Tư nhân đầu tư cải lương: 'Đánh bạc' với đam mê

Xã hội hội hóa sân khấu cải lương đã tạo tiền đề cho nhiều đoàn cải lương tư nhân ra đời. Đây có thể xem là niềm vui nhưng cũng không ít nỗi lo đi cùng.

Một cảnh trong vở cải lương Bao công xử án sát thủ hoa hồng của sân khấu Chí Linh - Vân Hà.

Tăng về số lượng

Đầu tiên phải kể đến sân khấu Chí Linh - Vân Hà, với sự kiện ngày 11-11 qua đoàn chính thức ra mắt khán giả tại rạp Hưng Đạo vở cải lương Bao công xử án sát thủ hoa hồng. Giám đốc sản xuất chính của Chí Linh - Vân Hà là Trần Hào, người 20 năm trước vào thời hưng thịnh của nghệ thuật cải lương đã thực hiện rất nhiều video cải lương cũng như đầu tư nhiều vở diễn. Sau này, anh có chuyển sang đầu tư cho phim truyền hình và cả phim màn ảnh rộng với vai trò nhà sản xuất phim, công việc giúp anh có cuộc sống kinh tế ổn định nhưng vì tri ân cải lương nên anh vẫn bám trụ.

Sân khấu Chí Linh - Vân Hà có vai trò lớn của Trần Hào. Anh là người giữ vai trò định hướng, đầu tư kinh phí cho vở diễn. Hai vợ chồng Chí Linh - Vân Hà sẽ là người viết kịch bản và chọn diễn viên. Trong thời gian tập luyện tập, nếu chưa đủ kinh phí, anh sẽ ứng trước, lỗ lãi tính sau.

Xuất hiện trước sân khấu Chí Linh - Vân Hà nhưng không được may mắn bằng, sân khấu cải lương tư nhân Lê Hoàng hoạt động được hơn 2 năm thì chấm dứt. Nhiếp ảnh gia Lê Hoàng có tuổi đời còn trẻ và tự cho mình chưa có nhiều kinh nghiệm điều hành và bản lĩnh làm việc với nghệ sỹ. Anh có hợp tác với Trần Hào, về sau, vì lý do không thống nhất trong cách làm việc, hai người chấm dứt hợp tác.

Lúc này, nghệ sỹ - doanh nhân Kim Ngân, con gái ruột cố nghệ sỹ Kim Ngọc, quyết định mua lại sân khấu Lê Hoàng nhưng vẫn giữ tên cũ. Như vậy sân khấu này tuy “bình cũ” nhưng “rượu mới”. Quyết tâm của nghệ sỹ Kim Ngân là nỗ lực tối đa để sân khấu Lê Hoàng sáng đèn hằng tuần cho các chương trình cải lương tổng hợp hoặc các vở nhỏ. Vở Thái hậu Dương Vân Nga của đoàn đã gây nhiều chú ý trong công chúng năm 2018.

Sân khấu cải lương còn đón nhận thêm một vài đơn vị nữa: soạn giả cải lương Hoàng Song Việt sau khi nghỉ hưu cũng đứng ra thành lập công ty riêng với mục tiêu duy nhất là đầu tư cho cải lương tuy nhiên đến giờ chưa ra mắt dự án lớn nào; nghệ sĩ Kim Tử Long cũng thành lập công ty và đã đầu tư nhiều vở diễn hay.

Sự ra mắt của nhiều sân khấu cải lương tư nhân là điều đáng mừng cho những người yêu cải lương nói riêng và cho nền nghệ thuật truyền thống nước nhà nói chung. Người yêu cải lương có nhiều hơn sự lựa chọn cho đam mê của mình. Tuy nhiên, giống như một số bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật cải lương đối mặt với nhiều thách thức của cuộc sống hiện đại.

Vì đam mê có thể vượt lên tất cả

Nghệ sỹ Kim Ngân, bà bầu sân khấu Lê Hoàng trong vở Thái hậu Dương Vân Nga.

Để được cháy hết mình vì nghệ thuật cải lương những ông bầu của các đoàn nghệ thuật cải lương phải xoay sở đủ nghề để đi đến cùng những đam mê của mình. Tìm được một người đỡ đầu như Trần Hào với sân khấu Chí Linh - Vân Hà là điều không phải dễ.

Nghệ sỹ cải lương Linh Huyền người được nhớ đến nhiều vở diễn mà chị là tác giả: Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, Bà chúa thơ Nôm… thành lập Công ty Mekong Artists nhằm mục đích kiếm lời đầu tư cho cải lương. Vì hoạt động không hiệu quả nên công ty đã tạm ngưng hoạt động.

Nghệ sỹ Vũ Luân cùng nghệ sĩ Tú Sương cùng đoàn Thắp sáng niềm tin hoạt động mạnh nhưng vì nhiều khó khăn cũng đã đóng cửa sân khấu.

Khó khăn trước hết phải kể đến là địa điểm diễn. Trong các đoàn tư nhân của các ông bà bầu gồm Hoàng Song Việt, Kim Tử Long, Trần Hào, Kim Ngân... thì chỉ có mỗi bà bầu Kim Ngân là thuê được rạp cố định, các đoàn kia phải thuê nhà hát diễn lưu động. Thế nhưng, sân khấu Lê Hoàng của bà bầu Kim Ngân bị hạn chế đủ thứ từ âm thanh, ánh sáng, ghế ngồi… Nghệ sỹ Kim Ngân muốn đầu tư nâng cấp nhưng không thể, vì hợp đồng thuê sân khấu chỉ có giá trị một năm. Sân khấu cũng chỉ hoạt động tạm, khi có tuồng lớn vẫn phải đi thuê rạp Bến Thành.

Không an cư khó lạc nghiệp. Nhưng các đoàn cải lương tư nhân chưa hết khó khăn. Kịch bản là vấn đề nan giải. Tìm được kịch bản có đề tài hay hấp dẫn khán giả là điều không dễ. Hoặc quá khô khan, đơn giản hoặc liên quan đến dàn dựng cần đầu tư công phu. Nhiều kịch bản cải lương phải chính xác sự kiện, không tùy tiện hư cấu hay thay đổi, mà như thế không thổi cái chất cải lương vào mạch ca diễn, khán giả khó cảm; lời thoại khó thuộc thách thức nghệ sỹ; trang phục và cảnh trí tốn kém nên ít đoàn dám làm vì không đủ sức.

Khi công diễn không phải vở diễn nào cũng thu hút được người xem. Kết quả các ông bà bầu và nghệ sỹ tự mình tìm mọi để bán được vé. Từ việc thuyết phục người quen, fan hâm mộ đến ủng hộ; rồi bán vé trực tuyến giao tại nhà miễn phí; quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội…

Theo ông bầu Trần Hào của sân khấu Chí Linh - Vân Hà, đoàn đang hoạt động kiểu liệu cơm gắp mắm. Anh em nghệ sỹ diễn vì đam mê, nhiệt tình, không câu nệ tiền lương. Tiền bán vé sau khi trừ hết chi phí mới trả lương nghệ sỹ tùy theo lượng vé bán được mỗi buổi diễn. Nếu hôm nào vé bán yếu, chỉ đủ trả tiền thuê rạp, nghệ sỹ sẵn sàng không nhận lương.

Theo bà bầu Kim Ngân, muốn cải lương hấp dẫn phải đầu tư đến nơi đến chốn. Vở Thái hậu Dương Vân Nga của sân khấu Lê Hoàng có tổng kinh phí gần 1 tỉ đồng. Việc kêu gọi tài trợ cho cải lương vô cùng khó nên bà lấy tiền của mình ra để trang trải chi phí, nhiều khi lực bất tòng tâm.

Nguyễn Huy

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281663/tu-nhan-dau-tu-cai-luong-danh-bac-voi-dam-me.html