Từ những vụ chó tấn công, cắn chết người: Có thể xem xét trách nhiệm hình sự

Việc nuôi chó nói riêng và vật nuôi nói chung đều đã có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng trên thực tế, quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc dẫn đến nhiều vụ chó cắn người gây thương tích.

Mới đây, tại xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội xảy ra một vụ tai nạn do vật nuôi gây ra. Một bé gái đã bị chó pitbull giật đứt xích lao vào tấn công phải nhập viện cấp cứu. Nạn nhân trong vụ việc trên là cháu bé SN 2017. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, nhà của cháu bé sát nhà chủ nuôi chó pitbull. Hàng ngày, con chó này được xích khá cẩn thận. Tuy vậy, vào hôm xảy sự việc, con chó đã giật đứt xích, lao ra cắn bé gái đang chơi ngoài cổng.

Sau khi phát hiện bé gái bị chó tấn công, mặc dù mẹ cháu bé và chủ nhân của con vật này đã lao vào lôi chó ra để cứu người nhưng đành bất lực. Chỉ đến khi người hàng xóm cầm xà beng sang trợ giúp, đánh chết con chó, cháu bé mới được cứu thoát. Ngay sau đó, nạn nhân đã được đưa đến BV Xanh Pôn cấp cứu. Sự việc xảy ra ngoài ý muốn nên hai gia đình đã đồng ý hòa giải.

Một người có nhiều kinh nghiệm về nuôi chó và chơi chó cảnh ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, pitbull là loài chó có bản tính rất dữ. Con trưởng thành nặng đến 30kg, được xếp vào hàng 11 loài chó hung dữ nhất thế giới. “Điều đáng nói là người nuôi không hiểu được bản tính của loài chó này. Nếu loài này bị kích động, nó lao vào tấn công người hoặc loài khác như điên loạn. Không hiểu sao nhiều người nuôi dẫn nó đi dạo ở nơi công cộng mà không hề đeo rọ mõm?”.

Nhiều tai nạn thương tâm do chó dữ gây ra.

Nhiều tai nạn thương tâm do chó dữ gây ra.

Vào ngày 18-11-2018, vụ chó pitbull tấn công chủ và người hàng xóm ở Hà Nội khiến không ít người bàng hoàng. Cụ thể, khoảng 10g ngày 18-11, chị N.T.T (30 tuổi, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) mở lồng cho chó pitbull nuôi trong nhà ăn. Bất ngờ, chị T bị chó cắn vào tay. Thấy vậy, chị P là hàng xóm chạy sang lấy gậy đập vào lưng chó để giải cứu. Bất ngờ, chó pitbull chồm lên cắn chị P trọng thương. Phát hiện sự việc nhiều hàng xóm đã hô hoán nhau mang gậy ra bao vây, đập chết con chó rồi đưa hai người đi cấp cứu.

Trước đây Hà Nội đã có quy định cấm nuôi chó vì khó kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát an toàn nơi đông người nhưng sau này nhiều người nói đây là quyền tự do nên cơ quan chức năng đã bỏ quy định cấm. “Mới đầu người ta nuôi những con chó hiền lành để giữ nhà, bây giờ nhiều người nuôi chó dữ làm chó cảnh, có con dữ như hổ”, một người dân chia sẻ.

Theo các chuyên gia pháp lý, việc nuôi chó nói riêng và vật nuôi nói chung đều đã có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật mà người nuôi buộc phải tuân thủ để đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra đối với những người xung quanh và cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này vẫn chưa được nghiêm túc thực hiện dẫn đến những vụ việc chó cắn người gây thương tích xảy ra.

Xuất phát từ thói quen nuôi chó dữ để giữ nhà, để thể hiện đẳng cấp... nhưng không tuân thủ các quy định của pháp luật dẫn đến các hậu quả đáng tiếc trong thời gian qua. Thậm chí có những việc, chủ nuôi biết đó là chó dữ nhưng vẫn không quản lý khi ra nơi công cộng khiến chó tấn công người hoặc vật nuôi khác gây ra hậu quả đáng tiếc.

Liên quan đến các quy định về quản lý vật nuôi, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Nghị định 90/2017/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định, phạt đến 2 triệu đồng với bất kỳ ai phát hiện hoặc biết động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh hoặc chết do bệnh truyền nhiễm nhưng che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời đến cơ quan thẩm quyền.

Nghị định cũng bổ sung quy định về mức phạt đối với hành vi không rọ mõm, không xích giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng từ 600-800 nghìn đồng. Trường hợp chủ nuôi chó không tiêm phòng bệnh dại cũng chịu mức phạt từ 600 - 800 nghìn đồng. Mức phạt này sẽ cao gấp 2 lần đối với tổ chức.

Như vậy, theo quy định trên, những người nuôi chó hoặc các thú cưng khác khi cho vật nuôi ra đường phải rọ mõm và có biện pháp giám sát vật nuôi, nếu không sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Với một số vụ việc chó dữ tấn công người gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng nạn nhân diễn ra thời gian qua, tùy theo mức độ thiệt hại, chủ nuôi chó phải bồi thường theo Điều 603 BLDS 2015.

Cụ thể, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Cũng theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, với trường hợp chó cắn chết người, nếu chủ vật nuôi nhận thức rõ về sự nguy hiểm của con vật này, mong muốn hậu quả chết người xảy ra và thực tế đã có người chết thì đối tượng này có thể bị xử lý hình sự về “Tội giết người”.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-nhung-vu-cho-tan-cong-can-chet-nguoi-co-the-xem-xet-trach-nhiem-hinh-su-141802.html