Từ mùa thu độc lập, đến đời sống ấm no, đất nước cường thịnh

Tháng 9 năm 1945, ngay sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), một trong những trăn trở của Bác là 'lo cho dân có cơm ăn, áo mặc'. Mong muốn của Người đã được Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện, để đến hôm nay, cái đói, cái nghèo đang dầnlùi xa, no ấm hiển hiện trên những nếp nhà.

Diệt giặc đói - nhiệm vụ cấp bách

Những ngày đầu lập nước, trước cảnh lầm than, đói rét của một bộ phận lớn người dân, Bác Hồ đã xác định việc xóa đói, giảm nghèo quan trọng và cấp bách. Người đã chỉ rõ, đói nghèo là một trong ba thứ giặc cần phải diệt: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Theo đó, diệt giặc đói được Bác đặt lên hàng đầu và để diệt được giặc đói thì một trong những mục tiêu phấn đấu là phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất và tiết kiệm để xóa đói, giảm nghèo.

Nhiều chính sách lớn về giáo dục tại vùng cao ngày càng được quan tâm

Với Bác, trong một đất nước mà người dân còn bữa đói, bữa no... thì xã hội sẽ chưa thể bình yên. Chính vì vậy, trong nhiều bài viết, di chúc Bác đều nhấn mạnh đến việc: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”... “Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Theo lời Bác dạy, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Đặc biệt với vùng đồng bào DTTS và miền núi, đến nay, các chính sách hỗ trợ đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội của đồng bào. Trong đó, có nhiều chính sách lớn về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, dạy nghề, đào tạo cán bộ...

Cùng với nền kinh tế ngày càng lớn mạnh, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam đã giảm mạnh từ trên 60% năm 1990 xuống còn khoảng dưới 7% vào năm 2017. Đây là một thành tựu to lớn, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta trong triển khai chiến lược xóa đói, giảm nghèo và thực hiện tốt cam kết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Với riêng vùng đồng bào DTTS và miền núi, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: Chương trình 30a; Chương trình 135; Chương trình xây dựng nông thôn mới... đã góp phần không nhỏ thay đổi tư duy sản xuất, hình thành mô hình canh tác hiệu quả, xây dựng hàng triệu công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2017, nếu

như tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 7%, thì bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo trên cả nước vẫn còn dưới 40%. Đặc biệt, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới, xã an toàn vùng DTTS và miền núi tuy có giảm, nhưng nhiều nơi vẫn ở mức cao, từ 50% đến hơn 70%.

Thực tế này đang cho thấy, để vươn lên, vùng DTTS và miền núi cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư với những chính sách hiệu quả và phù hợp. Giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên yêu cầu thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong phạm vi cả nước, đặc biệt tập trung cao hơn cho vùng lõi nghèo… Cụ thể, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào DTTS, chú trọng các giải pháp tạo điều kiện, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, thoát nghèo không chỉ thuần túy là “có cơm ăn, áo mặc”, mà hơn thế là hướng tới cuộc sống đủ đầy về cả vật chất và tinh thần.

Từ mùa thu độc lập năm 1945, 73 năm qua, đất nước ta vẫn bền bỉ, nỗ lực thực hiện lời dạy của Bác, lo cho đất nước cường thịnh, nhân dân ngày càng no ấm. Mùa Thu năm nay, trong không khí tưng bừng của cả nước kỷ niệm ngày Quốc khánh, đồng bào vẫn đang tiếp tục hăng say lao động - sản xuất. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, tinh thần vượt khó, tự lực tự cường của đồng bào đang làm nên những vùng nguyên liệu rộng lớn, những trang trại gia súc trù phú, những sản phẩm thủ công độc đáo... Tất cả, giống như những “hạt vàng” cần mẫn, dệt nên bao mùa vàng hy vọng cho quê hương, đất nước.

PV

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/tu-mua-thu-doc-lap-den-doi-song-am-no-dat-nuoc-cuong-thinh-108022.html