Từ Nhà hát 1500 tỷ suy nghĩ về xã hội hóa các công trình nghìn tỷ phục vụ công cộng?

Trong lúc Dự án xây dựng Nhà hát TP. HCM hơn 1500 tỷ bằng nguồn Ngân sách NN đang vấp phải sự phản đối từ dư luận thì Dự án xây dựng SVĐ Hàng Đẫy, HN hơn 6300 tỷ bằng nguồn vốn xã hội hóa được nhân dân đồng tình!

Hà Nội, TP. HCM cùng công trình văn hóa nhưng khác nhau ở cách làm

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 8/10, kỳ họp bất thường HĐND TP.HCM khóa IX đã thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn NSNN thu từ bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Thông tin này ngay lập tức gây ra những phản ứng trái chiều. Ngay tại TP. HCM cũng đã có những luồng ý kiến trái chiều quyết liệt về vấn đề này. UBND, HĐND khẳng định đây là công trình dân sinh, văn hóa rất cần thiết để có sự tương xứng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa. Còn người dân thì phản đối cho rằng ở TP đang có nhiều việc cấp thiết như bệnh viện trường học, giao thông, triều cường, hộ nghèo phải quan tâm đầu tư hơn. Thậm chí trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM tại quận 1 và quận 3, cử tri nêu thẳng vấn đề: “Các đồng chí có 200 con người (Đại biểu HĐND TP.HCM- PV) với 400 con mắt, nhưng người dân TP.HCM có hàng chục triệu con mắt. Các đồng chí lúc nào cũng bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, vậy việc xây nhà hát các đồng chí có lấy ý kiến của người dân hay không?”.

Nhà hát Thủ Thiêm hơn 1500 tỷ gây xôn xao dư luận

Nhiều đại biểu Quốc hội và giới chuyên môn cũng lên tiếng khẳng định sự cần thiết phải có những công trình văn hóa tầm cỡ ở TP. HCM đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng phải có sự chuẩn bị chu đáo và tính toán cụ thể về địa điểm, thời gian, nguồn vốn cũng như sự chưng cầu ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân để có sự đồng thuận cao trong cộng đồng trước khi triển khai.

Báo chí thì phân tích, phản ánh, chỉ ra sự lãng phí không sử dụng hết công suất các nhà hát hiện có tại TP. HCM đến sự "bất thường" của khu đất "kim cương" được đấu giá để lấy tiền xây dự án nhà hát trên 1500 tỷ đồng...Đến việc xây dựng một nhà hát được bàn qua 3 nhiệm kỳ nay được quyết "vội vàng" trong phiên họp "bất thường" ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về một số sai phạm nghiêm trọng ở Thủ Thiêm.

Cũng tại thời điểm đó, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy với chi phí hơn 6.300 tỷ đồng bằng hình thức xã hội hóa 100%, đổi lại nhà đầu tư được khai thác, vận hành sân vận động khoảng 50 năm. TP.Hà Nội đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm khởi công tổ hợp SVĐ Hàng Đẫy, nhằm đáp ứng mục tiêu đến tháng 10/ 2021 hoàn thành, phục vụ SEA Game 31. Những thông tin có liên quan đến dự án xây mới một SVĐ tầm cỡ quốc tế với chi phí gấp 4 lần xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm nhưng gần như không gặp bất kỳ một sự phản đối nào của các tầng lớp nhân dân.

Xã hội hóa những công trình văn hóa, thể thao, giải trí nghìn tỷ là cần thiết?

Nhà hát Thủ Thiêm cũng giống như SVĐ Hàng Đẫy đều là những công trình văn hóa, thể thao, giải trí không phải là vấn đề cấp thiết dân sinh, không được sử dụng thường xuyên, là công trình kiến trúc mang lại dấu ấn và diện mạo cho cảnh quan kiến trúc và tầm vóc văn hóa của một đô thị lớn...Vậy sao không tính toán đến một phương án xã hội hóa huy động các nguồn lực xã hội đầu tư, khai thác và chuyển giao sẽ an toàn, hiệu quả, thiết thực, tránh lãng phí và sự phản cảm hơn.

Phương thức đó hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh cả nước đang ra sức nỗ lực cắt giảm đầu tư công; áp lực nợ công; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bình đẳng xã hội; tập trung cho các công trình an sinh xã hội cấp thiết, từng bước giải quyết và ứng phó kịp thời với tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiệm môi trường, giao thông, dịch bệnh...các khoản đầu tư cho các công trình văn hóa giải trí phục vụ một bộ phận công chúng có suất đầu tư lớn nên được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa.

Sân vân động Hàng Đẫy hơn 6.300 tỷ được nhân dân đón chờ

Thực tế, với tư duy nhiệm kỳ trong thời gian vừa qua đã để lại cho chúng ta bao công trình văn hóa nghìn tỷ nhưng chưa phát huy hết được công năng, hiệu quả kinh tế, xã hội, văn hóa vốn có của nó mà để lại những "biểu tượng" phản cảm và gánh nợ công ngày một nặng nề?

Nếu không lựa chọn một giải pháp "tối ưu toàn cục" (mà phương thức xã hội hóa của Hà Nội là một trong những gợi ý) cho công trình xây dựng nhà hát nghìn tỷ tại TP. HCM mà cơ quan hữu trách vẫn tiếp tục khẳng định "NSNN đã bố trí rồi", "đến thời điểm là làm thôi", "không bàn lúc này thì bàn lúc nào", "không chạy theo dư luận"...thì xem ra cuộc tranh luận và phản biện trái chiều trên tinh thần xây dựng và không khí dân chủ cởi mở xung quanh đề tài này vẫn chưa đến hồi kết thúc để đạt được "Ý Đảng lòng Dân"?!

Nguyên Vương

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/tu-nha-hat-1500-ty-suy-nghi-ve-xa-hoi-hoa-cac-cong-trinh-nghin-ty-phuc-vu-cong-cong-53166.htm