công Phượng là trường hợp vô cùng đặc biệt. Từ sau thời của Văn Quyến, Công Vinh, khán giả mới được chứng kiến một cái tên đáng chú ý và gây tranh cãi như thế. Nhưng khác với bậc đàn anh, Công Phượng không chỉ bị đẩy đến lằn ranh "người hùng - tội đồ". Cầu thủ xứ Nghệ phải sống trên lằn ranh ấy và thở trên từng nhịp thở thất thường của dư luận xã hội.

Công Phượng luôn sống trên lằn ranh yêu - ghét của người hâm mộ.

Sự bấp bênh của Công Phượng không đến từ phong độ, mà đến từ cách nhìn nhận, đánh giá bất định của người hâm mộ. Sau hai lần đá hỏng phạt đền trong trận gặp Olympic Pakistan, Công Phượng là tội đồ, dẫu có một bàn thắng, một kiến tạo và đóng góp tích cực vào lối chơi. Sau bàn thắng quyết định vào lưới Olympic Bahrain, Công Phượng lại được "tâng" lên tầm người hùng, dù pha lập công ấy chỉ là hệ quả của sức ép dồn dập mà Olympic Việt Nam tạo ra.

Công bằng mà nói, cú sút tung lưới Ahmed không đạt độ hoa mỹ như những bàn thắng Phượng từng ghi được trước đây, trong đó có những pha đi bóng độc diễn qua cả hàng thủ từng làm nức lòng khán giả.

Bốn năm qua, Công Phượng ghi 29 bàn cho các cấp độ đội tuyển Việt Nam, từ U19, U22, U23, tuyển Việt Nam hay hiện giờ là Olympic Việt Nam.

Con số không tồi, nếu không muốn nói là tốt nhất trong các chân sút trẻ tuổi hiện tại. Sự ghi nhận của công chúng dành cho tiền đạo của HAGL là có thật, nhưng đó không phải sự ghi nhận kiên định và dễ dàng sụp đổ trước bão giông, đặc biệt sau biến cố trước Olympic Pakistan và hai trận dự bị trước Olympic Nepal, Olympic Nhật Bản.

Dù như đã nói, xét về khía cạnh thành tích, không ai hay hơn cầu thủ người Đô Lương. Không ai cả. Và cũng không ai từng nhận nhiều chỉ trích, đả kích như anh.

Công Phượng đã được ghi nhận đúng với khả năng?

Một cầu thủ U22 Việt Nam kể lại, trước trận gặp U22 Thái Lan ở lượt cuối vòng bảng SEA Games 29, Hồ Tuấn Tài là người được giao nhiệm vụ đá phạt đền. Nhưng Công Phượng đã nhận, bởi "nếu sút hỏng thì không sao cả, vì người ta cũng chửi mình quen rồi".

Công Phượng ý thức được sức ép và bốn năm qua, số 9 của Olympic Việt Nam đã âm thầm chịu đựng, rèn luyện. Hôm nay, ở tuổi 23, Công Phượng nhìn già dặn, chín chắn hơn, song có một thứ không hề thay đổi: Phượng vẫn luôn sống trên lằn ranh yêu - ghét mà không cầu thủ nào muốn đối diện.

Giá trị thật sự của Công Phượng được thể hiện ở lòng tin của các HLV trưởng. Từ Guillaume Graechen, Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Quốc Tuấn, Dương Minh Ninh đến Park Hang Seo, tất cả đều coi Công Phượng là quân bài không thể thay thế, dù là "chủ bài" với vị trí đá chính hay "quân bài chiến lược" trên ghế dự bị. Phượng luôn có những đóng góp rất cụ thể, và nói như thầy Park thì "khi cần khoảnh khắc quyết định, tôi tung Công Phượng vào sân".

Sự ghi nhận của các chiến lược gia và vòng tay che chở của các đồng đội là động lực để Công Phượng đi được đến ngày hôm nay, bởi nếu thuận theo dư luận, bông phượng rực rỡ ở xứ Pleiku có lẽ đã tàn lụi từ lâu.

Câu chuyện của Công Phượng không chỉ mang tính cá biệt. "Hiệu ứng Công Phượng" còn là một triệu chứng của bóng đá Việt Nam. Cách đây tròn một năm, U22 Việt Nam bị loại cay đắng ở vòng bảng SEA Games, bốn tiếng trước khi tuyển nữ Việt Nam vùi dập Malaysia 6-0 để đoạt tấm huy chương vàng. Nhiều người đề nghị bỏ bóng đá nam, đầu tư cho bóng đá nữ. Nặng nề hơn, độc giả mỉa mai tuyển nam khi yêu cầu để bóng đá nữ... thay bóng đá nam đi dự SEA Games.

Tuyển nữ Việt Nam thua đáng tiếc ở ASIAD

Phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử. Thành công của Olympic Việt Nam hôm nay, tính đến thời điểm này, giúp Quang Hải một bước đi từ vực sâu lên tận mây xanh, song ai dám khẳng định toàn đội sẽ không trở lại vực sâu một lần nữa nếu gặp thất bại. Dư luận là "quan tòa" nghiêm minh, song cũng đầy ắp cảm tính. Đi lên từ trong thất bại, Olympic Việt Nam hay U23 Việt Nam càng phải trân quý những giờ phút thành công. Bởi hãy nhìn xem...

Tuyển nữ từ chỗ là "những cô gái vàng", giờ bị một bộ phận chỉ trích và nhiều khả năng ra về "không kèn không trống" sau thất bại trên chấm luân lưu trước Đài Loan. Ranh giới giữa người hùng và tội đồ và "tấm gương" của Công Phượng chưa bao giờ phổ biến và hiện lên ám ảnh đến thế.

Giới bóng đá còn có một câu nữa: "Nếu không thể ở bên chúng tôi khi thất bại, đừng ở bên khi chúng tôi thành công". Nỗi khổ tâm ấy, có ai thấu hiểu hay không?

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tu-phan-xet-cong-phuong-den-noi-kho-tam-cua-bong-da-viet-nam-d422518.html