Từ nhận diện khuôn mặt đến giám sát con người

Nhận diện khuôn mặt, phân tích giọng nói, ngôi nhà thông minh, vật dụng nối kết nhau…, những tiến bộ kỹ thuật đang đe dọa cuộc sống riêng tư của mỗi con người, vượt ra khỏi biên cương internet.

Trong khi nhiều công ty khổng lồ như Amazon đang đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực này thì luật pháp lại không theo kịp. Theo giáo sư Shoshana Zuboff, đã đến lúc phải thiết lập một mô hình giám sát cho toàn bộ nền kinh tế.

Nhận diện khuôn mặt, không ai thoát được

Vỉa hè, đường phố, nhà ga… gần như mọi nơi chúng ta đến hằng ngày đều là không gian công cộng. Ai ai cũng tin rằng chi tiết những cuộc di chuyển và danh sách những người mà ta gặp trong đời đều là một không gian riêng tư. Một bí mật, mà kỹ thuật nhận diện khuôn mặt được các mạng lưới camera giám sát lắp đặt tại hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, đang bị đe dọa.

Để chứng minh, người ta có thể theo dõi một con người dễ dàng như thế nào, chúng tôi đã thu thập những hình ảnh có thể tiếp cận công khai (thông thường trên trang web của các ông chủ công ty): những người đang làm việc gần công viên Bryant tại New York và dành ra cả một ngày phân tích phần mềm nhận dạng khuôn mặt của công ty Amazon.

Suốt 9 giờ ghi ảnh, chúng tôi nhìn thấy 2.750 khuôn mặt (một người có thể xuất hiện trên nhiều bức ảnh). Nhận dạng khuôn mặt đã đề xuất nhiều khả năng, trong đó có cái tương ứng với ảnh của GS Richard Madonna, thuộc Đại học bang New York, với mức độ chính xác đến 89%.

Giá trị của công việc này khoảng 60 USD. Ông nói ngay khi được biết tin này: “Ôi lạy Chúa! Thật khó tin! Tôi vẫn còn chưa hoàn hồn khi biết họ nhận ra mình dễ dàng như vậy bởi vì camera chỉ thu được một góc cái đầu của tôi!”. Để thực hiện thí nghiệm này, chúng tôi lập ra một căn bản dữ liệu từ các ảnh thu thập trên các trang web công cộng và xin phép GS Richard Madonna trước khi công bố bài báo này.

Từ mấy chục năm qua, hàng triệu camera đã được lắp đặt trong các xí nghiệp và nhiều nơi công cộng khác, tạo ra một hạ tầng giám sát hàng loạt mà người ta vô tình không hay biết. Trong quá khứ, phải có một người nhìn vào ảnh chụp và cố nhận diện đó là ai; không thể nào cung cấp toàn bộ động tác di chuyển của một người.

Ngày nay, kỹ thuật nhận diện khuôn mặt đã đạt tốc độ và mức tin cậy đủ để cung cấp một hệ thống giám sát kinh khủng.

Thế nhưng, pháp luật lại ì ạch theo sau. Tại Hoa Kỳ, sử dụng kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt không nằm trong khuôn khổ luật pháp nào cả. Jennifer Lynch, Giám đốc phụ trách tranh chấp liên quan đến giám sát thuộc Cơ quan Electronic Frontier (Biên giới điện tử), công nhận: “Kỹ thuật đã tiến nhanh hơn tôi từng tưởng tượng. Một tốc độ mà quan tòa có thể cấm cơ quan công quyền sử dụng một cách rất đơn giản!”.

Chẳng hạn, tại công viên Bryant, camera được lắp đặt cách nay hơn 10 năm chỉ nhằm cho chính quyền thành phố biết rõ khi nào cỏ mọc đủ cao để cho phép người ta đến tắm nắng trong mùa hè hay kiểm soát tuyết phủ vào mùa đông. Theo công ty quản lý công viên, đó không phải là hệ thống camera giám sát an ninh. Thế nhưng, thí nghiệm của chúng tôi đã chứng minh rằng, với vài camera và hệ thống nhận diện khuôn mặt, người ta có thể theo dõi một ai đó dễ dàng như thế nào: lúc mấy giờ hắn đi làm việc, uống cà phê với ai, nếu hắn rời sở làm sớm hơn thường lệ.

Trên hình ảnh thu được, Richard Madonna đang trên đường đi ăn trưa với ứng viên xin vào một vị trí, nghĩa là những thông tin nhạy cảm mà pháp luật đã cam kết bảo vệ. Cảnh sát và chính quyền cũng có thể tiếp cận một mạng lưới video giám sát khổng lồ. Hãy thêm vào đó một ngân hàng hình ảnh khuôn mặt lớn (giống như dữ liệu cơ bản của bằng lái xe) là có thể theo dõi một con người trên cả vùng rộng lớn, vào bất kỳ lúc nào. Không có gì chứng minh hệ thống này chỉ được sử dụng tại Hoa Kỳ.

Hơn thế nữa, năm 2018 đã có nhiều công ty quả quyết mình có thể so sánh hình ảnh thu được từ camera với kho dữ liệu đang lưu trữ hàng mấy tỉ khuôn mặt con người.

Trong ngành cảnh sát, người ta dùng nhận diện khuôn mặt để phát hiện những tên tội phạm tình nghi và tìm kiếm trẻ em thất lạc. Nhưng những người bảo vệ tự do cá nhân tố cáo nguy cơ lạm dụng của những kẻ độc tài nhằm theo dõi sự di chuyển của mọi công dân, để tìm kiếm những người tham gia biểu tình phản đối những chính sách bạo ngược. Những mối quan ngại này không phải là vô căn cứ.

Trong cuộc biểu tình năm 2016 phản đối cái chết của Freddie Gray, do cảnh sát Baltimore gây ra, người ta đã dùng kỹ thật nhận diện khuôn mặt từ hình ảnh đưa lên mạng xã hội để tìm lý lịch những kẻ tham gia biểu tình và ký lệnh truy nã. Jennifer Lynch kết luận: “Từ khi chính quyền có thể theo dõi chúng ta từng bước đi và nhận diện ra ở khắp nơi mình đến thì không còn có chuyện vô danh giữa đám đông nữa rồi”.

New York còn thua xa Trung Quốc, nơi số lượng camera giám sát được phân bổ cho 7 người/1 máy! Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tự do dân sự Mỹ (ACLU), chỉ riêng khu vực Hạ Manhattan của thành phố New York, cảnh sát cũng đã lắp đặt đến 9.000 camera! Cảnh sát trưởng Jessica McRorie, người phát ngôn của Sở Cảnh sát New York, nói với báo chí: “Chúng tôi so sánh các khuôn mặt thu được từ camera tại hiện trường gây tội ác với ảnh lý lịch tư pháp. Chúng tôi không hề sử dụng hình ảnh thu thập được trên toàn mạng lưới, cũng không sử dụng hình ảnh trên internet hay từ mạng xã hội”.

Amazon là một trong các công ty thương mại hóa dịch vụ nhận dạng khuôn mặt. Thoạt tiên, họ dùng phần mềm Rekognition, mà chúng tôi đã sử dụng, để tìm kiếm trẻ em bị thất lạc. Người sử dụng phải tuân theo luật pháp và tôn trọng quyền lợi của người khác như lời quả quyết của họ. Thế nhưng Amazon đã bị chỉ trích nặng nề vì tích cực quảng cáo cho lực lượng cảnh sát. Phần mềm Rekognition được văn phòng cảnh sát hạt Washington, bang Oregeon, sử dụng tích cực, đặc biệt để đều tra các vụ trộm hàng trong siêu thị.

Cảnh sát Orlando, bang Florida, cũng dùng kỹ thuật này để huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên. Rekognition không xác định ai. Nó không nói rõ là ai khi so sánh các bức ảnh, mà chỉ so sánh và cho tỷ lệ giống nhau giữa hai bức ảnh. Công ty Amazon quả quyết như vậy. Còn phải có sự can thiệp của con người nữa. Nhưng họ quả quyết mức độ tin cậy là đến hơn 99%. Thực ra, trong cuộc thử nghiệm ở công viên Bryant, tỷ lệ chính xác không đến 99%!

Matt Wood, Tổng giám đốc phụ trách trí thông minh nhân tạo của Amazon Web Service, công nhận rằng Rekognition có thể bị kẻ xấu lợi dụng giống như mọi thông tin khác nằm trong tay lực lượng an ninh. Cảnh sát sử dụng nó phải chú ý đến con người và luật pháp khi có liên quan đến tự do cá nhân. Amazon không hề muốn sản phẩm của mình bị chính quyền lạm dụng.

Thế nhưng, vào tháng 1.2019, ACLU đã gởi cho Amazon một bức thư yêu cầu ngưng bán phần mềm của mình cho các cơ quan cảnh sát và chính quyền, tố cáo Amazon chậm trễ so với Google và Microsoft trong vấn đề bảo vệ quyền tự do cá nhân. Nicole Ozer, phụ trách kỹ thuật và tự do dân sự thuộc ACLU, cho biết: “Hồ sơ quảng cáo của Rekognition nói rất ít về việc giám sát trong một chế độ độc tài”.

Tại Hoa Kỳ, không có bộ luật Liên bang nào quy định vấn đề nhận dạng khuôn mặt. Các tiểu bang cũng không có luật lệ, ngoại trừ Texas và Illinois, kể cả thành phố New York cũng không. Tuy nhiên, năm 2018, đã có một cố vấn đề nghị một nghị định yêu cầu các công ty phải minh bạch trong việc sử dụng loại kỹ thuật này. Jennifer Lynch nói: “Điều đó giống như vùng Viễn Tây của Hoa kỳ, còn vô luật pháp của thời xa xưa. Một khoảng trống của luật pháp đang bị một số người lợi dụng khai thác".

Theo một cuộc điều tra của Trung tâm Kỹ thuật và Quyền riêng tư con người, thuộc Đại học Georgetown, tại Washington D.C, năm 2007 một cảnh sát trưởng tại Arizona đã đưa vào cơ sở dữ liệu của mình, tất cả các bằng lái xe và phiếu nhận dạng con người tại Honduras. Một cảnh sát trưởng tại Florida đã ra lệnh truy nã 8.000 người/tháng mà không cần biết chính mình có vi phạm pháp luật hay không.

Trung tâm nghiên cứu tại Georgetown, Electronic Frontier Foundation và nhiều cơ quan khác đề xướng một số quy định như sau: buộc cảnh sát phải có suy đoán hợp lý trước khi truy nã một ai đó, cấm sử dụng nhận diện khuôn mặt liên tục từ cơ sở dữ liệu như bằng lái xe, hay cấm truy nã dựa vào dư luận công chúng, màu da, hay niềm tin tôn giáo. Ngay cả Amazon cũng kêu gọi lập ra một khung pháp lý dành cho can thiệp của con người và sự minh bạch. Nhưng, theo một số người, kỹ thuật tự thân đã là nguy hiểm đến mức chẳng có luật pháp nào khống chế được nó. Woodrow Hartzog, thuộc Đại học Northeastern, từng viết: “Cấm kỹ thuật nhận diện khuôn mặt tùy thuộc vào sự no đủ của con người trong tương lai”.

Ông giải thích: “Bởi vì nhận diện khuôn mặt khác cơ bản với các kiểu giám sát khác, nó nguy hiểm khôn cùng! Một khuôn mặt rất khó giấu và có thể nhìn thấy từ xa, khác hẳn dấu vân tay. Nhưng có lẽ đã quá trễ để cấm hay trì hoãn”. Gần như khắp cả Hoa Kỳ, cảnh sát đều khai thác kỹ thuật nhận diện khuôn mặt. Clare Garvie, thuộc Trung tâm Riêng tư và Kỹ thuật tại Georgetown, nhắc nhở: “Chúng ta không thể giới hạn cảnh sát sử dụng kỹ thuật của thế kỷ 20 chỉ vì lý do kỹ thuật thế kỷ 21 có nguy hiểm”.

Richard Madonna, vị giáo sư mà chúng ta gặp tại công viên Bryant, hiểu rõ sự căng thẳng. Ông thường nói với sinh viên của mình về bản báo cáo lợi-hại và thấy rất rõ lợi ích vĩ đại mà nhận diện khuôn mặt mang lại. Nhưng đó cũng là một kỹ thuật có thể bị lạm dụng bởi vì các quốc gia có thể dùng nó để theo dõi một nhóm người hay bất cứ cá nhân nào, kể cả một người đàn ông lặng lẽ nào đó vô tình đi ngang qua công viên Bryant.

Khái niệm về cuộc sống cá nhân đã thay đổi như thế nào?

Nhà báo Mỹ Tim Wu viết trên tờ The New York Times về mối liên quan lịch sử giữa chủ nghĩa tư bản và đời tư như sau: “Trong suốt phần lớn lịch sử nhân loại, cái mà ngày nay người ta gọi “đời tư” về thực chất chỉ là sự giàu có. Đời tư, cũng giống như tài sản, là cái mà người ta khó tiếp cận. Nông dân, đầy tớ hay nô lệ, sống trong những nơi đơn giản, thông thường là cùng chung sống với những người khác, thậm chí với cả gia súc. Họ chẳng có cái gì đáng giá để phải cần dấu diếm những ánh mắt tò mò. […] Muốn thế, phải có những căn nhà với nhiều phòng riêng biệt. Chỉ nhà giàu mới có được. Tiếp cận vào đời tư, dĩ nhiên đó là một niềm hãnh diện lớn lao của nền văn minh hiện đại, còn tùy thuộc vào một niềm hãnh diện khác, còn lớn lao hơn: sự ra đời của giai cấp trung lưu.

Tại Hoa Kỳ, có thể nói đời tư đã thắng thế trong thế kỷ 20. Thắng lợi lớn nhất là năm 1965: Tòa án tối cao đã công nhận một điều khoản trong Hiến pháp về đời tư. Nhưng chiến thắng pháp lý này không che giấu được các thế lực kinh tế tạo ra nó. Trong những năm 1960, nhờ sự xuất hiện của giai cấp trung lưu, mỗi người có thể uống rượu trong phòng khách, làm việc trong phòng làm việc, và mỗi đứa trẻ đều có phòng riêng. […] Chủ nghĩa tư bản đã có khía cạnh “đời tư”.

Thế nhưng, theo chuyên gia về kỹ thuật mới, mối quan hệ này đã bị phá vỡ. Sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản giám sát đã đẩy chúng ta quay trở lại con đường nô lệ. Tuy nhiên, tương lai không thể nào nói trước được. Phần lớn người Mỹ muốn đời tư của mình được bảo vệ tốt hơn. Muốn thế phải có luật pháp để thay đổi tận gốc rễ các mô hình kinh tế đang xoay chung quanh đời tư”.

Đinh Công Thành

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tu-nhan-dien-khuon-mat-den-giam-sat-con-nguoi-21329.html