Từ ngày 20/8, nhiều dịch vụ y tế tăng giá

Bộ Y tế vừa đồng thời ban hành Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện, bao gồm giá khám, chữa bệnh có BHYT (bảo hiểm y tế) và ngoài phạm vi BHYT.

Theo Thông tư mới này, Bộ Y tế không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9-5-2019).

Với quy định này, từ ngày 20/8 tới, giá dịch vụ khám bệnh BHYT có điều chỉnh tăng tại các cơ sở y tế. Chẳng hạn, với giá khám bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I quy định mới là 38.700 đồng (giá hiện tại là 37.000 đồng).

Tương tự, giá khám bệnh bệnh viện hạng II tăng lên 34.500 đồng (hiện là 33.000 đồng); bệnh viện hạng III: 30.500 đồng (hiện là 29.000 đồng); bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng (hiện là 26.000 đồng).

Cùng với giá khám bệnh, giá dịch vụ ngày giường bệnh BHYT cũng được điều chỉnh tăng lên. Theo đó, tại bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh là 782.000 đồng/ngày (giá cũ là 753.000 đồng); Đối với bệnh viện hạng I, mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tối đa là 705.000 đồng/ngày, bệnh viện hạng II là 602.000 đồng/ngày.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm BHYT áp dụng cho từng hạng bệnh viện.

Các dịch vụ khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa, khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) cũng được điều chỉnh tăng lên 160.000 đồng (mức giá hiện tại là 145.000 đồng); giá khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động tăng lên 30 nghìn, ở mức 450.000 đồng.

Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, thực tế nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu) là rất lớn. Bệnh viện phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, các bệnh viện trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nên thời gian vừa qua, nhiều người phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Mặt khác, hiện nay rất nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại.

Chính vì thế, Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Theo ông Liên, thông tư này chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu: thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán BHYT và mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/tu-ngay-20-8-nhieu-dich-vu-y-te-tang-gia-d2071003.html