Từ 'LAM' nghĩ về hội họa sơn mài

Triển lãm sơn mài mang tên Lam của nhóm Sơn ta khai mạc vào 1/10/2018 tại Bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Người xem đã được thưởng thức một phòng tranh có nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau nhưng đầy tao nhã và ăn ý.

Sắc Lam tạo cho bề mặt tranh sơn mài bóng mịn một vẻ trầm mặc và yên ả. Nếu chỉ ngồi một mình trong phòng triển lãm như thế này, có thể bạn sẽ cảm nhận được sự cô đơn nhưng lại không bị cô lập bởi ánh sáng và màu sắc sẽ làm rạng lên với sự tham gia của bạn.

Tông lạnh vốn được ít sử dụng trong sơn mài. Người xưa thường sử dụng sơn và cánh gián để làm tác phẩm. Màu xanh ít xuất hiện vì nhiều lý do bởi quan niệm và lý do thẩm mỹ còn có những đặc tính hóa lý riêng không thể pha trộn với bất cứ loại màu nào. Chỉ mới gần đây, xuất hiện màu công nghiệp đã đủ tông màu thích ứng với sơn ta.

Tuy vậy, thay đổi một quan niệm được coi là giá trị truyền thống không hề dễ dàng. Phong cách sơn mài của các họa sĩ Đông dương đã thành chuẩn mực, vượt qua chuẩn mực không phải là chuyện dễ dàng. Và để vẽ được sơn mài Họa sĩ phải nắm được nghề sơn và những kỹ thuật thể hiện cơ sở.

Tác phẩm “Lên ngàn” của họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng

Tác phẩm “Lên ngàn” của họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng

Tác phẩm “Trừu tượng” của Họa sĩ Lý Trực Sơn

Tác phẩm “Tĩnh vật hoa” của Họa sĩ Nguyễn Thu Trang

Tác phẩm “Đam săn” của họa sĩ Nguyễn Trường Linh

Nói gọn lại một họa sĩ sơn mài còn phải là một nghệ nhân. Hệ lụy chắc chắn là nếu quá lệ thuộc vào kỹ thuật cổ truyền thì quan điểm nghệ thuật sẽ bị khống chế bởi kỹ thuật thực hiện.

Những ưu điểm của sơn mài còn chứa những cạm bẫy chết người khác. Vàng son vốn lộng lẫy, tự thân chất liệu đã hàm chứa giá trị thẩm mỹ và có sức lôi cuốn lớn. Một họa sĩ tầm tầm có kỹ thuật tốt và có thể làm được một bức tranh sơn mài hấp dẫn, làm người xem xao nhãng việc đánh giá năng lực nghệ thuật của tác giả. Một họa sĩ vẽ sơn mài không những phải đối mặt với những khó khăn về kỹ thuật mà còn phải vượt qua được ảo tưởng về năng lực của mình bởi sự hấp dẫn của chất liệu.

Triển lãm Lam ít nhất đã bắt buộc cá nhân họa sĩ tham dự phải suy nghĩ cho công việc mình sắp làm. Một tông màu mới đòi hỏi quan niệm và cảm hứng nghệ thuật ít nhiều khác đi, kỹ thuật cũng không thể như cũ. Nhuộm cái áo cũ bằng màu sắc mới là vô nghĩa.

Họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ: “Có khá nhiều tác phẩm tốt trong triển lãm lần này. Tốt theo ý tôi là tác giả sử dụng ngôn ngữ biểu đạt nhiều hơn là ngôn ngữ diễn tả truyền thống. Ngôn ngữ biểu đạt hàm chứa nhiều tính cá nhân hơn ngôn ngữ diễn tả, nó nhiều đứt đoạn hơn liên tục, mang nhiều tính sáng tạo hơn, tự do và phong phú hơn loại ngôn ngữ truyền thống.Tôi dành toàn bộ sự đánh giá từng tác phẩm cho người xem nhưng cũng xin nói là tôi khá hài lòng với triển lãm. Tôi tin triển lãm gây ấn tượng tốt với mọi người và sẽ tác động nhiều đến các họa sĩ sơn mài, có hay không tham gia vào cuộc chơi này”.

Triển lãm kéo dài từ 01/10/2018 đến 10/10/2018 tại Bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và tiếp tục trưng bày đến ngày 10/01/2019 trên Sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến Indochineart (https://www.indochineart.vn/).

PV

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tu-lam-nghi-ve-hoi-hoa-son-mai-3955316-c.html