Từ những phong trào thi đua thành phương châm hành động

Suốt 60 năm qua, phương châm 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt' luôn là tình cảm, quyết tâm và ý chí thống nhất của toàn lực lượng BĐBP trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Truyền thống tích cực chăm lo xây dựng đơn vị, gắn bó, tâm huyết với biên cương như quê hương thứ hai và tình cảm 'hạt muối cắn đôi, bát cơm sẻ nửa' cùng đồng bào biên giới được cán bộ, chiến sĩ BĐBP tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác đã đi vào trang sử vàng của lực lượng và được chuyển hóa thành nhiều chương trình hành động cụ thể, sáng tạo.

Quân y BĐBP Quảng Nam chăm sóc sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và hướng dẫn đồng bào dân tộc thực hiện vệ sinh thôn bản, phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Anh

Ngay sau khi thành lập, Cục Chính trị đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Trung ương (nay là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP) phát động phong trào thi đua “Tiến nhanh vượt mức kế hoạch” (1959), phong trào thi đua “5 tốt” (1960) trong toàn lực lượng. Trên khắp miền biên cương, bờ biển và giới tuyến, nơi đâu cũng sôi nổi, hừng hực khí thế thi đua như: CANDVT Vĩnh Linh với phong trào “Coi đồn là nhà”; Tiểu khu 15 CANDVT Tây Bắc với phong trào “Coi biên giới là quê hương thứ hai”, CANDVT Nghệ An với phong trào “Giỏi một xóm, biết nhiều nhà”, Đồn 39 Quang Chiểu, CANDVT Thanh Hóa với phong trào “Đánh địch giỏi, bảo vệ trị an tốt”...

Qua các đợt thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình xuất sắc như Chuẩn úy Phan Đình Dũng, Đồn 52, CANDVT Vĩnh Linh luôn sát dân, bám việc xây dựng được 7 cơ sở đặc tình, 8 tổ “ba phòng”, tuyên truyền cảnh giác cho hơn 800 đồng bào khu vực giới tuyến. Thượng sĩ Lưu Xuân Huyến, Đồn 17, CANDVT Nghệ An cùng hai chiến sĩ đã khôn khéo, dũng cảm, kiên trì vận động 19 tên phỉ ra hàng, thu 14 súng... Từ những phong trào thi đua, những điển hình tiên tiến nổi bật của đơn vị cơ sở và tình cảm thân thiết như người một nhà giữa các chiến sĩ CANDVT và đồng bào các dân tộc trên biên giới, năm 1962, đồng chí Đại tá Nguyễn Quang Việt, Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy kiêm Tư lệnh phó CANDVT Trung ương đã đúc rút thành phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Để đồn Biên phòng thực sự là “nhà” trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tranh thủ mọi nguồn lực đẩy nhanh công tác xây dựng cơ bản từ cơ quan Bộ Tư lệnh đến trụ sở Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành và hệ thống đồn, trạm trên toàn tuyến biên giới, biển đảo. Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh đã chỉ đạo và phát động các đơn vị tích cực xây dựng, chỉnh trang doanh trại, trồng hoa, cây xanh, tạo môi trường sáng, xanh, sạch đẹp; tích cực tăng gia, xây dựng vườn rau, vườn thuốc Nam, ao thả cá... Hệ thống Hội trường, phòng Hồ Chí Minh, hệ thống biển, bảng, khu vui chơi thể thao... được sắp xếp ngăn nắp, khoa học. Những nỗ lực đồng bộ đó đã góp phần nâng cao điều kiện cơ sở vật chất phục vụ ăn nghỉ và làm việc của cán bộ, chiến sĩ.

Không chỉ xây dựng môi trường, cảnh quan, các đơn vị còn chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống vẻ vang của đơn vị, lực lượng để cán bộ, chiến sĩ thêm hiểu và thêm yêu quý, gắn bó với nơi mình đóng quân, triển khai các cuộc vận động như “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”...

“Để biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, tại 1109 xã, phường, thị trấn biên giới của cả nước, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chủ trương tiến hành các giải pháp “sâu rễ, bền gốc” như đưa cán bộ Biên phòng về tăng cường xã, đẩy mạnh triển khai các mô hình “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ nông nghiệp quân hàm xanh...”, xây dựng các đề án phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh, tổ chức các hoạt động phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương hướng về biên giới.

Đối mặt với cái khó như phức tạp về địa hình, đời sống xã hội, dân trí thấp..., cán bộ, chiến sĩ Biên phòng xác định, ban đầu là phải thay đổi nếp nghĩ, thói quen của người dân từ thụ hưởng sang chủ động, từ cách làm truyền thống sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật; từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa... Các đơn vị đã có nhiều phương pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con từ phương thức canh tác, nuôi trồng đến vệ sinh xóm bản, sinh hoạt trong mỗi gia đình. BĐBP cả nước đã vào cuộc đầy tích cực và trách nhiệm để cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương biên giới, biển đảo xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng hạ tầng cơ sở thôn, bản theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ hóa và từng bước hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động BĐBP Đắk Lắk đã đến thăm hỏi, động viên và khám chữa bệnh cho các gia đình chính sách, thương bệnh binh trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Anh

Không chỉ tham gia phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh, trên quê hương biên giới, mỗi người lính Biên phòng là một người “thắp lửa vùng biên”. Các anh tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên biên giới, quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm, vạch mặt những đối tượng lợi dụng tôn giáo, dân tộc để lôi kéo đồng bào lầm đường lạc lối, đưa bà con trở về với cộng đồng. Các anh gạn đục khơi trong, vận dụng nhiều phương pháp để xây dựng cơ sở chính trị, bồi dưỡng quần chúng ưu tú trở thành đảng viên; phát huy truyền thống, niềm tự hào của mỗi dân tộc, dòng họ để làm nền tảng tinh thần kết nối khối đại đoàn kết các dân tộc.

Khó có thể kể hết những nội dung, hoạt động, phương pháp, cách làm để tạo nên một chương trình hành động mạnh mẽ và quyết liệt theo phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” của các thế hệ người lính mang quân hàm xanh. Đã có hàng ngàn tấm gương điển hình dành trọn cuộc đời mình cho đồn, cho bản và bà con các dân tộc. Các anh được đồng bào các dân tộc nhận là con em của dòng họ, thôn bản mình. Đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ nên duyên với những cô gái người dân tộc thiểu số nơi biên giới trên địa bàn đơn vị đóng quân. Các anh còn nhận những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ làm con nuôi. Và nhiều người lính Biên phòng đã có được niềm tự hào là ngoài họ tên cha mẹ đặt cho, họ còn mang nhiều họ của đồng bào, bởi mỗi dòng họ đều muốn gọi anh bằng họ của dân tộc mình.

Ngày 28-5-2018, Cục Chính trị BĐBP đã ban hành Hướng dẫn tổ chức bình giảng câu thơ và tìm hiểu câu nói về BĐBP. Đợt phát động này đã được các đơn vị Biên phòng, các ban liên lạc truyền thống BĐBP, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương biên giới sôi nổi tham gia. Có thể nói, hoạt động này đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị - tư tưởng - văn hóa đầy màu sắc và cảm hứng văn học, gợi mở những tâm tư, suy nghĩ sâu lắng hơn, minh triết hơn về tình yêu đất nước, tình yêu biên giới, yêu đồng bào, đồng chí trong mỗi người. Phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” - tài sản tinh thần của mỗi người lính mang quân hàm xanh, của toàn lực lượng BĐBP sẽ như dòng suối đầu nguồn biên giới, chảy lặng lẽ để bồi đắp nên những giá trị nhân văn trong tâm hồn của biết bao người.

Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tu-nhung-phong-trao-thi-dua-thanh-phuong-cham-hanh-dong/