Sáng kiến độc đáo của sinh viên ĐH Bách Khoa: Tự kiểm soát tốc độ bình truyền bằng cách quét mã QR

Chỉ với chiếc smartphone, giờ đây các y, bác sĩ hoặc người nhà bệnh nhân có thể kiểm soát được tốc độ bình truyền dịch. Điều đặc biệt, công trình nghiên cứu mang tính tứng dụng cao này lại đến từ những sinh viên còn ngồi trên giảng đường.

Video về ứng dụng quét mã QR cảnh báo sớm bình truyền dịch trong y tế:

Đề tài nghiên cứu "Ứng dụng sóng hồng ngoại trong cảnh báo sớm bình truyền dịch trong y tế" của nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa đoạt giải Nhất trong cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020.

Cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020” có chủ đề “Smart up for life” hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế…

Tới căn phòng được gọi là “lab” - nơi nhóm sinh viên nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ trong y tế này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự khiêm tốn của cơ sở vật chất. Căn phòng rộng chừng 10m2 này khá chật hẹp, chứa máy móc, mạch điện tử và vô số bằng khen, giấy khen. Nhiều sinh viên vẫn đang chăm chú với đề tài riêng.

TS Cao Xuân Bình (Viện cơ khí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Điều kiện cơ sở vật chất có thể hạn hẹp nhưng nơi đây đã cho ra đời rất nhiều công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng của giảng viên cũng như sinh viên”.

Sinh viên Ngô Mạnh Tùng, K62, ngành Cơ điện tử, Viện Cơ khí (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) – một thành viên của nhóm sáng chế- chia sẻ: “Chỉ với chiếc smartphone, các y, bác sĩ hoặc người nhà bệnh nhân có thể kiểm soát được tốc độ bình truyền dịch sau khi đã quét mã QR. Cảm biến thu phát hồng ngoại sẽ tính toán được mỗi giọt nước đi qua… để có mức cảnh báo. Đề tài đã thử nghiệm tại trạm y tế trường ĐH Bách khoa Hà Nội, bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Đến nay, sản phẩm đã hoạt động ổn định khi ứng dụng”.

TS Cao Xuân Bình, Viện cơ khí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội là giảng viên hướng dẫn đề tài cho biết: “Sau những lần thí điểm, nhóm sẽ hoàn thiện sản phẩm và hy vọng được thí điểm trong tương lai gần”.

TS Cao Xuân Bình cho biết: "Một vài năm trở lại đây, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên trong trường mang tính ứng dụng rất nhiều. Như năm 2020, trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 4, 5 sản phẩm ứng dụng thành công ở bên ngoài. Phần thưởng lớn nhất đối với sinh viên vẫn là tinh thần. Từ chỗ là môn học trong nhà trường, sau khi được nghiên cứu sẽ trở thành sản phẩm đến với người dùng. Đây là "đà" để khi các em ra trường có thể bắt tay vào công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng rộng rãi hơn”.

“Viện luôn hỗ trợ các em về điều kiện học tập, môi trường nghiên cứu, nguyên liệu… để bất cứ ý tưởng có tính ứng dụng cao sẽ được khuyến khích triển khai”, TS Cao Xuân Bình nhấn mạnh.

Vòng đối đầu của cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020 diễn ra vào cuối tháng 10/2020 với sự góp mặt của 21 đội thi. Trong chặng đường của cuộc thi kéo dài trên 6 tháng, ban tổ chức đã tiến hành các hoạt động đào tạo, hướng dẫn cho các đội thi từ giai đoạn viết ý tưởng đến hoàn thiện đề án, triển khai đề án với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các diễn giả có uy tín về sáng tạo và khởi nghiệp. Sau vòng đối đầu, 6 đội thi đến từ các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thủy lợi đã góp mặt tại vòng chung kết. Kết quả: Đề tài nghiên cứu "Ứng dụng sóng hồng ngoại trong cảnh báo sớm bình truyền dịch trong y tế" của nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đoạt giải Nhất.

Lê Vân-Lê Phú/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/video/tu-kiem-soat-toc-do-binh-truyen-bang-cach-quet-ma-qr-20210416162653336.htm