Từ Ninh Bình thúc đẩy ngành du lịch bứt phá

Với chủ đề 'Hoa Lư - Cố đô ngàn năm', Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 dự kiến tổ chức 20h00 ngày 20/4/2021, tại khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Các đồng chí chủ trì buổi Họp báo.

Các đồng chí chủ trì buổi Họp báo.

Chương trình Lễ khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Lễ khai mạc là sự kiện mở đầu các chuỗi sự kiện, hoạt động của Năm Du lịch quốc gia nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên và sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch của cả nước sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Dự kiến Lễ mai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 sẽ thu hút được khoảng 2.000 đến 3.000 khách tham dự.

Đó là thông tin tại buổi họp báo Năm Du lịch quốc gia 2021- Hoa Lư, Ninh Bình diễn ra sáng 6/4, tại Ninh Bình.

Các đồng chí: Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch chủ trì buổi Họp báo.

Theo đồng chí Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, các sự kiện trong Năm Du lịch quốc gia 2021- Hoa Lư, Ninh Bình sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Tỉnh Ninh Bình - địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia sẽ chủ trì 38 hoạt động (trong đó có 11 hoạt động trọng tâm và 27 hoạt động khác). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì 4 hoạt động. 104 sự kiện do 27 tỉnh, thành phố tổ chức chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2021 gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Cần Thơ, Cà Mau.

Thông tin tại buổi Họp báo, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, Năm Du lịch quốc gia 2021 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế. Thông qua tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021 nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Trong điều kiện dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát và ngăn chặn ở Việt Nam, các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2021 sẽ diễn ra bình thường để tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trên cả nước, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, du lịch tỉnh Ninh Bình nói riêng tới du khách trong và ngoài nước.

Phát động Năm Du lịch quốc gia 2021 là cơ hội để kích hoạt ngành du lịch phục hồi và bứt phá sau đại dịch COVID-19; đồng thời góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; xây dựng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của thị trường khách du lịch trong tình hình mới, từ Ninh Bình và lan tỏa trên phạm vi cả nước.

Đồng chí Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thông tin về Năm du lịch 2021.

Năm Du lịch quốc gia cũng nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các điểm đến mới, sản phẩm mới; cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ du lịch; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với việc phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua đó, giới thiệu quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo đột phá, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Trước thềm Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021, ngày 14/4/2021, dự kiến sẽ diễn ra Diễn đàn Lữ hành Việt Nam lần thứ 2, thu hút sự tham gia của khoảng 500 doanh nghiệp lữ hành, báo chí... Sự kiện nhằm mục đích kết nối, khai thông luồng khách về Ninh Bình với chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2021, Hoa Lư - Ninh Bình - Cố đô ngàn năm.

Để tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021 tại Ninh Bình thành công tốt đẹp, tỉnh Ninh Bình đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như: Giải phóng mặt bằng một số dự án du lịch còn đang vướng mắc; đẩy nhanh thi công các dự án cơ sở hạ tầng du lịch; chỉnh trang đô thị, cắt tỉa cây xanh, trồng hoa tại các nút giao thông, điện chiếu sáng trên địa bàn thành phố Ninh Bình; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí có chất lượng cao; tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch mới như tổ chức tour du lịch đi khám phá di sản với các điểm dừng chân đặc sắc, giúp cho du khách có những trải nghiệm thú vị hơn; tuyên truyền trực quan về Năm Du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá trong và ngoài nước về Năm Du lịch quốc gia 2021.

Ninh Bình có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và môi trường sinh thái tự nhiên có giá trị. Địa hình đa dạng, phân bố 3 vùng tương đối rõ rệt mang đầy đủ sắc thái của nước Việt Nam thu nhỏ: Vùng núi cao, đồng bằng, vùng ven biển. Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình karst đa dạng, hệ động thực vật phong phú đã hình thành nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn khách du lịch, nổi tiếng như: Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Biển Kim Sơn - Cồn Nổi; hệ thống hồ: Đồng Chương, Yên Thắng, Đồng Thái… Đặc biệt, ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã tạo thế và lực mới cho du lịch Ninh Bình phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và là trung tâm du lịch của vùng, của cả nước.

Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 1.821 di tích, gồm 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt). Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng, bao gồm: Cố đô Hoa Lư, Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ Vua Lê Đại Hành, Đền Thái Vy, Đền Đức Thánh Nguyễn, Đền Trương Hán Siêu, chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa và động Địch Lộng, chùa Non Nước, chùa Nhất Trụ, nhà thờ đá Phát Diệm… Nơi đây là Kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam tồn tại 42 năm (từ năm 968-1010) gắn liền với ba vương triều: Nhà Ðinh, Nhà Tiền Lê và Nhà Lý.

Bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa, Ninh Bình còn nhiều những giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng, những lễ hội, những làn điệu chèo, hát văn, hát xẩm và văn hóa ẩm thực độc đáo.... trong đó có trên 225 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội đặc sắc được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến như: Lễ hội Hoa Lư (lễ hội Trường Yên), Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội chùa Địch Lộng, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Báo bản Nộn Khê, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, Lễ hội Tràng An…

Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát Xẩm, hát Chèo và nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu như: Làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm, các làng nghề chế biến cói mỹ nghệ Kim Sơn, các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề gốm cổ Bồ Bát…

Với phong tục, tập quán văn hóa truyền thống lâu đời đã tạo nên nét độc đáo, hẫp dẫn đặc biệt trong văn hóa ẩm thực Ninh Bình với nhiều món ăn nổi tiếng như: tái dê, nhất hưởng thiên kim (cơm cháy), nem Yên Mạc (Yên Mô), rượu Kim Sơn (Lai Thành), mắm tép Gia Viễn, rượu cần Nho Quan…và các giá trị văn hóa dân tộc (chủ yếu là các giá trị văn hóa Mường ở Nho Quan).

Tại buổi Họp báo, Ban Tổ chức đã trả lời các câu hỏi của các nhà báo về các nội dung: Đảm bảo an toàn du lịch trong nguy cơ đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; công tác an ninh, trật tự, trong các sự kiện; các sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm du lịch mới; các điều kiện, giải pháp để du lịch trở thành sản phẩm mũi nhọn theo chủ trương của tỉnh…/.

Nhóm PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/tu-ninh-binh-thuc-day-nganh-du-lich-but-pha-577972.html