Từ Ole Gunnar Solskjaer đến David De Gea: Liệu yêu thương người cũ có phải là điều tốt?

Người cũ, hay những người đã và đang đóng góp vào thành công chung của một đội bóng, luôn xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Tuy nhiên, dành sự tôn trọng không có nghĩa là phải gắn bó với những người cũ đó mãi mãi như Man United.

Từ trường hợp của Ole Gunnar Solskjaer

Man United mùa giải 2018-2019 là một ví dụ rõ nét cho việc gia hạn vội vàng với một người có thể khiến đội chủ sân Old Trafford tự hủy nhanh chóng như thế nào.

Còn nhớ, ở mùa giải đó, Man United vừa chia tay Jose Mourinho vì những bất đồng với các cầu thủ, đặc biệt là Paul Pogba. Người được chọn thay thế HLV người Bồ Đào Nha khi đó là một cái tên đã quá quen thuộc với NHM Man United trong quá khứ, đó là Ole Gunnar Solskjaer, tác giả bàn thắng huyền thoại vào lưới Bayern Munich ở chung kết Champions League mùa giải 1998-1999.

Sau khi bổ nhiệm Ole Gunnar Solskjaer, đúng là thành tích của Man United tiến bộ lên thấy rõ. Đầu tiên, ở đấu trường quốc nội, họ đạt được chuỗi trận bất bại lên tới 12 trận ở Premier League, sau đó là thành tích lọt vào tứ kết FA Cup. Còn ở đấu trường Châu Âu, “Quỷ Đỏ” vượt qua Paris Saint Germain bằng tinh thần quả cảm và thứ mà người ta vẫn hay gọi là “Ngọn lửa tinh thần của Sir Alex Ferguson”. Kể từ giây phút đó, BLĐ Man United cho rằng đây chính là người thích hợp nhất để lèo lái con thuyền Man United tới bến bờ chiến thắng. Vì vậy, một bản hợp đồng chính thức được đặt lên bàn làm việc của HLV người Na Uy.

Không thể nói rằng HLV người Na Uy đã có một nhiệm kỳ tệ hại. Bằng chứng là Man United của ông đã từng có những thành tích đáng kể như lọt vào bán kết UEFA Europa League ở mùa giải 2019-2020, một mùa giải đặc biệt khi mà bóng đá Châu Âu phải thi đấu tới tận cuối tháng 8 vì đại dịch COVID-19 hoành hành. Hay ở mùa giải 2020-2021, nửa đỏ thành Manchester đã có lúc vượt lên ngôi đầu bảng ở giai đoạn đầu năm 2021, thậm chí lọt vào trận chung kết UEFA Europa League mùa giải đó và chỉ chịu thua trên chấm phạt đền. Tuy nhiên, có những cái mà HLV người Na Uy không làm được, thậm chí làm rất tệ, những thứ sau đó vẫn còn tồn đọng cho đến tận thời Erik Ten Hag.

Đầu tiên, đó là việc định hình một lối chơi cho Man United. Dưới triều đại Ole Gunnar Solskjaer, các cầu thủ đã được trao rất nhiều sự tự do để có thể trổ hết tài nghệ của mình trên sân. Nghe qua thì có vẻ như đây là một phương án hợp lý, một phần vì điều này sẽ giúp các cầu thủ có được sự thoải mái về mặt tâm lý trên sân. Nhưng về lâu dài, chính lối bóng đá “tự do, phóng khoáng” này của HLV người Na Uy đã khiến cho các cầu thủ của ông không thể định hình được lối chơi, cách vận hành của mình, để rồi khi các cầu thủ không có được phong độ tốt nhất, cả hệ thống của Man United gần như sụp đổ.

Tiếp theo, nhưng rất quan trọng, đó là dưới thời HLV người Na Uy, Man United đã quá quen với lối chơi phòng ngự phản công, một lối chơi có phần tiêu cực trong bóng đá, vì vậy, khi Man United dần chuyển sang một lối đá thiên về tấn công, thiên về kiểm soát bóng nhiều hơn dưới thời Erik Ten Hag, Man United đã gặp phải rất nhiều vấn đề trong cách vận hành của mình, và phải tới đầu năm nay, những vấn đề còn tồn đọng đó mới phần nào được giải quyết dưới bàn tay của HLV Erik Ten Hag.

Đến trường hợp của David De Gea mùa này

Trong một bài viết của mình cho trang tin The Athletic, tác giả Carl Anka, một người chuyên viết về Man United và từng cộng tác với Marcus Rashford cho cuốn sách dành cho trẻ em “You“re A Champions” - (Bạn là nhà vô địch-ND), đã đặt ra một câu hỏi có thể khiến NHM Man United cảm thấy khó chịu: “Man United có nên gia hạn với De Gea sau khi thủ môn này dành giải Găng tay Vàng của mùa giải ?”.

Có một vài lý do để Carl Anka cho rằng Man United không nên gia hạn với De Gea, cụ thể, trong bài viết của mình, anh cho rằng kể từ khi giải thưởng này được sáng lập ở mùa giải 2004-2005, danh hiệu Găng tay Vàng luôn được đánh giá bằng số trận sạch lưới, một thước đo đương nhiên phải có với vị trí thủ môn. Tuy nhiên, ở thời bóng đá hiện đại, mọi thứ đã rất khác. Thủ môn bây giờ phải làm rất nhiều nhiệm vụ, từ phát động tấn công, xử lý bóng bằng chân, thậm chí, khi cần, trở thành một “hậu vệ thứ 5” như trường hợp của Manuel Neuer, vì vậy, việc De Gea được trao giải lần này có phần nào đó chưa thực sự đúng với năng lực của anh.

Một người khác cũng đồng ý với Carl Anka, đó là thủ môn của Ajax, Remko Pasveer, người từng có quãng thời gian làm việc với Erik Ten Hag khi ông dẫn dắt Ajax Amsterdam. Cụ thể, anh chia sẻ với The Athletic: “Với ông ấy, thủ môn chính là vị trí trọng yếu nhất ở các pha dàn xếp tấn công, kể cả khi vị trí này chịu khá nhiều sức ép”. Cũng theo Anka, Ten Hag có thể nói rất nhiều “lời có cánh” về De Gea trước báo giới, nhưng rõ ràng, HLV người Hà Lan hiểu rõ những hạn chế của thủ môn người Tây Ban Nha ở các pha dàn xếp, vì vậy, giải pháp tạm thời của ông đó là để De Gea thực hiện các “phất dài” lên tuyến trên.

Tuy nhiên, cũng theo Carl Anka, với một HLV có khả năng cân bằng giữa “cái mình muốn” và “cái mình có” như Erik Ten Hag, nếu ông có thể tìm ra những sự bổ sung hợp lý ở mùa này, HLV người Hà Lan hoàn toàn có thể sử dụng De Gea ở mùa sau. Tuy nhiên, thủ môn người Tây Ban Nha cũng phải nhanh chóng thay đổi bản thân, đặc biệt là ở khâu phát động tấn công nếu muốn ở lại đội bóng mà anh đã gắn bó 12 năm lâu dài.

Chung thủy rất tốt, nhưng thay đổi sẽ tốt hơn

Gắn bó với người cũ hay những người đã và đang đóng góp cho đội bóng là một điều tốt, tuy nhiên, trong một số trường hợp như Man United, việc gắn bó với quá nhiều sự giá trị cũ, con người cũ, đã không ít lần khiến nửa đỏ thành Manchester gặp khó ở những mùa giải đã qua. Một trong số đó, như lời HLV tạm quyền ở mùa giải 2021-2022, Ralf Rangnick, đã chỉ ra, đó là nó khiến cho Man United bị “chậm trễ so với Liverpool tới 6 năm trời".

Cristiano Ronaldo, một người cũng từng yêu Man United bằng cả trái tim, cũng phải nói rằng Man United vẫn chưa thể phát triển được như anh muốn. Thậm chí, theo anh, sau hơn 13 năm rời khỏi Man United, CR7 cảm thấy ngạc nhiên vì Man United vẫn không thay đổi nhiều so với khi anh rời khỏi đây ở mùa giải 2008-2009, từ mặt con người cho đến cơ sở vật chất. Trong khi đó, theo tiền đạo người Bồ Đào Nha, những đội bóng như Juventus, Real Madrid luôn làm mới mình sau mỗi mùa giải dù đây đều là những đội bóng có truyền thống lâu đời trong lịch sử bóng đá Châu Âu.

Có lẽ, sau mùa giải này, NHM và BLĐ Man United sẽ phải đánh giá lại đội bóng của mình, đặc biệt là ở khâu nhân sự. Có như thế, HLV Erik Ten Hag mới có thể xây dựng được đội hình, lối chơi theo ý của mình, dù điều này có thể khiến Man United gặp khó khăn trong một vài mùa giải như Liverpool, đội bóng cũng từng trải qua những mùa giải không mấy thành công với Jurgen Klopp trước khi đạt được danh hiệu Champions League ở mùa giải 2018-2019 và danh hiệu Premier League ở mùa giải 2019-2020 sau đó.

KDNX

Nguồn ảnh: Internet.

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-thao/tu-ole-gunnar-solskjaer-den-david-de-gea-lieu-yeu-thuong-nguoi-cu-co-phai-la-dieu-tot/27595.htm