Từ Luật Chăn nuôi đến tiêu chuẩn thịt mát

Những điểm mới của Dự thảo Luật Chăn nuôi cũng như những vấn đề liên quan đến Tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát – thịt lợn vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố ảnh hưởng như thế nào đến người chăn nuôi, người tiêu dùng?

Chiều 5/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến “Từ Luật Chăn nuôi đến tiêu chuẩn thịt mát: Quyền được tiếp cận thực phẩm tươi, ngon, sạch và sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi”.

Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: BT)

Giới thiệu về Dự thảo Luật Chăn nuôi tại Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đây là văn kiện lớn nhất của ngành chăn nuôi từ trước tới nay. Trước đây, chúng ta mới chỉ có Pháp lệnh Giống và vật nuôi được Quốc hội ban hành từ năm 2004. Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi hiện cũng mới chỉ quản lý ở cấp Nghị định, các lĩnh vực khác như môi trường, điều kiện chăn nuôi chưa có văn bản pháp luật quản lý ngành.

Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thông qua ở kỳ họp thứ 5, cấu trúc của Luật Chăn nuôi lúc đó có 8 chương 65 điều, tuy nhiên một số quy định chưa đạt yêu cầu mong muốn. Với phiên bản thứ 6, Dự thảo Luật Chăn nuôi vẫn có 8 chương, nhưng có 82 điều. Trong đó, tích hợp các quy định liên quan thành một chuỗi khép kín, từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến kết nối thị trường... Xuyên suốt toàn bộ Luật, thể hiện chăn nuôi là ngành kinh tế - xã hội lớn, bao gồm các vấn đề sản xuất, kinh doanh đáp ứng các yêu cầu về thực phẩm, công ăn việc làm của đại bộ phận người nông dân, những người tham gia lĩnh vực chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, điểm mới quan trọng nhất của Luật Chăn nuôi, đó là quy định chăn nuôi là ngành có điều kiện, có quy định hộ chăn nuôi, chủ trang trại phải đăng ký số lượng vật nuôi với địa phương; quy định thế nào là trang trại nhỏ, thế nào là trang trại lớn; hay các quy định về môi trường chăn nuôi,…

Đặc biệt, một điểm lưu ý trong Luật là đưa vào quyền vật nuôi, được hiểu là đối xử nhân đạo với vật nuôi. Đây là xu thế của thế giới, thể hiện sự đối xử nhân đạo của con người với vật nuôi. Với việc vật nuôi được đối xử nhân đạo trong quá trình chăn nuôi, giết mổ sẽ cho chất lượng thịt ngon hơn.

Tại Tọa đàm, trả lời câu hỏi của bạn đọc liên quan tiêu chuẩn thịt mát, TS. Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) cho hay, thịt mát có thể hiểu là thịt tươi sau giết mổ, sử dụng nhiệt độ để ức chế vi khuẩn phát triển, duy trì tươi lâu. Nhiều nước đã làm việc này từ lâu, ngay sau khi giết mổ, thịt được đưa vào làm mát trước, giúp tăng mùi vị, cảm quan của thịt. Điều quan trọng của quá trình này là giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tươi ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chia sẻ thêm thông tin về thịt mát, PGS.TS Phan Thanh Tâm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, theo tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát vừa được công bố (TCVN 12429:2018 về Thịt mát- Phần 1: Thịt lợn), thân thịt lợn ngay sau khi giết mổ ở dạng nguyên con hoặc xẻ đôi trải qua quá trình làm mát bảo đảm tâm thịt ở phần thịt dày nhất đạt nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C trong thời gian không quá 24 giờ sau giết mổ. Các dạng sản phẩm như cắt miếng hoặc xay được pha lọc thân thịt đã qua quá trình làm mát và thịt lợn mát phải được vận chuyển, bảo quản ở nhiệt độ từ 0-4 độ C.

Quá trình bảo quản này giúp ức chế hoạt động của hệ vi sinh vật trên miếng thịt, trong khi đó vẫn đảm bảo các quá trình sinh hóa của thân thịt và đảm bảo miếng thịt tới tay người tiêu dùng ở trạng thái sinh hóa tốt nhất mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi của độc giả liên quan đến việc đưa ra tiêu chuẩn thịt mát sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của chăn nuôi nông hộ khi bản thân họ không có đủ kiện để đầu tư quy trình chăn nuôi tốn kém như các doanh nghiệp lớn, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh, ngành chăn nuôi đang được thiết kế lại và sẽ cố gắng để không còn ai đứng ngoài chuỗi. Yêu cầu tổ chức chăn nuôi theo chuỗi là con đường tất yếu và mỗi người chăn nuôi sẽ phải tự ghép mình vào chuỗi.

Hiện có một số hình thức chuỗi: Một là, doanh nghiệp, trang trại lớn tự xây dựng chuỗi theo hình thức liên kết với các chủ trang trại lớn, Hợp tác xã từ đầu vào đến đầu ra. Thứ hai, Hợp tác xã đứng ra cùng nhiều nhóm hộ ghép lại với nhau hình thành chuỗi. Thứ ba, nông hộ liên kết với nông hộ, theo đó có thể đảm bảo sản phẩm chăn nuôi bán cho ai, sản phẩm bán cho phân khúc thị trường nào.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, chăn nuôi chuyên nghiệp, chắc chắn phải hình thành theo các con đường như vậy. Vì vậy, các nông hộ không lo bị đẩy ra mà sẽ tiến tới đều được tham gia chuỗi.

Việc tạo điều kiện cho chăn nuôi nông hộ đứng vững trong điều kiện hiện nay cũng là vấn đề ngành nông nghiệp trăn trở. Tuy nhiên, tin rằng, những chính sách mới với hướng đi đúng đắn sẽ giúp cho những hộ chăn nuôi ngày càng chuyên nghiệp hơn để tồn tại, phát triển với quy mô lớn hơn./.

BT

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/tu-luat-chan-nuoi-den-tieu-chuan-thit-mat-503905.html