Từ một tòa nhà bê tông trên đỉnh Mã Pì Lèng

Thưa quý báo, tôi đã nhắm mắt lại và tưởng tượng: nếu sau tòa nhà 7 tầng này, sẽ có tòa nhà 7 tầng khác thì sao đây? Và sau tòa nhà 7 tầng khác, lại có tòa nhà 17 tầng khác nữa thì sao đây? Một tòa nhà mọc lên được thì những tòa nhà khác hoàn toàn cũng có thể mọc lên được lắm chứ! Khi ấy đi trên đỉnh Mã Pì Lèng chúng ta rồi sẽ nhìn thấy cái gì đây?

Gửi báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!

Tôi đã phải cố bình tĩnh nhất có thể trước khi ngồi viết những dòng này gửi quý báo. Bởi vì thực sự là những ngày gần đây, khi nhìn thấy một khu nhà 7 tầng mọc lên trên đỉnh Mã Pì Lèng - một trong 4 đỉnh đèo được đánh giá là "thiên hạ đệ nhất hùng quan" ở Việt Nam thì cũng giống như rất nhiều cư dân mạng, tôi thấy bàng hoàng, sửng sốt.

Thực lòng, 5 năm trước, khi tôi đi tham quan Mã Pì Lèng thì tòa nhà này chưa có, và cho đến lúc này, tôi cũng chưa nhìn thấy tòa nhà này ngoài đời thực. Nhưng qua những bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và nhiều tờ báo, tôi nghĩ rằng sự xuất hiện của một tòa nhà 7 tầng như vậy, ở giữa một vùng đại tự nhiên như vậy là không thể chấp nhận nổi. Vì nó phá vỡ cảnh quan tự nhiên, phá vỡ nét đẹp vốn có của một con đèo.

Khu nhà 7 tầng mọc lên trên đỉnh Mã Pì Lèng. Ảnh: L.G

Khu nhà 7 tầng mọc lên trên đỉnh Mã Pì Lèng. Ảnh: L.G

Thưa quý báo, tôi đã nhắm mắt lại và tưởng tượng: nếu sau tòa nhà 7 tầng này, sẽ có tòa nhà 7 tầng khác thì sao đây? Và sau tòa nhà 7 tầng khác, lại có tòa nhà 17 tầng khác nữa thì sao đây? Một tòa nhà mọc lên được thì những tòa nhà khác hoàn toàn cũng có thể mọc lên được lắm chứ! Khi ấy đi trên đỉnh Mã Pì Lèng chúng ta rồi sẽ nhìn thấy cái gì đây?

Thưa quý báo, đấy là câu chuyện kinh hãi mà tôi đang tưởng tượng ra ở Mã Pì Lèng, nhưng ở nhiều khu rừng, nhiều địa danh, nhiều vùng non nước hùng vĩ và truyền thống khác, chẳng cần phải nhắm mắt tưởng tượng, hiện thực đã bày sẵn ra như thế rồi.

Để thực hiện cái gọi là "phát triển du lịch", nhiều địa phương đã "nhắm mắt" giao đất, giao rừng, giao tài nguyên thiên nhiên đất nước cho những công ty xây dựng và du lịch khai thác. Và từ đó tạo ra hàng loạt những hệ lụy khó chấp nhận.

Ví dụ rõ nhất là ngay năm ngoái thôi, Công ty Du lịch Tràng An đã tự ý mở thêm cả một điểm du lịch gọi là "Tràng An cổ" tại khu vực núi Cái Hạ nằm trong vùng lõi của di sản Tràng An. Rồi mới đây, báo chí đã phản ánh câu chuyện UBND tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo gửi Thủ tướng, liệt kê 10 doanh nghiệp bị cho là đã "băm nát" hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt (Lâm Đồng).

Có doanh nghiệp thậm chí đã tự ý phá 800 mét vuông rừng phòng hộ, xây dựng 23 công trình sai phép, 5 công trình không phép ở đây. Tôi đọc báo và thấy kinh ngạc ở điểm, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục sai phạm bất chấp quyết định cưỡng chế của UBND thành phố Đà Lạt.

Trời đất ơi, nguồn sức mạnh nào khiến người ta có thể ngang nhiên xâm phạm di sản một cách vô pháp vô thiên đến thế? Đạo lý nào khiến người ta có thể tự tin tàn phá những cánh rừng, hủy hoại tự nhiên một cách trắng trợn đến thế?

Thưa quý báo, theo tôi, chúng ta đã/ đang xâm phạm đến người mẹ tự nhiên đến mức không thể chấp nhận nổi, cho dù ngoài miệng chính những người này luôn hô hào kêu gọi phải bảo vệ thiên nhiên. Và tôi e sợ rằng, cứ với đà này, cái giá mà chúng ta sẽ phải trả là cực lớn. Nó lớn ngoài sức tưởng tượng vốn có của chúng ta. Nó sẽ khiến cho đời sống của con cái, hậu duệ chúng ta sau này vô cùng khốn khổ.

Chúng ta phải làm gì, thưa quý báo? Tôi nghĩ rằng, nhất định chúng ta phải làm một cái gì đó thật đặc biệt, thật hiệu quả và thực chất, chứ không thể cứ để cho người ta xâm phạm đến di sản, xâm phạm đến tự nhiên hết lần này đến lần khác!

Tôi tha thiết được lắng nghe câu trả lời của báo An ninh thế giới giữa tháng cuối tháng. Xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Hoài Nam (Hà Nội)

Kính gửi độc giả Nguyễn Hoài Nam!

Chúng tôi rất xúc động khi nhận được những dòng thư đầy tâm huyết của độc giả. Qua những dòng thư này, chúng tôi hiểu, độc giả là một người có trách nhiệm và có tấm lòng sâu nặng với tự nhiên. Đấy là một điều hết sức đáng quý. Và nếu những điều đáng quý như thế được nhân rộng thì chắc chắn chúng ta đã không phải "gặp" nhau trong hoàn cảnh như thế này, để cùng trao đổi, bàn bạc về vấn đề rất nhức nhối này.

Thưa độc giả, về câu chuyện một tòa nhà 7 tầng được dựng lên ở đỉnh Mã Pì Lèng gần 1 năm nay, khiến độc giả và nhiều cư dân mạng phẫn nộ, chúng tôi cũng đã tìm hiểu kỹ lưỡng, ở rất nhiều góc độ khác nhau.

Và chúng tôi muốn độc giả cùng suy nghĩ về lời giải thích của bà chủ khu nhà này, khi bà trả lời báo điện tử Zing.vn: "Tôi không hề làm vụng trộm, vì vụng trộm không bao giờ làm được tòa nhà như thế này!". Độc giả nghĩ gì về lời giãi bày này? Còn với chúng tôi, thực tâm chúng tôi tin bà chủ nhà nói đúng. Một tòa nhà lớn như vậy, bề thế như vậy, sừng sững như vậy, lại mọc ngay giữa thanh thiên bạch nhật thì không thể nào làm vụng trộm được. Đã không làm vụng trộm thì rõ ràng là làm công khai. Vấn đề tiếp theo là trách nhiệm địa phương, cụ thể là trách nhiệm của UBND huyện Mèo Vạc ở đâu trước sự công khai này?

Chúng tôi muốn nhắc lại rằng, điều 32, luật Di sản văn hóa đã qui định: "Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH - TT - DL".

Có ý kiến cho rằng tòa nhà 7 tầng trên đỉnh Mã Pì Lèng không nằm ở khu vực "bảo vệ 2", nên không cần phải tuân thủ những quy định ở điều 32. Tuy nhiên, luật Di sản văn hóa còn có điều 36, nhấn mạnh: "Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại điều 32 mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch".

Có nghĩa là nếu chiếu theo điều 36 thì tòa nhà 7 tầng trên đỉnh Mã Pì Lèng đã không đảm bảo quy định của luật di sản, vì trước khi được xây dựng nó chưa hề nhận được cái gật đầu của các cơ quan văn hóa địa phương và Trung ương. Nhưng đấy mới chỉ là nhìn ở góc độ luật Di sản văn hóa, còn nhìn ở góc độ xây dựng thì tòa nhà 7 tầng này cũng phạm luật vì nó cũng chưa hề được cấp phép xây dựng.

Thế mà cuối cùng nó vẫn được dựng lên, và như lời của bà chủ nhà thì nó được dựng lên "không hề vụng trộm". Tại sao lại có một điều nghịch nhĩ và nghịch lý đến như vậy?

Vẫn bà chủ nhà, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo điện tử Zing.vn đã cho biết: "Các sếp bảo là thôi mình có đất thì mình làm đi, thì thôi tôi cũng cố gắng hết lòng mà làm thôi". Chắc độc giả cũng như chúng tôi, sẽ lập tức đặt ra một câu hỏi: rốt cuộc các sếp là các sếp nào? Cụ thể các sếp đã nói như thế nào?

Và phải chăng, chính nhờ sự chống lưng của các sếp mà tòa nhà mới có thể hiên ngang, sừng sững hiện lên, bất chấp luật lệ như vậy? Đây là một khía cạnh mà chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng phải vào cuộc, và truy nguyên đến cùng.

Thưa độc giả Nguyễn Hoài Nam, trong phần cuối bức thư của mình, độc giả đặt ra câu hỏi: "Chúng ta phải làm gì?". Thì đấy, theo chúng tôi, điều nhất định phải làm, trong câu chuyện cụ thể này là truy ra bằng được những sếp nào đã "che", những sếp nào đã "chắn" (nếu có)? Và nếu đã truy ra được thì phải xử lý đến cùng.

Từ câu chuyện một tòa nhà bê tông kiên cố sừng sững mọc lên trên một đỉnh đèo, chúng tôi cũng muốn đề cập tới một vấn đề mang tính bao quát hơn, mà độc giả cũng đã ít nhiều đặt ra trong bức thư của mình, đó là quá trình bê tông hóa của con người hiện đại hôm nay đã khiến người mẹ tự nhiên ngày càng kiệt quệ.

Thưa độc giả, có một thống kê khiến chúng tôi giật mình, đó là trong danh sách những vật liệu được sử dụng nhiều nhất trên trái đất này thì bê tông đứng thứ hai, chỉ sau nước. Và người ta tính toán rằng, nếu công nghiệp xi măng là một quốc gia thì quốc gia ấy sẽ là nước xả thải Carbon thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.

Thành thử một tòa nhà bê tông ở giữa một thiên nhiên hùng vĩ có thể phá vỡ cảnh quan, tầm nhìn nhưng hàng loạt những tòa nhà bê tông không ngừng được xây lên trong các thành phố mà chúng ta đang sống cũng sẽ phá vỡ chính môi trường sống, khiến nguồn không khí mà chúng ta thở mỗi ngày bị ảnh hưởng trầm trọng.

Bê tông giúp chúng ta tạo nên những tòa nhà kiên cố - nơi trú ẩn an toàn trước những đại biến động của tự nhiên như bão lũ, sóng thần, núi lửa. Nhưng khi quá trình xây dựng bị lạm dụng một cách quá đà thì chính nó - những tòa nhà bê tông nay được quảng cáo là "chọc trời", mai được quảng cáo là "chọc trời" sẽ lại biến dạng thành sát thủ, âm thầm sát hại nguồn khí quyển của chúng ta.

Cho nên, nhân một câu chuyện cụ thể về một tòa nhà trên một đỉnh đèo chúng tôi cũng nghĩ nhiều đến những tòa nhà trong thành phố vốn không ngừng được dựng lên từ khát vọng chinh phục mang đầy tính ảo tưởng của con người. Mong là độc giả sẽ cùng chúng tôi suy ngẫm thêm về điều này, và có thể chúng ta sẽ sớm trở lại chủ đề này tới đây.

Xin chân thành cảm ơn độc giả!

Vương Trọng Tín

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/tu-mot-toa-nha-be-tong-tren-dinh-ma-pi-leng-566581/