Tự lực, tự cường

Trong những ngày căng thẳng vì giãn cách và cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 khi chỉ có những hoạt động cung cấp, mua bán các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, vật dụng y tế được thực hiện thì hình bóng, tâm lý về xã hội tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu đã tái hiện trong cuộc sống.

Ở các vùng nông thôn, miền núi, điều này quá rõ bởi gần như mọi thứ đều sẵn có trong đồng ruộng, vườn tược, ao chuồng. Ở đô thị có khác chăng thì cũng chỉ là phải thông qua mua bán với nhiều hình thức. Thói quen sống tằn tiện, sẻ chia của dân ta vẫn còn đó, văn hóa sản xuất, tiêu dùng và lối sống tự cung tự cấp của xã hội truyền thống, cùng năng lực của nền nông nghiệp, thương mại hiện đại góp phần đắc lực giúp xã hội ta ổn định, đủ sức chống đỡ với dịch bệnh, thiên tai.

Giờ đây, trong nước ta dịch bệnh đã được khống chế, đẩy lùi nhưng trên phạm vi khu vực, châu lục và cả thế giới, đại dịch vẫn hoành hành và chưa thể biết đến lúc nào mới chấm dứt thì câu chuyện tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu vẫn nóng hổi tính thời sự với những nội dung, hình thức mới mẻ hơn hẳn. “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam đi du lịch trên đất nước Việt Nam” là những cuộc vận động, những đợt sóng mới không chỉ là những giải pháp tình thế, khắc phục hoàn cảnh mà còn là bồi đắp tiềm lực đất nước, sẵn sàng mở đường phát triển kinh tế sau đại dịch toàn cầu. Hướng đi, cách làm này vừa phù hợp với quy luật phát triển chung vừa đáp ứng nhu cầu, phát huy lối sống và tâm lý làm chủ đất nước của nhân dân ta. Một vấn đề vĩ mô rất đáng quan tâm khác là trong bối cảnh nền kinh tế mở rộng và sâu chưa từng có, đây cũng chính là cách đi để điều chỉnh, đưa lại sự cân bằng đáp ứng cả cung và cầu giữa thị trường trong nước với nước ngoài.

Nhìn lại lịch sử, những nền văn minh đỉnh cao thời Lý-Trần và Lê đều được gây dựng trên cơ sở kết hợp phát triển kinh tế trong nước gắn với giao thương, giao lưu với các nền kinh tế bên ngoài. Ngay thời Lê-Trịnh ở Đàng ngoài và chúa Nguyễn, vua Nguyễn ở Đàng trong, sự cân bằng trong-ngoài đã giúp đất nước có được sự hưng thịnh với những “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” và đô thị cảng Hội An, rồi sau đó là Sài Gòn và nhiều cảng thị miền Trung... Trong giai đoạn tương đối ngắn của triều đại Tây Sơn, chính Hoàng đế Quang Trung đã tuyên bố về mơ ước của ông: Ta mong rồi đây sẽ không phải mua bất cứ thứ gì của phương Bắc, trừ thuốc bắc. Khôi phục đất nước, vực dậy đời sống nhân dân sau kháng chiến chống quân Thanh trong khi nguy cơ giặc giã vẫn còn, ước mong đó của nhà vua là hợp thời thế.

Kể ra thế để thấy nền kinh tế nước ta khi mở rộng giao thương quốc tế đã trở nên phong phú, dồi dào hàng hóa nhưng cơ sở trước sau vẫn là củng cố, phát triển nội lực, bảo đảm tự cung tự cấp đáp ứng những nhu cầu cơ bản của kinh tế và đời sống xã hội. Cũng chính vì thực hiện “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” mà nền kinh tế yếu kém, lạc hậu của đất nước vẫn có thể dựa trên tự lực cánh sinh là chính, cung ứng được cho quân dân ta đánh thắng những kẻ thù hung bạo trong các cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài ở thế kỷ 20.

Tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu đạt đến mức cao chính là nền tảng để đất nước tự lực, tự cường trong suốt chiều dài lịch sử. Hiện nay, thành tựu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã tạo cho đất nước chúng ta một vị thế mới vững vàng chưa từng có. Phương sách “tự cung tự cấp” trên vòng quay mới cao hơn, toàn diện và cân bằng trong-ngoài hơn chính là bước đi chủ động trong “trạng thái bình thường mới” để đưa đất nước sẵn sàng cho hành trình mới phát triển nhanh và bền vững.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tu-luc-tu-cuong-618489