Từ những vụ nhận 'quả đắng' vì vỡ hụi: Làm sao để thành viên góp họ đòi được tiền?

Trong thời gian qua, không ít những người đã rơi vào cảnh trắng tay khi tham gia chơi họ, hụi. Do đó, việc làm thế nào để đòi lại được tiền là một vấn đề đáng quan tâm.

Không chỉ những người trẻ, các cụ già cũng rơi vào cảnh mất trắng khi vỡ hụi. Ảnh: PĐ.

Mới đây nhất, sự việc bà Hoàng Thị K (Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) tuyên bố vỡ hụi (chơi họ, phường) lên tới hàng trăm tỷ đồng khiến những người bỏ số tiền đó ra cho bà K vay "đứng ngồi không yên".

Đặc biệt, đỉnh điểm của sự việc là ngày 21.8, do sức ép của những người đến nhà đòi tiền quá lớn, ông Tr (59 tuổi, chồng bà K) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Trước đó, cuối tháng 12.2017, cũng xảy ra vụ việc cả làng tan nát khi tham gia chơi “phường” xảy ra ở thôn Châu Mai (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Những khoản tiền họ bỏ ra để tham gia vào đường dây “đi phường” không thể đòi lại được. Ngay cả những cụ già cũng phải khóc ròng vì mất hàng trăm triệu đồng vì đã tham gia chơi hụi.

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với Lao Động, thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, chơi hụi là các quan hệ dân sự được pháp luật thừa nhận. Đây là một trong những giao dịch dân sự có tính chất hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.

Theo luật sư Cường, khi tham gia chơi hụi, chủ họ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Thành viên là người tham gia họ, góp phần họ và được lĩnh họ. Thỏa thuận về họ được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản.

Luật sư Cường phân tích, pháp luật đã quy định trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia họ, tranh chấp đó được giải quyết tại tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Một nạn nhân trong vụ vỡ hụi mới xảy ra ở Bắc Ninh.

“Nếu các con họ bị chủ họ nợ tiền họ thì những người đó có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc thanh toán số tiền nợ. Nếu trong quá trình giải quyết vụ việc mà các bên không thể thỏa thuận được thì tòa án có quyền ra quyết định về thời hạn cũng như số tiền trả nợ. Trường hợp chủ họ không có tiền mặt để trả nợ thì tòa án có quyền kê biên tài sản khác của chủ họ như nhà, đất… để thực hiện nghĩa vụ trả nợ” – luật sư phân tích.

Nhận định về việc chơi họ, hụi của người dân, luật sư Cường cho biết, pháp luật chỉ nghiêm cấm nếu người chơi lợi dụng chơi họ để cho vay nặng lãi, che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp không vi phạm thì sẽ được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của luật sư, trong thực tế ở các địa phương hiện nay, các hoạt động này thường bị biến tướng thành các hoạt động cho vay nặng lãi, huy động vốn trái pháp luật với nhiều rủi ro pháp lý.

“Khi sự việc vỡ họ xảy ra, những nạn nhân có quyền làm đơn trình báo sự việc tới cơ quan công an để được giải quyết, tránh trường hợp tụ tập đông người, đập phá tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, đòi nợ trái pháp luật sẽ dễ phát sinh những sự việc đáng tiếc khác” – luật sư Cường nói.

Phạm Đông

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/tu-nhung-vu-nhan-qua-dang-vi-vo-hui-lam-sao-de-thanh-vien-gop-ho-doi-duoc-tien-627102.ldo