Từ một sự cố nhỏ

Các cán bộ để xảy ra việc 7 thí sinh nhầm địa điểm thi đã phải kiểm điểm rút kinh nghiệm. Nhưng vụ việc tuy nhỏ và may mắn là không xảy ra sự cố đáng tiếc nào lại cho thấy việc áp dụng công nghệ của thời buổi 4.0 không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả. Suy cho cùng con người vẫn là yếu tố quan trọng và việc gì cũng phải sâu sát mới mong không xảy ra sai sót.

Đối với những người lớn, nghe chuyện 7 thí sinh bị nhầm địa điểm thi chỉ giống một câu chuyện nhỏ. Nhưng đối với những em học sinh đang tuổi lớn thì đó không thể là chuyện nhỏ. Nếu vì nhầm lẫn của người lớn để lỡ của các em một kỳ thi thì đối với ký ức các em đó sẽ là một ký ức buồn khó mà xóa được. Trong câu chuyện này, khi phát hiện ra có nhầm lẫn địa điểm thi, đáng lẽ cần phải có việc xử lý một cách trách nhiệm hơn, chứ không phải bằng việc thông báo bằng email và tin nhắn cho nhà trường vào lúc nửa đêm.

Câu chuyện này lại gợi nhớ đến nhiều việc khác đã từng xảy ra mà khi có sự cố thì người dân không biết kêu ở đâu. Trách nhiệm là một thứ luôn được đi lòng vòng. Ví dụ như vào năm 2013, người dân ở Đắk Nông phát hiện ra một quả bom nổ chậm và sau khi báo cáo chính quyền thì 7 tháng sau, kế hoạch tháo dỡ quả bom mới được tiến hành. May là trong vòng 7 tháng ấy, quả bom nổ chậm đã không phát nổ. Ví dụ năm 2006, một người đàn bà ở một xã ở Quảng Nam bị mất chồng trong cơn bão Chanchu, nhưng 8 năm sau vẫn chưa làm được giấy báo tử.

7 tháng để trách nhiệm tháo dỡ quả bom được thực hiện, dù khi nhận định về nó, các cơ quan có trách nhiệm đều bảo rất nguy hiểm. Vì nguy hiểm, nó tồn tại 7 tháng, nếu không, nó nằm đấy còn lâu. Hay hành trình 8 năm kể từ sau bão Chanchu, người đàn bà ở Tam Kỳ (Quảng Nam) chưa thể có được giấy chứng tử cho chồng. Vì những người đàn ông đi biển bị mất tích trong bão, để có được giấy chứng tử , phải có quá nhiều thủ tục rắc rối đối với những người đàn bà vùng biển vốn vừa lam lũ vừa không đủ thời gian, tiền bạc, công sức để đáp ứng được mớ giấy tờ thủ tục nhiêu khê ấy. Ví dụ như phải nộp đơn lên tòa án, phải thông báo tìm kiếm người mất tích trên báo, đài trung ương 3 số liên tiếp…

Chúng tôi nhắc lại những câu chuyện ấy để nói về 2 chữ trách nhiệm. Khi có những sự việc cần đến trách nhiệm cụ thể và tới nơi tới chốn thì thường là những người có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hay thờ ơ.

Không đem chuyện 7 thí sinh bị nhầm địa điểm thi đến giờ chót mới nhận được thông tin ra so sánh với những việc khác nhằm làm to một câu chuyện mà nhiều người cho rằng “không có gì phải phức tạp”, nhưng câu chuyện trách nhiệm thì luôn tương tự như nhau. Ví dụ người ta sẽ cho rằng khi phát hiện ra sai thì đã có thông báo kịp thời, dù có thể đó là tin nhắn vào lúc nửa đêm, bằng hình thức thư điện tử. Công nghệ thông tin thì tốt, những công nghệ thông tin áp dụng vào những tình huống khẩn cấp lại là không phù hợp.

Không có thí sinh nào bị lỡ buổi thi ấy. Đó là điều may mắn, nhưng phụ huynh học sinh thì cũng được một buổi cuống cuồng. Sự việc nhỏ này cho thấy trong bất kể trường hợp nào việc thực hiện chức trách đều phải sát sao, cụ thể và trách nhiệm. Rất có thể, đằng sau một sự nhầm lẫn phòng thi là cả tương lai của một con người. Nếu giải quyết công việc chỉ để cho có, để được cho đã hoàn thành thì chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Các mùa thi vẫn còn tiếp tục, riêng mùa hè năm nay vẫn còn một kỳ thi phía trước. Một năm thi cử nằm trong một biến động của đại dịch toàn cầu tác động đến nền giáo dục của mọi quốc gia. Tâm lý học sinh năm nay ít nhiều cũng có những xáo trộn không tránh khỏi. Việc tổ chức tốt kỳ thi vào năm nay là một cách để những xáo trộn trong việc dạy và học trở lên bớt căng thẳng đối với tâm lý thí sinh.

Những năm qua, mùa nào thi cử cũng gặp chuyện nọ chuyện kia, lớn thì như việc gian lận thi cử tới mức nhiều cán bộ phải ra tòa. Sự cố nhỏ của kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội cũng nên được rút kinh nghiệm cho kỳ thi THPT sắp tới và các mùa thi năm sau. Đảm bảo cho các kỳ thi an toàn, công bằng với các thí sinh thì mới hướng tới được mục tiêu đề ra của thi cử. Thi cử để tạo ra tiêu cực hoặc tâm lý nặng nề với thí sinh thì kỳ thi trở lên mất hết ý nghĩa.

Trách nhiệm của những cơ quan có trách nhiệm nên thực hiện bằng phương tiện gì, email, điện thoại hay tin nhắn? Bằng gì thì cũng phải đảm bảo không vô cảm và chậm trễ.

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tu-mot-su-co-nho-491691.html