Từ làng hoa ra chợ tết

Đến hẹn lại lên, cứ vào những ngày cuối năm, người dân ở các làng hoa truyền thống của Hà Nội bắt đầu hối hả vào vụ, 'chạy đua' cùng thời gian chuẩn bị các công đoạn cuối cùng cho hoa, cây cảnh để đưa ra thị trường. Cũng từ đó, lượng hoa đổ về các phiên chợ cuối năm ngày càng nhiều, nhộn nhịp, đông vui đem hương sắc góp phần làm đẹp cho mỗi gia đình khi Tết đến xuân về.

Nhà vườn tất bật “chạy nước rút”

Nằm cách nội đô khoảng 15 km, làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm) được xem là làng hoa lớn nhất Hà Nội, đây cũng là nơi cung cấp hoa tươi lớn nhất cho người dân Thủ đô. Trên những nẻo đường về vùng ven đô của đất Hà thành, không khó để bắt gặp những xe hoa chất đầy, tất bật di chuyển vào khu vực trung tâm Thành phố.

Theo người dân nơi đây, cứ vào khoảng tháng Chạp cả làng Tây Tựu ai nấy đều trong tâm thế “chạy nước rút” cho mùa hoa Tết. Trên khắp những cánh đồng rộng mênh mông là bạt ngàn những thửa ruộng hoa cúc, hoa ly, thược dược,… nở chúm chím, nụ xanh mướt, bà con nhộn nhịp rẽ từng luống chăm chút hoa cẩn thận, kĩ lưỡng.

Chợ hoa xuân

Chợ hoa xuân

Trước đây, toàn bộ diện tích đất của Tây Tựu trồng các loại cây như lúa, dưa lê, cà chua. Tuy nhiên, sau khi những cây hoa đầu tiên được đưa về trồng sinh trưởng và phát triển rất tốt, hàng trăm hộ dân quyết định thay thế hoa cho các loại cây rau màu. Mùa nào hoa nấy, nhưng đối với vụ Tết thì đa phần người dân tiến hành trồng một số loại hoa lâu ngày, trong đó hoa ly là thức hoa được nhiều người lựa chọn.

Để chuẩn bị cho thị trường hoa ly và nhu cầu của người dân dịp Tết, năm nào người trồng hoa ở đây cũng phải bắt đầu ươm củ từ nhiều tháng trước. Đến những ngày cuối năm âm lịch, tiết trời Hà Nội sau đợt nắng ấm kéo dài đã bắt đầu trở lạnh kèm theo mưa cũng là lúc trên các cánh đồng trồng hoa sáng rực ánh đèn chiếu sáng để giữ ấm và thúc hoa ly nở đúng mùa vụ. Trên thửa ruộng hoa ly, gia đình bà Nguyễn Thị Tình đang nâng niu từng nụ hoa, chăm sóc từng chiếc lá một cách tỉ mẩn và kiên nhẫn, bà chia sẻ: “Nhà tôi trồng gần 2 sào ly cam. Cuối năm gần Tết là thời điểm quan trọng quyết định chất lượng hoa nên gia đình tôi và nhiều hộ khác phải dựng lều trại ăn ngủ cùng hoa”.

Trồng hoa ly phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thời tiết ủng hộ thì cây ra sẽ đẹp. Trồng ly vốn đầu tư cao từ khâu nhập giống, chi phí chăm sóc nên giá bán cũng cao hơn so với nhiều loại hoa thông thường khác. “Mấy ngày nay, thời tiết không ủng hộ làm nhiều hộ trồng ly lo lắng, bởi đây là loại hoa sức chịu lạnh kém, khả năng thu hồi vốn thấp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nỗ lực cho tết Kỷ Hợi đang đến gần, túc trực ở đồng hoa từ sáng đến tối tỉa cành, thắp điện sưởi ấm cho hoa, hy vọng sẽ đạt năng suất. Nhìn chung năm nay hoa phong phú và đẹp hơn năm ngoái, giá cả ổn định. Dân thành phố ngày càng quan tâm đến đời sống tinh thần trong những ngày Tết, nên lượng người tham quan và mua hoa đông hơn năm ngoái”, bà Tình cho biết thêm.

Với nhiều người đi chợ hoa Tết là để thưởng thức không khí Tết thuở xưa

Cùng với cành hoa tươi, nhắc đến ngày Xuân ở miền Bắc không thể không nhắc đến sắc hồng của đào và màu vàng ươm của trái quất. Khi vườn đào Nhật Tân đa phần chỉ mới lên nụ non thì các vườn quất ở Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ) hương vị Tết đã bắt đầu ngập tràn. Con đường dẫn vào làng quất cảnh Tứ Liên nằm trên vùng đất ven sông Hồng dường như đông đúc hơn, người và xe đi lại hối hả. Tại những vườn quất ngút ngàn, xanh mát đẹp mắt đều nhau thẳng tắp đã thu hút không ít khách hàng từ muôn nơi đến thăm vườn từ sớm. Người làng Tứ Liên cũng tất bật với bao thứ việc trong vườn mong có được những cây quất đẹp nhất kịp mang ra chợ ngày giáp Tết.

Những năm gần đây, người dân Tứ Liên đã chuyển đổi sang trồng quất bonsai, quất thế để phục vụ người tiêu dùng với giá trị tương đối lớn. Để chuẩn bị cho thị trường cuối năm, chủ vườn bắt đầu ươm trồng ngay từ tháng Giêng, việc chăm quất như chăm con mọn buộc người làm công việc này phải bỏ ra nhiều công sức. Việc tạo thế hoàn thiện cho một cây quất cũng mất đến vài tiếng đồng hồ, với những cây to cao có khi mất cả ngày. Chính vì vậy các nhà vườn phải bắt tay vào gò thế quất sớm thì mới mong kịp phục vụ dịp tết Nguyên đán.

“Nhà tôi có tổng cộng hơn 500 gốc quất bonsai, để cây cho trái đồng loạt, ngay từ tháng 6 âm lịch nhiều nơi đã bón phân và bơm thuốc kích thích đậu trái. Hiện trái quất đã lớn, trái dày, dự báo một mùa quất đẹp. Đặc điểm của quất Tứ Liên rất bền, không nở quá sớm và không chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết. Những ngày này chúng tôi phải tưới nước liên tục, đến ngày giáp Tết cần thêm người lau lá, vận chuyển. Tuy nhiên giá quất năm nay vẫn ổn định, đầu mùa có thể cao hơn cuối mùa một chút”, chủ vườn quất Đức Thọ lâu năm tại Tứ Liên hào hứng cho hay.

Người chơi cây cảnh mỗi năm sẽ có một xu hướng và thú chơi riêng nên nghệ nhân phải nhanh trí bắt kịp tâm lý khách hàng. Như 2019 là năm Kỷ Hợi, hay còn gọi là năm con heo vàng, thì thú chơi sẽ xoay quanh biểu tượng con vật đó. Do vậy, các nhà vườn đã sáng tạo chậu hình heo bằng sứ, đá độc đáo và tạo thế cho cây trên chậu thu hút không ít người chơi quất.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (chủ một nhà vườn) cho biết: “Năm nay gia đình tôi có 50 chậu heo đá, để có được sản phẩm hoàn thiện này phải mất gần 1 năm để đặt hàng tạo hình heo vàng bằng đá, cẩn thận chọn giống quất khỏe mạnh ngay từ đầu để dễ dàng tạo thế ưng ý nhất, công sức chăm sóc bỏ ra cũng nhiều hơn. Mỗi gốc sẽ có giá trung bình từ 2 - 5 triệu đồng tùy kích thước của cây. Mặc dù giá thành cao nhưng đến nay đã có 50% số gốc được khách đặt trước chủ yếu là khách quen và chỉ chờ ngày mang về. Các chủ buôn cũng đã đến các vườn quất để xem xét, lựa chọn cây và thỏa thuận giá cả”.

Một mùa xuân nữa sắp về, dưới sắc nắng hanh hao cùng những làn gió xuân mang hơi ẩm từ sông Hồng thổi về làm trái quất căng mọng. Trong những thời khắc cuối năm này, bao người trồng hoa, trồng quất của vùng ngoại thành Hà Nội hân hoan, vui mừng hứa hẹn cung cấp đủ số lượng phục vụ cho nhu cầu chơi hoa của người dân Thủ đô.

Tưng bừng hương sắc Tết trên chợ hoa

Không khí Tết không chỉ sôi động ở những làng hoa ven đô mà phố phường Hà Nội trong những ngày này đông vui nhộn nhịp một cách lạ thường, nhà nhà rủ nhau đi sắm Tết, chơi Tết. Dù bận đến mấy, mỗi người đều dành thời gian đi chợ hoa, ngoài chuyện mua hoa và cây cảnh để trang trí nhà cửa, sân vườn đón năm mới còn là thú vui chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh túy của thiên nhiên ban tặng cho con người vào thời khắc giao hòa giữa năm mới và năm cũ. Với nhiều người đó là quãng thời gian để du xuân, cảm nhận sớm không khí Tết đang đến gần.

Cùng với cành hoa tươi, nhắc đến ngày Xuân ở miền Bắc không thể không nhắc đến sắc hồng của đào và màu vàng ươm của trái quất. Khi vườn đào Nhật Tân đa phần chỉ mới lên nụ non thì các vườn quất ở Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ) hương vị Tết đã bắt đầu ngập tràn. Con đường dẫn vào làng quất cảnh Tứ Liên nằm trên vùng đất ven sông Hồng dường như đông đúc hơn, người và xe đi lại hối hả. Tại những vườn quất ngút ngàn, xanh mát đẹp mắt đều nhau thẳng tắp đã thu hút không ít khách hàng từ muôn nơi đến thăm vườn từ sớm. Người làng Tứ Liên cũng tất bật với bao thứ việc trong vườn mong có được những cây quất đẹp nhất kịp mang ra chợ ngày giáp Tết.

Đến với chợ hoa Tết là đến với một phần quan trọng không thể thiếu của không gian văn hóa Tết. Bởi vậy không khí tháng Chạp, nhất là thời gian cận kề ngày Tết bao giờ cũng gợi lên trong lòng người nhiều cảm xúc khó tả. Với người Việt Nam Tết còn là thời điểm để được trở về với nguồn cội, để cảm nhận tình cảm gắn bó, thiêng liêng với quê hương, xóm làng. Ngày nay, dù ở nơi đâu, làm bất cứ việc gì mỗi người vẫn luôn nhớ lũy tre làng, cây đa, bến nước, sân đình, nhớ chợ làng mà trong đó những phiên chợ hoa Tết rực sắc màu luôn khiến lòng người rộn rã, yêu thương.

Đi chợ hoa Tết trong ngày cuối năm, tôi được bà kể cho nghe những câu chuyện tình làng nghĩa xóm gắn kết yêu thương của thời ông bà xa xưa. Hiện hữu trong mỗi câu chuyện đó chứa đựng nét đẹp của những phiên chợ cuối năm. Khi ấy, tiếng bà con ngõ trên, xóm dưới í ới gọi nhau đi chợ từ lúc trời còn mờ hơi sương. Ngày đó ai cũng mong đến Tết để được rủng rỉnh “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Chợ hoa Tết những tháng năm xưa cũng chẳng phong phú và nhiều sắc màu như hiện nay, chỉ phổ biến với những cành đào, quất, bông cúc vàng, nhánh violet hay cành thược dược mang đậm sắc hoa truyền thống. Ngày nay, chợ hầu như ngày nào cũng họp, các hệ thống siêu thị phát triển dày đặc với cách mua - bán hiện đại hơn. Thế nhưng chợ hoa ngày Tết vẫn không hề mất đi ý nghĩa, vẫn luôn khiến mỗi người háo hức chờ đợi, dành thời gian rảo bước trong những phiên chợ.

Từ lẽ đó, Hà Nội có rất nhiều chợ hoa Tết nhưng nổi bật nhất là chợ hoa Hàng Lược, Quảng Bá, Hoàng Hoa Thám, Vạn Phúc có truyền thống lâu đời. Mỗi chợ hoa có một nét đặc thù riêng như chợ hoa Hàng Lược là chợ hoa cổ được nhiều người yêu thích, về phía ven đê có chợ hoa Quảng Bá mang đậm sắc đào Nhật Tân,...

Trong những ngày cận Tết không khí ở các chợ hoa cũng náo nhiệt, dồn dập khác hẳn những ngày thường. Những xe hoa từ khắp mọi nẻo dồn về, lay ơn, violet, thược dược,... tất cả những bông đẹp nhất đang ngậm sương nằm im lìm dưới lá, những bó hoa cúc xếp chồng lên nhau như những đốm lửa nhuộm vàng cả một khu chợ. Người bán, người mua tất thảy đều vội vã.

Đông đúc là vậy nhưng không khí ở phiên chợ tạo cho mỗi người cảm nhận được sức sống mới của đất trời, sự sinh sôi nảy nở của vạn vật cây cỏ trong mùa xuân. Tuy vẫn là “chợ”, vẫn là những hoạt động mua – bán, hiện diện đủ mọi cung bậc cảm xúc nhưng chợ hoa ngày Tết có một nét rất riêng. Nét riêng đó được tạo nên bởi người bán, người mua trong niềm vui đón chào một mùa xuân mới.

Các khu chợ hoa vốn đã nhiều hương sắc thì trong những ngày cuối năm còn đẹp hơn hẳn với những sắc hoa báo Tết đang về. Ở phiên chợ, hoa Tết có đủ loại từ các loài hoa dân dã như: Vạn thọ, cúc, thược dược, đồng tiền, hướng dương… cho đến những loại hoa “cao sang” như: Mai, lan, hồng đỏ, huệ, loa kèn, hoa ly,… Cứ vậy, với sự kết hợp nhịp nhàng, hối hả ấy hòa quyện trong cái lạnh đặc trưng của Hà Nội, tạo ra một xúc cảm hân hoan cho bất cứ ai mỗi khi đặt chân đến chợ. Để rồi đến với phiên chợ hoa Tết mỗi người đều cảm nhận được Tết về trên những cành hoa, trong không gian và trong trái tim của mỗi người.

Chẳng những vậy, với nhiều người đi chợ hoa cuối năm không hẳn để mua hoa mà còn là đón mùa xuân về theo cách riêng của mình, để ngắm nghía, thưởng thức vẻ đẹp của hoa ngày Tết và tìm lại không khí Tết Hà Nội thuở xưa. Với họ, ngày Tết chưa đi chợ hoa là thiếu đi mùa xuân bởi vậy trên khắp các nẻo đường chợ hoa Tết là sắc màu đem mùa xuân về cho Thành phố.

Nguyễn Hoa – Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tu-lang-hoa-ra-cho-tet-86595.html