Từ năm 2019 thanh toán qua BHYT khi điều trị ARV

Quảng Ninh hiện có trên 5.400 người nhiễm HIV/AIDS còn sống và xác định đúng địa chỉ, trong đó có hơn 4.800 người đang được điều trị bằng thuốc ARV. Thuốc kháng virus (ARV) không chỉ giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, mà còn giúp giảm lây truyền HIV sang người khác, kiểm soát sự bùng phát của đại dịch HIV/AIDS.

Người bệnh HIV được tư vấn sử dụng thuốc ARV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi là điều trị đặc hiệu. Tại Việt Nam, từ năm 2004 cũng đã áp dụng điều trị HIV bằng thuốc ARV với phần lớn nguồn thuốc được chính phủ một số nước và các tổ chức quốc tế tài trợ. Tại Quảng Ninh, từ năm 2005 cũng đã triển khai áp dụng điều trị HIV bằng thuốc ARV.

Ông P.V.C. (SN 1969), phường Hà Tu, TP Hạ Long, là một trong những bệnh nhân đang điều trị ngoại trú HIV/AIDS tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông C. bắt đầu được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV vào năm 2006. Từ đó đến nay, đều đặn hằng tháng, ông đều đến Bệnh viện để bác sĩ thăm khám và lĩnh thuốc ARV. Ông C. chia sẻ: Tôi luôn cố gắng duy trì việc điều trị, uống thuốc ARV thường xuyên, bởi qua tư vấn của bác sĩ nếu uống thuốc không đều đặn, không đúng liều và không đúng giờ... sẽ bị suy kiệt, dễ mắc hàng loạt bệnh nhiễm trùng cơ hội. Với việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị nên tôi có sức khỏe ổn định, ít đau ốm. Tương tự, chị P.T.S. tại phường Tuần Châu, TP Hạ Long, cũng uống thuốc điều trị ARV tại Trung tâm Y tế TP Hạ Long từ hơn 10 năm nay, cho biết: Nhờ uống thuốc ARV từ sớm nên sức khỏe của tôi khá tốt, vẫn có thể lao động bình thường. Đặc biệt là khi sinh con, con tôi không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Phát thuốc ARV miễn phí cho người nhiễm HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Điều trị HIV bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của vi rút, do đó duy trì được lượng vi rút thấp nhất trong máu và duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm, người nhiễm không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ. Trong trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV, hệ miễn dịch được phục hồi trở lại, đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV, do đó có thể giảm nguy cơ tử vong. Đặc biệt, điều trị ARV sớm có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Điều trị thuốc ARV còn giúp giảm chi phí thuốc men, chi phí khám, chữa bệnh và chi phí nằm viện, từ đó giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình, ngành Y tế trong hoạt động điều trị, dự phòng. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân bị đồng nhiễm viêm gan B với HIV thì việc tiếp cận sớm với điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV cũng đồng thời có tác dụng điều trị ức chế vi rút viêm gan B, ngăn chặn sự tiến triển của viêm gan B tới xơ gan và ung thư gan. Như vậy, người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ CKI Bùi Thị Năm, Phó trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Bệnh viện hiện đang điều trị bằng thuốc ARV ngoại trú cho gần 1.300 người bệnh nhiễm HIV. Khi đã điều trị bằng thuốc ARV, người nhiễm bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đều đặn hằng ngày, đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và tránh kháng thuốc.

Bác sĩ Trung tâm Y tế TP Hạ Long tuyên truyền cho người nhiễm HIV tiếp tục duy trì việc tham gia BHYT.

Hiện việc điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV được tiến hành miễn phí. Người nhiễm HIV sẽ đến lấy thuốc định kỳ (30 ngày/lần) tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện. Tuy nhiên, các nguồn kinh phí viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng bị cắt giảm mạnh, khiến cho công tác phòng, chống cũng như hỗ trợ, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2019, việc điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút ARV sẽ chuyển từ miễn phí như hiện nay sang hình thức thanh toán qua bảo hiểm y tế (BHYT).

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân cao, do đó tỷ lệ người nhiễm HIV tiếp cận với thẻ BHYT cũng khá lớn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 92% người nhiễm HIV đã có thẻ BHYT. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để người nhiễm HIV tích cực duy trì việc tham gia BHYT, đồng thời tăng thêm số người tham gia BHYT, nhằm giúp họ không chỉ được điều trị bằng thuốc ARV đều đặn, mà còn có thể được chăm sóc sức khỏe tốt hơn tại các cơ sở y tế.

Theo các chuyên gia, hiện chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS là khoảng 4 triệu đồng/người/năm. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, chi phí điều trị có thể tăng lên gấp 7-8 lần. Bởi vậy, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để được điều trị bằng thuốc ARV. Theo các quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được cơ quan bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã về hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%... Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả nhiều nhất là 20% tiền chữa bệnh. Người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong dịch vụ y tế như: Khám bệnh, làm xét nghiệm phục vụ quá trình điều trị, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội… BHYT sẽ giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế, nhất là khi yêu cầu điều trị ARV là liên tục và suốt đời.

Toàn tỉnh còn khoảng 600 người mắc HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV, khoảng 8% người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT. Vì thế, công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ còn phải tăng cường hơn nữa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ cho những người không may bị nhiễm HIV. Đặc biệt là người nhiễm HIV cần vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia BHYT ngay để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mình. Ðó chính là giải pháp lâu dài, bền vững để đi đến chiến thắng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ với đại dịch HIV/AIDS.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201810/tu-nam-2019-thanh-toan-qua-bhyt-khi-dieu-tri-arv-2405539/