Từ kỳ thị thời COVID-19 đến nỗi nhớ Hàn Mặc Tử

Trong đại dịch COVID-19, chúng ta không chỉ đối mặt với sát thủ vô hình SARS-CoV-2 mà còn phải chống lại 'virus kỳ thị'.

1. Tại đại dịch của thế kỷ XXI, tâm lý kỳ thị người mắc, người ở nơi có dịch COVID-19 đã xuất hiện. Có thời điểm, một bộ phận người dân kỳ thị, xa lánh người dân Vĩnh Phúc, Hải Dương, Đà Nẵng vì các địa phương này từng là điểm nóng của dịch COVID-19. Thậm chí, thời kỳ đầu dịch COVID-19 ở Việt Nam, nhiều y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch cũng bị kỳ thị, xa lánh do nhiều người cho rằng “đến gần y bác sĩ dễ bị lây bệnh”. Bất an, lo lắng vì bị kỳ thị là tâm lý của không ít chiến sĩ áo trắng đã, đang ngày đêm nỗ lực hết mình để chiến thắng sát thủ vô hình SARS-CoV-2.

Các bác sĩ nỗ lực chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19 nhưng có một bộ phận người dân có tâm lý kỳ thị những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch

Các bác sĩ nỗ lực chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19 nhưng có một bộ phận người dân có tâm lý kỳ thị những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch

Nhìn ra thế giới, sự việc gần đây khiến không ít người đau lòng. AFP đưa tin tại Yemen, anh Musheer Farhan đã mất vợ và con chưa kịp chào đời do bác sĩ ở địa phương sở tại đã từ chối làm phẫu thuật cho vợ Musheer Farhan do sợ cô mắc COVID-19. 3 bệnh viện đã từ chối chữa trị dù cô đang mang thai và mắc các vấn đề về hô hấp. Anh mất vợ, mất con - những người lẽ ra cần được ưu tiên cứu chữa thay vì bị kỳ thị.

2. Câu chuyện kỳ thị với người mắc bệnh, người tiếp xúc với căn bệnh hoặc “người tiềm năng mắc bệnh” không phải đến thời bây giờ mới xuất hiện.

Trong quá khứ, những bệnh nhân phong đã phải chịu sự kỳ thị của cộng đồng. Tránh như tránh hủi, đã trở thành câu thành ngữ. "Còn đáng sợ hơn cái chết", đó là tên một bài báo viết về những người không may mắc phải con virus Hansen này. Đáng sợ hơn cái chết, đó là sự lạnh lùng miệt thị, sự bất bình đẳng trong đối xử, sự xa lánh của gia đình, cộng đồng. Bệnh tật hành hạ nhưng đau đớn hơn là sự quay lưng của người đời, của mặc cảm vây hãm. Ở nước ta, một cái tên tiêu biểu gắn liền với căn bệnh quái ác này là Hàn Mặc Tử - một tài danh trong nền văn học Việt nhưng đoản mệnh khi chỉ có 28 năm “rong chơi” ở dương trần.

Hàn Mặc Tử có dấu hiệu mắc bệnh phong vào năm 1935. Ông Nguyễn Bá Tín – em trai Hàn Mặc Tử kể lại, lúc thấy con phát bệnh, mẹ lại không cho Hàn Mặc Tử đi viện mà mời một ông lang ở ngoại ô Quy Nhơn đến bắt mạch, bốc thuốc. Trong lần uống gấp đôi liều thuốc do nôn nóng vào Sài Gòn làm tờ Phụ nữ tân văn, Hàn Mặc Tử bị co giật ngã từ trên giường xuống đất. Từ đó, bệnh của thi sĩ trở nên trầm trọng và gia đình cũng đổi thầy, đổi thuốc liên tục.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912 - 1940)

3-4 năm sau, Hàn Mặc Tử được đưa vào bệnh viện Quy Nhơn, rồi chuyển bệnh viện phong Quy Hòa (20/9/1940) mang số bệnh nhân 1.134. Tuy nhiên ngày 11/11/1940, Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng khi tuổi đời mới 28. Bác sĩ Gour Vile làm ở bệnh viện Quy Hòa thời Hàn Mặc Tử điều trị bệnh, từng trách ông Nguyễn Bá Tín và gia đình đã không đưa tác giả bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đi trại phong sớm. Bác sĩ Gour Vile cho rằng Hàn Mặc Tử chết là do uống quá nhiều thuốc tạp nham của lang băm trước khi nhập viện phong Quy Hòa.

Nhưng một trong những tác nhân khác, đó là trước khi qua đời, người mắc bệnh phong như Hàn Mặc Tử thời ấy bị người đời kỳ thị, nghĩ đây là căn bệnh truyền nhiễm nên hắt hủi, xa lánh thậm chí bị ngược đãi. Sự thật, theo ông Nguyễn Bá Tín, gia đình phải đối phó với chính quyền địa phương vì họ đã hay tin Hàn Mặc Tử mắc căn bệnh hiểm, đòi đưa ông cách ly. Sau đó gia đình phải đưa người con không may mắn trốn tránh nhiều nơi.

Nhưng thời Hàn Mặc Tử đã cách đây hơn 80 năm, cũng khó mà trách. Dân trí những năm 30 của thế kỷ trước còn thấp, chưa kể các kênh thông tin truyền thông và y học ngày ấy không phát triển như bây giờ. Nhìn về quá khứ để ngẫm trong hiện tại, sao cho những kỳ thị không còn là nỗi ám ảnh nặng nề đè lên những phận người.

Hàn Mặc Tử đã về cõi khác, những vần thơ ông trong bài Một cõi quên vẫn còn đó:

Tôi trả cho tôi những ngại ngần

Trả người - đây nhé những phân vân

Cõi riêng lặng lẽ gài then kín

Ngoài ấy người vui với bụi trần.

Quỳnh Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ky-thi-thoi-covid-19-va-noi-nho-han-mac-tu-n192566.html