Tư nhân làm dịch vụ công: Lấy khung khổ pháp luật làm trọng

Trong những năm gần đây, vai trò của khu vực tư nhân tại Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Vì thế, trong các dịch vụ sự nghiệp công, các doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tham gia để cùng mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và DN.

Tư nhân tham gia vào một số lĩnh vực sự nghiệp công sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Ảnh: ST.

Tư nhân tham gia vào một số lĩnh vực sự nghiệp công sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Ảnh: ST.

Giảm gánh nặng cho lĩnh vực công

Thực tế cho thấy, nếu như trước đây, Nhà nước độc quyền nắm giữ một số lĩnh vực thương mại như bán lẻ, vận tải, điện ảnh, công chứng, thể thao… thì ngày nay, hầu như đều đã được tư nhân hóa, tạo nên một mạng lưới hạ tầng với đầy đủ phương tiện, công nghệ theo đúng xu hướng thế giới. Chính vì thế, có chuyên gia đã cho rằng, những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe con người như y tế, giáo dục… vẫn được cấp phép cho khối tư nhân hoạt động, thì tại sao các dịch vụ của sự nghiệp công có tính chất đăng ký, thông báo, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối kinh doanh, kết nối đào tạo… khối tư nhân lại bị hạn chế tham gia.

Một ví dụ cụ thể về lợi ích của tư nhân tham gia vào các dịch vụ công là việc xã hội hóa dịch vụ khoa học. Năm 2013, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) bắt đầu triển khai hoạt động kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, nhưng Cục lại không có nổi một phòng thử nghiệm. Sau khi có chủ trương xã hội hóa, ngay lập tức, Cục Chăn nuôi đã có hơn 1.000 nhân viên thử nghiệm của 30 phòng thử nghiệm là các phòng thử nghiệm tư nhân, nước ngoài, đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Các đơn vị này đã cùng với Cục Chăn nuôi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chất lượng của gần 20 triệu tấn/năm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và trên 20 triệu tấn/năm thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước. Khi có việc cần gấp như triển khai phân tích chất cấm trong thức ăn, phân tích chất vàng O, thuốc tâm thần, các phòng thử nghiệm này cũng đã triển khai rất nhanh đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của Cục Chăn nuôi.

Đối với ngành Tư pháp, TS. Trần Thị Quang Hồng, Viện Khoa học pháp lý cho biết, ý tưởng về xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp ở Việt Nam đã được đẩy mạnh và hiện thực hóa khi được đặt trong quá trình cải cách tư pháp. Nhờ vậy, tính đến 20/11/2018, cả nước có 1.003 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm 128 phòng công chứng và 875 văn phòng công chứng. Hoạt động công chứng ở nước ta đã được phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa; trở thành một nghề, một ngành chuyên môn sâu có chức năng bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch.

Bảo đảm công bằng

Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng, các dịch vụ sự nghiệp công nếu có sự tham gia của tư nhân đều đạt được những kết quả tích cực, tạo ra sự cạnh tranh theo hướng có lợi; nhất là trong bối cảnh chi tiêu công, năng lực của các cơ quan Nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert, dù đã có kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số điểm hạn chế, trong đó, rủi ro lớn nhất là tính bất ổn định, “nửa vời” của pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trước năm 2017, các cơ sở sản xuất giống thủy sản phải đánh giá chứng nhận hợp quy điều kiện sản xuất theo quy chuẩn QCVN 02-15:2009/BNNPTNT. Nhưng khi Luật Thủy sản 2017 ra đời thì điều kiện sản xuất giống thủy sản lại phải chứng nhận như chứng nhận điều kiện sản xuất và được thực hiện bởi các cơ quan quản lý Nhà nước (có phân cấp đến địa phương). Ngoài ra, trước ngày 2/2/2018, thực phẩm phải được công bố hợp quy và kèm theo là có dịch vụ chứng nhận hợp quy. Nhưng sau ngày này, Nghị định 15/2018/NĐ-CP lại quy định thực phẩm không cần phải công bố hợp quy. “Để triển khai hai dịch vụ chứng nhận hợp quy trên, các tổ chức chứng nhận tư nhân đã đầu tư để đào tạo chuyên gia, hệ thống thử nghiệm… nhưng chỉ sau một đêm, tất cả sự đầu tư đó đã trở thành vô nghĩa chỉ bởi một quy định hành chính bị thay đổi. Vậy nhà đầu tư nào dám mạnh dạn đầu tư nữa?”, ông Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, một vấn đề khác khiến không ít DN tư nhân chùn bước khi tham gia vào các hoạt động của dịch vụ công là sự phân biệt đối xử giữa tổ chức tư nhân với tổ chức của Nhà nước; việc thực thi pháp luật còn bất cập, không thống nhất giữa các bộ, ngành, gây khó cho DN. Bên cạnh những khó khăn từ yếu tố bên ngoài, nội tại hoạt động của DN khi tham gia vào dịch vụ công cũng có những vấn đề nhất định. Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về những nguy cơ khi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công như có thể tăng giá dịch vụ, khó kiểm soát chất lượng, nguy cơ lừa đảo, gian dối trong kinh doanh, thậm chí cả tình trạng độc quyền, tham nhũng, DN sân sau…

Chính vì những vướng mắc trên, điều cần nhất là sự kiểm soát, vai trò tạo lập luật chơi của Nhà nước. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, Nhà nước cần tạo cơ chế bảo hộ quyền tài sản, quyền kinh doanh; đưa ra những hỗ trợ, ưu đãi đầu tư ban đầu; giám sát đầu ra thay vì giám sát quá trình; đưa ra những biện pháp chống độc quyền, thiết lập các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung… Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, để lựa chọn lĩnh vực giao cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư, Nhà nước cần cân nhắc một số yếu tố như tính lâu dài của dịch vụ, các hạn chế về pháp lý và chính sách, mức độ rủi ro, mức độ cạnh tranh, khả năng thay đổi hợp đồng hay chi phí và hiệu quả của việc đấu thầu cạnh tranh…

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tu-nhan-lam-dich-vu-cong-lay-khung-kho-phap-luat-lam-trong-104950-104950.html