Tự nhốt mình trong nhà kể từ đầu đại dịch COVID-19

Mỗi sáng, khi mọi người thức dậy và bắt tay vào công việc hàng ngày, Furtado cũng vậy, nhưng cô đã ở nhà 265 ngày.

Cô Barbie Furtado tỉnh giấc với cơn đau nửa đầu vào ngày cách biệt xã hội thứ 265. Cô nhấc điện thoại xem báo cáo hàng tuần về tình hình COVID-19.

Thành phố Fortaleza ở đông bắc Brazil, nơi Furtado sống trong căn hộ ba phòng ngủ với mẹ và em trai, báo cáo dưới 30 ca mới một ngày. Nhiều người đã trở lại đường phố. Các cửa hàng và trường học đã mở cửa. Bạn bè và người thân thúc giục cô hòa mình lại vào xã hội giống họ.

Nhưng cô Furtado, 32 tuổi, không có bệnh nghiêm trọng nào, đã không rời khỏi nhà kể từ ngày 18/3. Cô không đi mua hàng tạp hóa, cũng không đi dạo. Cô cảm thấy không chắc chắn về sự an toàn của bên ngoài.

"Tôi không biết nữa" cô nói. "Những con số được báo cáo không đầy đủ. Virus vẫn đang lây lan. Tôi chưa sẵn sàng ra ngoài. Virus vẫn còn ở ngoài kia".

Brazil là tâm dịch lớn thứ ba thế giới với hơn 7,7 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 196.000 ca tử vong. Nhiều người không thể hoặc không muốn ở trong nhà, đã chọn tiếp tục cuộc sống như bình thường, ngay cả khi hệ thống bệnh viện chật vật chống đỡ đại dịch và số người chết tăng lên. Nhưng đó không phải là tình cảnh của tất cả người Brazil.

Ở một quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn như Brazil, nơi dịch vụ giao hàng rất rẻ, những người khá giả có thể đặt bất kỳ dịch vụ hoặc sản phẩm nào giao tận nhà, từ hàng tạp hóa, thuốc men cho đến rượu vang. Họ có thể gọi thợ làm tóc hay thợ làm móng đến nhà. Bạn bè cũng có thể gửi cho nhau bữa ăn tự nấu qua dịch vụ giao hàng tức thì. Muốn xét nghiệm nCoV ư? Phòng thí nghiệm sẽ cử một kỹ thuật viên đến.

Furtado, người tham gia các lớp học trực tuyến tại một trường đại học địa phương, dự định tận dụng hết cơ hội đó cho đến khi COVID-19 bị đánh bại. Cô nói thứ duy nhất giúp cô từ bỏ cuộc sống cách biệt xã hội hiện giờ là vắc-xin. Vì vậy, những con số thấp trong các báo cáo tình hình dịch không đủ để làm cô yên tâm.

Trong 9 tháng qua, Edgar Silva đã gặp nhiều người như Furtado. Silva lái xe máy, đeo khẩu trang màu xanh khi chạy xe khắp Sao Paulo, giao hàng cho những người Brazil chọn cách tự nhốt mình trong nhà. Anh có thể nhận ra những người chưa rời khỏi nhà kể từ khi đại dịch bùng phát. Nét mặt của họ hiện lên vẻ sợ hãi: "Họ nhìn bạn như thể bạn bị nhiễm phóng xạ".

Ngay sau khi hàng được giao, cửa nhà đóng lại, Silva trở lại đường phố, làm việc 12 giờ mỗi ngày cho một ứng dụng giao hàng, kiếm được chưa đến một USD cho mỗi điểm dừng.

Lớn lên trong khu phố nghèo Vila Missionaria ở Sao Paulo, Silva chưa từng có cuộc sống khá giả và không có gì làm rõ tình trạng của anh hơn COVID-19. Các quan chức trên khắp đất nước đã kêu gọi người dân cách biệt xã hội. Nhưng trong khi hàng chục triệu người ở nhà, làm việc từ xa qua máy tính thì Silva lại ở bên ngoài nhiều hơn bao giờ hết, lái xe trên những con đường vắng, cảm thấy lo lắng nhưng cũng đầy tự hào.

Anh ra ngoài để những người khác có thể ở yên trong nhà. "Một biện pháp phòng ngừa" là cách Silva mô tả công việc của mình.

Tại Brazil, quốc gia có lịch sử nô lệ và thuộc địa, nơi người nghèo thường làm người giúp việc cho các gia đình, mảng dịch vụ giao hàng phát triển mạnh mẽ đã trở thành dấu hiệu cho khoảng cách giàu nghèo của đất nước. Trong những năm gần đây, nhiều người đã tìm đến các công việc được trả lương thấp thông qua các ứng dụng giao hàng đang nở rộ ở Mỹ Latinh.

Theo số liệu của chính phủ, năm 2016 - 2020, số lượng nhân viên giao hàng ở Brazil đã tăng 40% lên gần 730.000 người. Con số này càng tăng nhanh khi COVID-19 bùng phát. Những người bị mất việc vì đại dịch buộc phải ra đường, họ kiếm được khoảng 550 USD mỗi tháng.

"Trước đây thường có 2, 3 người giao hàng chờ sẵn bên ngoài các trung tâm mua sắm thì bây giờ có tới 15 người", Silva nói. "Hầu như tất cả đều mới làm".

Khi Silva chạy xe khắp thành phố, đôi khi anh nghĩ về những khách hàng của mình. Anh hiểu và chia sẻ nỗi sợ của họ. Silva sống với người mẹ cao tuổi, người cha dượng bị bệnh tiểu đường và người vợ thừa cân. Tất cả đều phụ thuộc vào thu nhập của anh.

Có những ngày Filippe Vasconcellos, 32 tuổi, cảm thấy như một tù nhân trong đặc quyền của mình. Thông thạo tiếng Anh, anh làm việc tại nhà, dịch các bài luận và làm thông dịch viên cho những cuộc họp trực tuyến của các công ty quốc tế. Căn hộ rộng 160 m2 nằm ở một khu cao cấp tại Sao Paulo là không gian sống thoải mái cho anh và bạn gái. Vasconcellos còn có máy chạy bộ, vì vậy, anh vẫn có thể tập thể dục.

Nhưng sự thoải mái đó mang lại một nghịch lý. Rời khỏi nhà không bao giờ là nghĩa vụ với anh, đó là sự lựa chọn. Câu hỏi đặt ra là: Nếu anh không phải ra khỏi nhà thì tại sao anh cần làm vậy? Ngay cả khi nguy cơ từ việc đi dạo là rất thấp, tại sao anh phải chấp nhận nguy cơ mắc bệnh, lây cho bạn gái hay bảo vệ tòa nhà?

Anh tự hỏi bản thân câu hỏi đó mỗi ngày và chúng luôn dẫn đến cùng một câu trả lời. Đó là lý do anh và bạn gái đã sống cách biệt xã hội kể từ khi đại dịch bùng phát. "Mọi chuyện cứ tự nhiên diễn ra như vậy. Thật điên rồ".

Ở trong tình cảnh tương tự là Ana Lucia Baptista de Oliveira, 72 tuổi, và người chồng 88 tuổi tại khu Ipanema của Rio de Janeiro. "Tôi nhớ việc tự chọn trái cây", de Oliveira, người mua mọi thứ qua dịch vụ giao hàng, cho biết.

Lola Aronovich, nhà văn kiêm giáo sư tại Đại học Liên bang Ceara, cũng vậy. "Đã quá lâu rồi", bà nói. "Thật kinh khủng".

Vasconcellos đã rời khỏi nhà một lần vào tháng trước vì trường hợp bất khả kháng. Anh muốn thuê một căn hộ để thoát khỏi tiếng ồn xây dựng xung quanh căn nhà anh đang ở và nhân viên bất động sản yêu cầu họ gặp trực tiếp. Vasconcellos đeo khẩu trang, hít một hơi thật sâu rồi đi ra ngoài.

Cuộc trao đổi diễn ra rất nhanh, họ ký được hợp đồng. Trên đường trở về, Vasconcellos nhìn thấy một cửa hàng tạp hóa. Anh đã không vào một cửa hàng như vậy trong 8 tháng. Anh bước vào, lấy một vài món đồ và rời đi. Mọi chuyện diễn ra bình thường đến mức đáng kinh ngạc với anh.

Nhưng nó cũng khiến Vasconcellos cảm thấy không an tâm. "Giống như bước vào một thế giới không còn là của tôi nữa", anh nói. Vasconcellos về nhà và khóa cửa. Anh không ra ngoài kể từ đó.

"Con chán quá rồi", em trai của Barbie Furtado, Pedro Amaral, 25 tuổi, nói.

"Nếu con không thấy sợ thì con không biết tưởng tượng", mẹ của anh, Liana Amaral, 55 tuổi, đáp.

"Lúc thế này lúc thế kia", Barbie Furtado nói. "Đôi khi, tôi nghĩ mình có bị điên không? Số ca nhiễm mới không quá cao mà tôi lại không dám ra ngoài. Những lúc khác tôi lại nghĩ 'mình chắc chắn đang làm đúng".

Trong nhiều tháng qua, gia đình ba người của Furtado lặp đi lặp lại cuộc đối thoại đó. Pedro, vận động viên Nhu thuật Brazil, rất muốn trở lại chế độ tập luyện của mình. Nhưng anh cũng muốn tôn trọng ý kiến của mẹ và chị. Họ đã bcố gắng làm vừa lòng lẫn nhau bằng cách ra ngoài vài lần, nhưng họ chỉ ngồi trong xe và hiếm khi cảm thấy đủ.

Liana, một nhà xã hội học, không thể ngừng suy nghĩ về các rủi ro: biết đâu nếu đi ra ngoài, họ sẽ bị ốm, phải chờ kết quả xét nghiệm, lo lắng vì ngày càng ốm hơn rồi phải nhập viện.

Furtado cảm thấy thất vọng vì điều cô cho là sự liều lĩnh của những người họ hàng, thất vọng về những người nhậu nhẹt trong các quán bar, thất vọng khi một người nào đó hỏi tại sao cô phải tự nhốt mình.

Cô muốn nói với họ rằng bà cô đang ở trong bệnh viện vì nhiễm nCoV và tại sao dường như không ai quan tâm đến đại dịch này nhiều như cô? Cô không thể làm gì để giúp bà mình. Nhưng cô có thể cố gắng giữ an toàn cho mẹ và em trai.

"Nhưng thay vào đó, tôi chỉ nói với họ rằng tôi sẽ không ra ngoài và tôi sẽ gặp họ vào năm 2022", Furtado nói.

Chưa bao giờ Furtado coi mình là một người luôn lo sợ bệnh tật hay ám ảnh với sự sạch sẽ. Cô từng đi du lịch ở châu Âu và Mỹ. Nhưng con người đó giờ đã biến mất. Cô tập yoga trong phòng và ngày thứ 265 cách biệt xã hội chuyển sang ngày thứ 266.

Bảo Sơn

The Washington Post

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/tu-nhot-minh-trong-nha-ke-tu-dau-dai-dich-covid19-1774114.tpo