Từ mùa Thu năm ấy...

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một trong những thắng lợi nổi bật nhất, vĩ đại nhất của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Lê Minh.

Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Lê Minh.

Từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra trang sử vẻ vang chói lọi nhất cho dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Để rồi sau đó, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”

Nói về thành công của Cách mạng Tháng Tám, ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) nhận định, chỉ 15 năm sau ngày thành lập Đảng, khi đó chỉ với 5.000 đảng viên, với 20 triệu dân nhưng Đảng đã động viên nhân dân cả nước giành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám. Sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định thắng lợi.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Thắng lợi ấy cũng minh chứng cho bản lĩnh và trí tuệ của Ðảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn đường lối đấu tranh cách mạng đúng đắn với tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén, nắm bắt và chớp đúng thời cơ. Thắng lợi đó là hoàn toàn tất yếu. Bởi sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Chỉ 4 năm sau, Người cùng Trung ương Đảng đã xây dựng lực lượng và lãnh đạo quân, dân cả nước. Để rồi, sáng ngày 19/8/1945, theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, cả Hà Nội vùng lên. Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng tỏa đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám là sự kiện vĩ đại trong lịch sự dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của Cách mạng Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định, bài học lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám mùa Thu năm 1945 đó là sự lãnh đạo khoa học chặt chẽ của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Nếu không có sự lãnh đạo chặt chẽ sẽ không có thắng lợi. Sự lãnh đạo của Đảng luôn luôn là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của cách mạng bất kỳ thời kỳ nào. Đó là bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo ông Phúc, Cách mạng Tháng Tám đã huy động được lực lượng của toàn dân tộc. Tất cả các giai cấp tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, thậm chí nhà tư sản, địa chủ, tôn giáo, tất cả người Việt Nam có tinh thần yêu nước đều đứng vào hàng ngũ của cách mạng, tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh với 10 chính sách. Lúc bấy giờ hình ảnh của Mặt trận Việt Minh như là “linh hồn” của Cách mạng Tháng Tám. Đảng đề ra đường lối và Mặt trận Việt Minh đã tập hợp rộng rãi đoàn kết các lực lượng để đi đến thắng lợi.

“Nếu không có vai trò đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Việt Minh thì không thể có thắng lợi. Đó là sự vùng dậy của cả một dân tộc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Thực lực cách mạng trước hết là khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - ông Phúc nhấn mạnh.

Đến tranh thủ “chớp thời cơ”

79 năm trôi qua, tinh thần của Cách mạng Tháng Tám với những bài học quý về đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là ngọn đuốc soi rọi để Đảng ta vận dụng thành công hơn nữa và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời đã từng nhiều lần nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nhiều lần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, sau gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã hình thành được lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam - đó là kết tinh của nhận thức, ý chí, nguyện vọng của Đảng ta và nhân dân ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước bị chiến tranh tàn phá và sau gần 30 năm bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó với 30 nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam đi đầu trong thực hiện thành công nhiều mục tiêu phát triển bền vững, nhất là về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về cảm nghĩ của mình khi được tín nhiệm tuyệt đối (100%) bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: Có lẽ không có gì bằng sự đoàn kết, thống nhất. Sự đoàn kết, thống nhất là sức mạnh của chúng ta. Sự đoàn kết, thống nhất từ trong Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được lan tỏa, tiếp tục phát huy, khơi dậy tốt đẹp. Đây là sức mạnh của Đảng, quốc gia chúng ta để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt thắng lợi mục tiêu của Đảng ta đã đề ra.

“Bối cảnh mới đang mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới” - vấn đề đó đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập và nhắc lại nhiều lần trong phiên họp của các Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Vì thế, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ mãi còn nguyên giá trị để huy động sức mạnh toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Hiện nay, bên cạnh yếu tố phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước trong bối cảnh mới đang mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, cần “chớp thời cơ”, tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, xu hướng hòa bình hữu nghị hợp tác phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0 để chúng ta thúc đẩy phát triển đất nước, củng cố thực lực.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tu-mua-thu-nam-ay-10289187.html