Từ phản ứng 'nhạt nhẽo' đến lập trường cứng rắn hơn - Indonesia tính toán gì ở Biển Đông?

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Indonesia phản đối 'đường 9 đoạn', song công hàm cho thấy sự thay đổi thái độ của Jakarta đối với phán quyết của tòa trọng tài...

Indonesia không phải là nước tranh chấp ở Biển Đông song có lợi từ phán quyết của tòa Trọng tài. Ảnh chụp Tổng thống Joko Widodo trong chuyến thăm căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna, giáp Biển Đông. (Nguồn: AFP)

Tháng 6/2020, 4 năm sau phán quyết của tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Indonesia đã đệ trình một công hàm chính thức lên Liên hợp quốc (LHQ) để phản đối những tuyên bố và đòi hỏi của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này. Công hàm có đoạn khẳng định: “Indonesia không bị ràng buộc bởi bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào vi phạm luật lệ quốc tế”.

Động thái này tiếp nối việc Malaysia hồi năm 2019 nộp đệ trình về thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của LHQ, trong đó phản đối những tuyên bố hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông, bao gồm khu vực mà Trung Quốc gọi là “đường 9 đoạn”.

Sự thay đổi thay độ

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Indonesia phản đối "đường 9 đoạn”, song công hàm này cho thấy sự thay đổi thái độ của Jakarta đối với phán quyết của tòa trọng tài. Năm 2016, Indonesia không tích cực thừa nhận, cũng không phản đối phán quyết này mà lựa chọn cách phản ứng trung lập.

Thế nhưng, giờ đây, Jakarta lại đang chọn cách công khai thúc đẩy những lợi ích của mình. Trước hết, Indonesia đã công khai phản đối tuyên bố "đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Thứ hai, Indonesia khẳng định rằng nước này không chấp nhận bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào đi ngược lại luật lệ quốc tế vốn có thể ảnh hưởng đến những lợi ích của Indonesia.

Thực ra, 4 năm sau phán quyết, các tranh chấp của Indonesia với Trung Quốc ở Biển Đông vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu phán quyết này có đem lại bất kỳ ý nghĩa nào đối với Indonesia hay không?

Phán quyết của tòa trọng tài nói trên không gây ra bất kỳ tác động pháp lý trước mắt nào đối với Indonesia. Indonesia cũng không phải là một nước có tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, phán quyết này không mang tính ràng buộc, và về mặt lý thuyết, phán quyết này chỉ ràng buộc Philippines và Trung Quốc là các bên của tòa.

Thế nhưng, lợi ích của Indonesia ở Biển Đông vẫn giữ nguyên - nước này tìm cách duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông cũng như một khu vực rộng lớn hơn. Indonesia vẫn nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết tranh chấp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế.

Phán quyết nói trên đã làm mới mối quan tâm hàng đầu của Indonesia là đảm bảo vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Điều này đã tác động đến cách thức phản ứng cứng rắn hơn đối với tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ở Biển Bắc Natuna.

Căng thẳng thường xảy ra tại khu vực chồng lấn giữa EEZ hợp pháp của Indonesia và "đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Ví dụ, tháng 1/2020, tàu cá Trung Quốc đã đi vào EEZ của Indonesia ở Biển Bắc Natuna, Jakarta đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh đồng thời tăng cường các hoạt động tuần tra ở Biển Bắc Natuna để chứng tỏ quan điểm cứng rắn đối với tuyên bố của quyền của mình.

Có thể làm được nhiều hơn

Do đó, liên quan đến vấn đề này, phán quyết của tòa trọng tài có lợi cho Indonesia vì phán quyết này quy định rằng "đường 9 đoạn” là phi pháp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Phán quyết này tái khẳng định chính sách của Indonesia về thực thi chủ quyền lãnh thổ đối với EEZ của mình trong mọi sự cố với Trung Quốc ở Biển Bắc Natuna.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Jakara đã thể hiện phản ứng nhạt nhẽo đối với phán quyết của tòa. Họ cho rằng Indonesia có thể làm được nhiều hơn nữa trong cách thức hưởng ứng phán quyết này bằng cách thúc đẩy phán quyết này được chính thức đưa vào các tuyên bố chính sách đối ngoại của Indonesia hoặc các tuyên bố chính sách đối ngoại liên quan Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bộ Ngoại giao Indonesia đã sử dụng những từ ngữ tương đối trung lập để nói về quan điểm của Jakarta về phán quyết này. Indonesia kêu gọi tất cả các bên tìm cách kiềm chế, tránh những hành động gây leo thang căng thẳng và tránh để xảy ra những hành động quân sự đe dọa hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Indonesia kêu gọi tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông theo luật lệ quốc tế.

Trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây căng thẳng với các nước Đông Nam Á khác ở Biển Đông, Indonesia lẽ ra đã có thể sử dụng đà thắng lợi của phán quyết này để xây dựng một chương trình nghị sự mang tính hợp tác với các nước láng giềng.

Indonesia, Malaysia và Việt Nam đều có chung một mối đe dọa đối với an ninh hàng hải của mình và đều phản đối "đường 9 đoạn”. Ba nước có thể sử dụng nền tảng chung này để tạo dựng hợp tác về chia sẻ thông tin về những mối đe dọa an ninh đang nổi đồng thời duy trì các cuộc tuần tra hàng hải phối hợp trong khu vực.

Mặc dù Indonesia không phải là một bên tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông, song nước này có lợi từ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế nói trên. Indonesia đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực khi hợp tác với các nước Đông Nam Á khác để duy trì hòa bình và ổn định. Jakarta cũng cần khám phá những lĩnh vực hợp tác với các nước có cùng quan điểm đối với UNCLOS và phạm vi áp dụng của công ước này trong khu vực.

(theo East Asia Forum)

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-phan-ung-nhat-nheo-den-lap-truong-cung-ran-hon-indonesia-tinh-toan-gi-o-bien-dong-118414.html